Tại châu Âu, xung đột Nga-Ukraine bước sang tháng thứ 20 mà không có dấu hiệu hạ nhiệt. Còn tại Trung Đông, xung đột giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas (kiểm soát Dải Gaza, Palestine) cũng đang leo thang nghiêm trọng và có nguy cơ lan rộng.
Hai cuộc xung đột này đang đặt ra thách thức cho Mỹ - quốc gia cam kết “sát cánh” với Israel và Ukraine - về năng lực đáp ứng nhu cầu vũ khí cho cả hai nước, theo tờ The New York Times.
Với lời hứa ban đầu sẽ gửi vũ khí cho cả Israel và Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 19-10 làm rõ rằng Mỹ không đặt cuộc chiến nào ưu tiên hơn so với cuộc chiến còn lại.
Tuy nhiên, vài giờ trước đó, một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết hàng chục nghìn quả đạn pháo 155 mm mà Washington hứa viện trợ cho Kiev sẽ được chuyển tới Tel Aviv.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trước toàn quốc từ Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, thủ đô Washington D.C (Mỹ) hôm 19-10. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Theo The New York Times, câu chuyện những quả đạn pháo trên là một ví dụ về loại vũ khí mà cả Ukraine và Israel đều cần, đặt ra thách thức cho Mỹ trong việc đảm bảo khả năng cung cấp cho cả hai.
The New York Times dẫn nhận định của ông Mark F. Cancian - cựu chiến lược gia vũ khí của Nhà Trắng và hiện là cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS - Mỹ, nghiên cứu về các vấn đề quốc tế) rằng “sẽ có sự đánh đổi” trong việc cung cấp vũ khí cho Ukraine và Israel.
Theo ông Cancian, sở dĩ có sự đánh đổi trên là vì các hệ thống vũ khí trên toàn cầu hiện nay đã cạn kiệt và các nhà sản xuất đang phải vật lộn để theo kịp nhu cầu.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Ukraine và Israel đang tham gia các hình thức tác chiến khác nhau và có những khả năng cũng như nhu cầu khác nhau về vũ khí.
“Sẽ có rất ít sự trùng lặp giữa những gì chúng tôi sẽ cung cấp cho Israel và những gì chúng tôi cung cấp cho Ukraine” - ông Michael J. Morell - cựu phó giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) nói.
Dù vậy, theo các chuyên gia, vẫn có một số vũ khí chủ chốt của Mỹ mà cả Israel và Ukraine đều cần.
Đạn pháo
Có lẽ hơn bất kỳ loại vũ khí nào khác, nhu cầu về đạn pháo 155 mm theo tiêu chuẩn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ gia tăng bởi vì cả Israel và Ukraine đều sử dụng loại đạn này để tấn công các mục tiêu trong phạm vi vài chục km.
Đạn pháo 155 mm theo tiêu chuẩn NATO. Ảnh: QUÂN ĐỘI MỸ
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ hồi tháng 2-2022, Mỹ đã gửi cho Ukraine hơn hai triệu quả đạn pháo 155 mm. Vào tháng 1, Lầu Năm Góc cho biết sẽ khai thác kho dự trữ của Mỹ ở Israel và vận chuyển hàng trăm nghìn quả đạn pháo 155 mm tới Ukraine.
Mỹ đặt kho vũ khí tại Israel, đồng minh thân cận nhất của Washington ở Trung Đông, để nhanh chóng cung cấp vũ khí cho toàn khu vực khi cần thiết.
Khoảng một nửa số đạn pháo trong kho dự trữ ở Israel đã được chuyển đi vào mùa đông năm 2022. Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Lầu Năm Góc hiện có kế hoạch chuyển một số phần còn lại cho Lực lượng Phòng vệ Israel.
Bình luận về thông tin trên, Thiếu tá Charlie Dietz - phát ngôn viên Lầu Năm Góc - từ chối thảo luận chi tiết về bất kỳ hoạt động chuyển giao vũ khí nào nhưng cho biết ưu tiên hàng đầu của Mỹ “là đảm bảo Israel có các nguồn lực cần thiết trong thời gian này”.
Một quan chức khác của Bộ Quốc phòng Mỹ đề xuất Israel và Ukraine có thể nhận các loại đạn dược khác nhau để tránh trùng lặp. Theo quan chức này, Mỹ có thể cung cấp cho Israel đạn pháo dẫn đường chính xác để tấn công các mục tiêu ở khu vực đô thị đông đúc. Trong khi đó, Washington có thể chuyển giao đạn chùm cho Ukraine để tấn công hiệu quả các mục tiêu nằm rải rác trên chiến trường.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng Ukraine đang sử dụng đạn pháo với tốc độ chóng mặt, được cho là hàng nghìn quả đạn mỗi ngày kể từ khi Kiev bắt đầu chiến dịch phản công. Điều này khiến các quan chức Ukraine cũng như phương Tây lo ngại rằng kho đạn dược của Kiev sẽ sớm cạn kiệt.
Việc này đặt ra áp lực cho các nhà sản xuất vũ khí ở Mỹ và châu Âu. Các nhà phân tích nhận định có thể sẽ phải mất nhiều năm nữa phương Tây mới bổ sung đầy đủ vào kho dự trữ của mình và đáp ứng nhu cầu của Ukraine. Đó là chưa kể đến nhu cầu của Israel.
Bom thông minh
Sau khi xung đột Israel-Hamas bùng nổ hôm 7-10, Mỹ gửi cho Israel lô vũ khí bao gồm khoảng 1.000 quả bom thông minh đường kính nhỏ phóng từ máy bay, có gắn hệ thống định vị GPS để theo dõi và tấn công các mục tiêu.
Các quan chức Mỹ cho biết Tel Aviv đang thúc giục Washington cung cấp thêm vũ khí này, bao gồm phiên bản sử dụng trên mặt đất mà Mỹ cam kết trước đó.
Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng Israel và Ukraine sẽ không phải cạnh tranh nhau những lô hàng bom thông minh từ Mỹ vì Washington được cho là sở hữu số lượng khủng loại vũ khí này.
Cụ thể, một tướng không quân Mỹ nói với The New York Times rằng kể từ năm 2018, Lầu Năm Góc mua hơn 34.000 quả bom thông minh. Về phía Israel, kể từ năm 2010, nước này cũng mua hơn 8.500 quả bom thông minh đường kính nhỏ từ Mỹ, theo dữ liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI - Thụy Điển, nghiên cứu về các vấn đề xung đột và hợp tác).
Tên lửa Stinger
Tính đến thời điểm hiện tại, Israel và Ukraine dựa vào các hệ thống rất khác nhau để ngăn chặn các cuộc không kích.
Đối với Israel, hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt (Iron Dome) được xem như xương sống của lực lượng phòng không nước này. Trong khi đó, Ukraine chủ yếu sử dụng các hệ thống phòng không do phương Tây cung cấp như hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ và một số hệ thống khác từ Đức, Na Uy.
Binh sĩ Ukraine sử dụng tên lửa Stinger trên chiến trường hồi tháng 5. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán rằng trong thời gian tới, cả Ukraine và Israel đều muốn củng cố hệ thống phòng không bằng tên lửa phòng không vác vai Stinger của Mỹ vì loại vũ khí này có tính cơ động cao và rẻ hơn nhiều so với tên lửa Patriot.
Việc giá thành rẻ cũng khiến Stinger thích hợp trong việc ứng phó các máy bay không người lái (UAV) giá rẻ của Nga và các rocket giá rẻ của Hamas.
Chuyên gia Cancian dự đoán Israel có thể đặc biệt cần Stinger, nhất là khi nước này đang chuẩn bị cho cuộc đổ bộ vào Dải Gaza bởi vì tính cơ động của Stinger phù hợp cho tác chiến đô thị hơn nhiều hệ thống phòng không khác.
Trước dự đoán về nhu cầu tên lửa Stinger có thể gia tăng, ông Cancian lưu ý rằng kho dự trữ Stinger của Mỹ hiện nay “cực kỳ hạn chế” và số lượng sản xuất mới cũng rất ít.