Đó là tuyên bố của Phó Giám đốc Cục thiết kế chế tạo máy KBP Yuri Savenkov bên lề triển lãm quốc phòng IDEX 2015 kết thúc vào cuối tuần qua.
“…Máy bay huấn luyện phản lực đa năng Yak-130 do Nga chế tạo cũng dành được khá nhiều sự quan tâm từ thị trường các nước Châu Mỹ Latinh và khu vực Đông Nam Á với các khách hàng tiềm năng như Mông Cổ hay Việt Nam”, ông Savenkov nói.
|
Máy bay huấn luyện tiên tiến Yak-130. |
Đây không phải là lần đầu tiên việc này được nhắc tới, “chúng tôi đang triển khai công tác để thúc đẩy loại máy bay này (Yak-130) tới thị trường Việt Nam, Mông Cổ và những nước khác”, ông Aleksandr Fomin Giám đốc Cơ quan Liên bang về hợp tác quân sự-kỹ thuật nêu ra khi trả lời phỏng vấn của hãng ITAR-TASS vào tháng 5/2014.
Yak-130 là một những mẫu máy bay huấn luyện bay cho phi công tiên tiến bậc nhất thế giới hiện nay. Nhà sản xuất Yakovlev quảng cáo, Yak-130 có khả năng mô phỏng các đặc tính của tiêm kích thế hệ 4++ và cả tiêm kích thế hệ 5. Nó có thể đảm đương đến 80% nhiệm vụ huấn luyện bay cơ bản.
Yak-130 được trang bị 2 động cơ phản lực AL-222-25 với hệ thống kiểm soát nhiên liệu kỹ thuật số FADEC. Động cơ cung cấp lực đẩy 24,52 kN/chiếc, với hệ thống động lực này Yak-130 có thể đạt tốc độ tối đa 1.050km/h.
Về hệ thống điện tử, Yak-130 được trang bị hệ thống điện tử kỹ thuật số kiến trúc mở, buồng lái nhà kính hiện đại. Hệ thống kiểm soát bay “fly-by-wire” kỹ thuật số. Phi công phía trước được trang bị một màn hình hiển thị HUD, hệ thống nhắm mục tiêu trên mũ bay HMSS.
Ngoài vai trò huấn luyện phi công, Yak-130 có thể đảm đương nhiệm vụ chiến đấu với tải trọng 3 tấn bao gồm các loại bom rơi tự do, bom có điều khiển, tên lửa và rocket, ụ pháo gắn ngoài, thùng nhiên liệu phụ, pod gây nhiễu…
Hiện nay, Không quân Nhân dân Việt Nam chủ yếu sử dụng các máy bay huấn luyện chiến đấu L-39C do Tiệp Khắc sản xuất từ những năm 1960.