Chuyện chưa kể về tình báo Việt Nam (5)

Google News

(Kiến Thức) - Tình báo là lực lượng đặc biệt, cần những con người có tố chất, dám hy sinh cuộc sống, tình cảm riêng tư để hoàn thành nhiệm vụ. 

Ở thời kỳ đầu thành lập, đã có nhiều người tham gia lực lượng này. Chúng tôi đã liên hệ, tìm hiểu và thu được những thông tin, những câu chuyên giá trị về hoạt động tình báo.
Thầy giáo tình báo
Bằng nhiều nguồn thông tin, chúng tôi biết được, ngôi nhà cổ ở phố Thi Sách (Hà Nội) đã từng một thời là địa chỉ học ngoại ngữ dành cho các nhà tình báo quốc phòng của quân đội ta vào năm 1956. Lớp học này do một giáo viên người Úc có tên là Niniane Diamon giảng dạy. Tuy nhiên, việc tiếp cận gia chủ của ngôi nhà ấy thì không hề dễ dàng vì quy định quản lý của cơ quan chức năng. Sau nhiều nỗ lực, chúng tôi đã liên hệ được với Đại tá Hà Mai, chủ nhân của ngôi nhà.
Chuyen chua ke ve tinh bao quoc phong Viet Nam (5)
Đại tá Hà Mai chơi đàn vi-ô-lông tại nhà.  
Đón khách ở bậc cầu thang với nụ cười thân thiện, mến khách, ông Mai dẫn chúng tôi lên tầng 2, vào căn phòng đa năng, giản dị của gia đình khoảng 30m2. Đại tá Hà Mai tâm tình: Đến nay, số cán bộ lão thành hoạt động trong ngành tình báo quốc phòng từ ngày thành lập hoặc vào ngành sau một vài năm còn lại không nhiều. Rồi ông khái quát, thực chất của hoạt động tình báo quân sự là việc thu thập, phân tích tin tức ở các cấp độ, quy mô khác nhau, nhằm phục vụ người chỉ huy trong tác chiến, xây dựng quân đội. Vì vậy, ông Hà Mai ví những người hoạt động tình báo là “thợ” săn tin.
Đại tá Hà Mai tên thật là Hà Xuân Thái sinh năm 1926 tại Hà Nội, là cán bộ tiền khởi nghĩa và nghỉ hưu năm 1989 với cấp bậc Đại tá và chức vụ Trưởng phòng Huấn luyện tình báo (Học viện Khoa học Quân sự hiện nay). Tuy đã hơn 90 tuổi, nói chậm, nhưng ông vẫn minh mẫn và có trí nhớ khá tốt. Trong thời kháng chiến chống Pháp, ông Mai nguyên là Trưởng ban tình báo Hà Nội. Sau này, ông từng là thầy dạy nghề của nhiều nhà tình báo chiến lược nổi tiếng trong quân đội Việt Nam.
Đại tá Hà Mai hồi tưởng lại các sự kiện đã xảy ra cách đây hơn 70 năm: Trước năm 1945, ông được giác ngộ và tham gia hoạt động trong tổ chức bí mật của Việt Minh. Cách mạng tháng Tám, ông cùng các đồng chí khác tham gia cướp chính quyền ở Hà Nội, bảo vệ các cơ sở và phong trào quần chúng nhân dân. Ngày 2/9/1945, ông và đồng đội đứng nghiêm trang dưới cờ đỏ sao vàng, nghe Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập và bảo vệ nhân dân tại Quảng trường Ba Đình. Sau đó ông vào tự vệ Hà Nội, đi kháng chiến, làm Trưởng ban quân báo Trung đoàn 165. Tiếp đó, ông Hà Mai được đồng chí Hoàng Minh Đạo chọn về làm ở Phòng Tình báo sau những ngày đầu rút lên chiến khu thực hiện chủ trương kháng chiến lâu dài. Ông Hà Mai từng là học sinh Trường Bưởi, rất giỏi tiếng Pháp. Đặc biệt, cụ yêu thích và chơi đàn vi-ô-lông như một nghệ sĩ thực thụ.
Ông kể, trong thời gian tham gia lớp học về tình báo tại Ỷ La, Tuyên Quang, ông được giáo viên người Áo tên là Ern St Fray (tên Việt Nam là Nguyễn Dân) cho thực tập với nội dung cực khó. Yêu cầu của bài tập là ông vào một nhà thờ, phải lấy được bất kỳ một tài liệu nào đó, đồng thời phải quay lại và tiếp xúc với người trong nhà thờ lần thứ hai. Vào vai một người tản cư đi tìm hiểu xung quanh địa phương, khi đến nhà thờ, đợi cho tan lễ, ông rung chuông. Người trong nhà thờ ra gặp một thanh niên tản cư bị đau bụng nên đã cho nghỉ nhờ. Ông Mai quan sát, nghi nhớ tất cả đồ đạc, phương tiện sinh hoạt trong phòng cùng một số vị trí trọng yếu trong nhà thờ. Sau đó linh mục người Tây Ban Nha đi vào và nói chuyện với cụ bằng tiếng Pháp rất thích thú. Với hiểu biết của mình, ông Mai được linh mục quý mến và cho mượn một cuốn sách. Hai ngày sau cụ quay lại và trả linh mục cuốn sách như lời hẹn. Kết quả, cụ được thầy giáo Nguyễn Dân chấm điểm tối đa cho bài thực hành, đó là điểm cao nhất trong số các học viên theo học. Sau câu chuyện, ông Mai hóm hỉnh, chắc là do kết quả học tập cao nên được trên chọn và điều động về Phòng Tình báo.
Ông tâm tình, hoạt động tình báo ở giai đoạn đầu của thời kháng chiến cực khó khăn. Khó nhất là phương pháp điều tra, nắm địch, thu thập thông tin tình báo vì chúng ta thiếu phương tiện, nhân lực, đặc biệt là thiếu những người có khả năng. Ấy nhưng, khó nhất là phương tiện di chuyển rất thiếu nên hạn chế đến kết quả. Ông ví dụ, khi điệp báo thu được tin, ở sân bay Gia Lâm, quân Pháp chuẩn bị dù, sắp đưa quân cơ động đường không, đánh Việt Bắc. Chuyển tin lên cơ quan phải dùng liên lạc chạy chân và tiếp sức. Tin về đến cơ quan để xử lý thì quân Pháp đã nhảy dù xuống các vị trí, thực hiện ý định đánh vào trung tâm đầu não kháng chiến và Chính phủ ta.
Nhà có 4 tình báo
Trong những lần trò chuyện với Đại tá Hà Mai, chúng tôi cảm nhận được sự nhiệt tình trong từng lời nói. Ông kể nhiều về những việc làm của đồng đội, nhưng lại bộc bạch rất ít về kết quả cũng như hoạt động của cá nhân trong lĩnh vực tình báo. Nhưng có một câu chuyện mà như ông nói, đó là cái duyên mà đến nay vẫn không tìm ra câu trả lời và giải thích thấu đáo.
Chuyen chua ke ve tinh bao quoc phong Viet Nam (5)-Hinh-2
 Vợ chồng Đại tá Hà Mai.
Ông kể, ngôi nhà mà vợ chồng ông đang ở hiện nay có hai thế hệ và có tới 4 người làm nghề tình báo mà lúc đầu không ai hay biết. Số là, trước Cách mạng tháng Tám, mẹ ông là bà Trần Thị Kim đã tham gia hoạt động bí mật, làm liên lạc cho Việt Minh tại Hà Nội. Cách ngày xảy ra Toàn quốc kháng chiến hơn một tháng, bà Trần Thị Kim đã đi tản cư ra ngoài vùng giặc Pháp chiếm đóng. Đến năm 1949, bà Kim trở lại Hà Nội và mở cửa hàng Thuận Phát (Nhôm – Gang – Bát) tại số 60 hàng Bát Sứ - Hà Nội.
Cửa hàng này của bà được tổ chức chọn là nơi để nuôi giấu cán bộ, trung chuyển tài liệu ra ngoài cho các ông Văn Tiến Mạnh, Nguyễn Quốc Hương (Mười Hương), Hoàng Minh Đạo. Tổ chức đã cử một đảng viên có tên Trần Thịnh vào thành tham gia các hoạt động, rồi được quân Pháp tuyển dụng làm ở Bộ Tổng tham mưu của chúng. Hằng ngày, những lúc rỗi việc, Trần Thịnh ra cửa hàng của bà Kim. Mẹ ông đã cho ông Thịnh tiền để trang trải cuộc sống và hoạt động. Sau này Trần Thịnh lấy được những tài liệu quan trọng phục vụ cho ta đánh quân Pháp, nhất là nắm được ý định và sơ đồ xây dựng đồn, bốt bằng bê tông tại các trục đường cơ động, bao vây đồng bằng Bắc Bộ, chia rẽ quân đội chủ lực và nhân dân. Điều bất ngờ là, cũng từ năm 1949, em gái kế sau ông Hà Mai là bà Hà Thị Thuận cũng về làm tình báo ở Hải Phòng.
Năm 1952 bà Thuận về Hà Nội ở với mẹ và làm nhiệm vụ mã hóa các tài liệu, gửi ra ngoài vùng kháng chiến. Ở thời điểm ấy, cô Thuận đã kết hôn với đồng chí Văn Tiến Mạnh, một học viên cùng lớp ở Ỷ La, Tuyên Quang với ông Mai và sau đó làm Trưởng ban tình báo Hải Phòng. Một bất ngờ nữa là, đồng chí Trần Thịnh là một điệp viên trong mạng lưới tình báo mà đồng chí Văn Tiến Mạnh phụ trách trực tiếp từ thời làm ở Hà Nội. Để đảm bảo thông tin với bên ngoài, trên đã cử cô Phận (quê ở Đông Anh, Hà Nội) về giúp việc bà Kim, bế con cô Thuận và làm liên lạc, mang tài liệu ra ngoài thành Hà Nội. Vào năm 1958, bà Trần Thị Kim được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng bằng khen. Bà mất năm 1980. Đại tá Hà Mai chia sẻ thêm, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Văn Tiến Mạnh và bà Hà Thị Thuận được lệnh “di cư” vào Nam, xây dựng mạng lưới điệp báo tại Sài Gòn thời kháng chiến chống Mỹ. Hiện ông Văn Tiến Mạnh đã mất.
Những câu chuyện về hoạt động tình báo thời kháng chiến chống Pháp mà Đại tá Hà Mai kể với chúng tôi không liền mạch, có phần rời rạc bởi độ trễ thời gian cùng trí nhớ tuổi già, nhưng thật mới mẻ và hấp dẫn. Có lẽ, điều đặc biệt với chúng tôi là ý chí, tinh thần, nghị lực của những người trong gia đình khi tham gia cách mạng, nghe theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đại Dương

>> xem thêm

Bình luận(0)