Theo Popsci, trong tháng 11, một tiêm kích J-16 của Trung Quốc đã bắn thử thành công một tên lửa không đối không có kích thước lớn bất thường. Tên lửa phá hủy thành công mục tiêu giả định ở khoảng cách rất xa.
Căn cứ vào hình ảnh tên lửa gắn trên cánh, các nhà phân tích quân sự ước tính tên lửa chiếm khoảng 28% chiều dài tiêm kích J-16. Tiêm kích này có chiều dài khoảng 22 m, như vậy tên lửa có thể dài khoảng 5,7 m, đường kính khoảng 0,33 m.
Tên lửa có 4 vây ổn định ở đuôi. Các chuyên gia dự đoán, với kích thước lớn như vậy, nó được xếp vào loại tên lửa không đối không tầm siêu xa (VLRAAM) với tầm bắn ước tính trên 300 km. So sánh với tên lửa không đối không tầm siêu xa R-37 của Nga có chiều dài 4,2 m, đường kính 0,38 m có tầm bắn tới 400 km. Như vậy tầm bắn tên lửa mới của Trung Quốc có thể dao động từ 402 đến 500 km.
Đây là một vấn đề rất lớn, tên lửa này sẽ bắn xa hơn bất kỳ tên lửa không đối không nào của Mỹ, hay NATO. Ngoài ra, tên lửa sử dụng động cơ mạnh mẽ có thể đạt đến tốc độ Mach 6 (7.347 km/h). Nó sẽ thiết lập một vùng không có lối thoát (NEZ), đó là khu vực mà mục tiêu không thể chạy nhanh hơn tên lửa, thậm chí cả máy bay tàng hình.
|
Tên lửa mới có kích thước rất lớn lắp trên tiêm kích J-16. Ảnh: Weibo |
Ngoài ra, các chuyên gia dự đoán, tên lửa mới có kích thước lớn cho phép lắp radar quét mạng pha điện tử chủ động (AESA). Loại radar này có thể khóa mục tiêu ở khoảng cách vượt từ 300 – 400% so với hầu hết radar trên tên lửa hiện nay.
Radar AESA đem lại hiệu quả cao trong việc tiêu diệt các mục tiêu từ xa và tàng hình. Nó có thể vượt qua các biện pháp đối phó điện tử. Ngoài radar, tên lửa này được cho là có cảm biến quang hồng ngoại dự phòng có thể nhận diện và phân biệt các mục tiêu giá trị cao như máy bay tiếp dầu, máy bay cảnh báo sớm.
Loại tên lửa này được cho là đủ khả năng cơ động để đối phó với các mục tiêu nhanh nhẹn như máy bay chiến đấu. Một yếu tố khác làm cho tên lửa này trở nên nguy hiểm là khả năng lướt trên không. Trong một báo cáo nghiên cứu của các nhà khoa học Viện Công nghệ điện tử và Điều khiển Bắc Kinh liên quan đến tên lửa không đối không tầm siêu xa cho thấy, trong giai đoạn giữa của hành trình, tên lửa có thể bay ở độ cao tới 30 km.
Ở độ cao lớn như vậy cho phép tên lửa mở rộng tầm bay bằng cách lướt trên không như phương tiện bay siêu thanh. Độ cao này cũng rất khó khăn để đối phương đánh chặn tên lửa ở giai đoạn giữa. Cuối cùng, độ cao lớn như vậy sẽ cho phép tên lửa tấn công kiểu “bổ nhào” làm cho đối phương có rất ít thời gian để ứng phó.
Ngoài ra, tên lửa này được cho là có khả năng liên kết dữ liệu trong một mạng lưới chiến đấu tích hợp công nghệ cao. Nó là một phần trong mạng lưới chiến đấu tổng thể của Trung Quốc. Ví dụ máy bay tàng hình J-20 sẽ lợi dụng khả năng lẫn tránh radar để tiếp cận gần và chỉ thị mục tiêu như máy bay tiếp dầu, cảnh báo sớm cho tiêm kích J-16 mang tên lửa VLRAAM.
Phương thức hoạt động của J-20 kết hợp với J-16 tương tự chiến thuật sử dụng F-22 để chỉ thị mục tiêu cho máy bay chiến đấu thế hệ 4 của Mỹ.
Nguy cơ với Mỹ
|
Các loại máy bay cảnh báo sớm, tiếp dầu của Mỹ sẽ gặp nguy hiểm với tên lửa VLRAAM mới của Trung Quốc. Ảnh: FAS |
Tầm bắn xa, tốc độ nhanh, tên lửa VLRAAM đặt ra mối đe dọa đáng kể đối với “Chiến lược dự phòng thứ 3” của Mỹ vốn phụ thuộc nhiều vào máy bay tiếp dầu, tác chiến điện tử và cảnh báo sớm. Ví dụ nếu không có máy bay tiếp dầu, phạm vi hoạt động của F-35 sẽ không đủ để thực hiện nhiệm vụ tầm xa ở Biển Đông, hay eo biển Đài Loan.
Tương tự như vậy, nếu không có máy bay cảnh báo sớm, F-22 buộc phải sử dụng radar của nó làm tăng nguy cơ bị phát hiện. Ngay cả các dự án máy bay không người lái MQ-25, hay dự án máy bay tiếp dầu KC-Z không người lái cũng khó lòng hoạt động an toàn trong phạm vi hoạt động của tên lửa Trung Quốc.
Tên lửa VLRAAM của Trung Quốc đang đe dọa kế hoạch phóng tên lửa hành trình từ máy bay không tàng hình của Lầu Năm Góc bằng cách mở rộng phạm vi tác chiến của tên lửa lên hàng trăm kilomet. Tóm lại, VLRAAM của Trung Quốc, không chỉ là một tên lửa lớn mà còn tạo mối đe dọa tiềm năng cho tác chiến trên không trong tương lai.