Súng chống tăng mới của lính Mỹ kém xa RPG-7 Nga

Google News

(Kiến Thức) - Tuy ra đời sau RPG-7 hàng chục năm nhưng uy lực của Carl Gustav M3 kém hơn về khả năng xuyên giáp tăng và nặng hơn nhiều so với khẩu súng diệt tăng huyền thoại của nước Nga.

Trung tâm phân tích mua sắm vũ khí toàn cầu TSAMTO của Nga cho biết, tập đoàn SAAB của Thụy Điển đã chính thức nhận được đơn đặt hàng loại súng phóng lựu chống tăng Carl Gustav M3 có thiết kế tương tự RPG-7 của Nga cho các đơn vị quân đội Mỹ trong chương trình mua sắm Program of Record.
Điều đó đồng nghĩa rằng sau một thời gian dài chỉ sử dụng trong các đơn vị đặc nhiệm giờ đây súng phóng lựu Carl Gustav M3 sẽ trở thành vũ khí chống tăng cá nhân tiêu chuẩn cho các đơn vị bộ binh tiên phong trong quân đội Mỹ.
 Lính Mỹ khai hỏa súng chống tăng cá nhân Carl Gustav M3.
Carl Gustav M3 là một loại súng phóng lựu không giật được phát triển bởi Saab Bofors Dynamics (trước đây là Bofors Anti-Armour AB) Thụy Điển. Các nhà thiết kế vũ khí Thụy Điển đã bắt đầu thử nghiệm với một mẫu súng chống tăng không giật vào đầu những năm 1940. Thiết kế đầu tiên của họ là một vũ khí vác vai bắn phát một sử dụng đạn 20mm.
Thiết kế được đưa vào biên chế quân đội Thụy Điển trong năm 1942 với tên gọi M/42. Tuy nhiên, do nòng súng nhỏ nên không có hiệu quả chống lại các loại xe tăng thiết giáp lúc đó. Đến giai đoạn giữa những năm 1940, các nhà thiết kế Thụy Điển lại phát triển loại đạn HEAT chống tăng mới.
Đến năm 1946, nguyên mẫu đầu tiên của súng không giật cỡ nòng lớn bắn đạn HEAT cỡ nòng 84mm được tiến hành thử nghiệm. Súng được đặt tên Granatgevär 8.4cm m/48Carl-Gustaf hay còn gọi “súng trường phóng lựu đạn” mô hình 48 (năm 1948).
Carl Gustav có thiết kế và nguyên tắc hoạt động tương tự như RPG-7 của Liên Xô. Đơn giản, hiệu quả, Carl Gustav nhanh chóng trở thành vũ khí chống tăng tiêu chuẩn cho quân đội các nước Tây Âu. Súng có chiều dài tổng thể 1130mm, súng nạp đạn từ phía sau, khóa nòng của nó có một van điều tiết giảm giật Venturi.
Súng chống tăng Carl Gustav M3 nạp đạn ở đuôi.
Khi nạp đạn, van điều tiết sẽ được xoay qua một bên để nạp viên đạn mới sau đó khóa lại, súng thường được sử dụng bởi 2 người, một người bắn, một người nạp đạn, tốc độ bắn khoảng 6 viên/phút. Súng có 2 tay nắm gần phía trước, nó cũng có một chân chống ở giữa nhưng ít khi sử dụng.
Súng phóng lựu Carl Gustav được trang bị thước ngắm cơ khí nhưng thông thường trang bị tích hợp kính ngắm quang học với độ phóng đại khoảng 3 lần. Các biến thể hiện đại về sau được bổ sung thêm các loại kính ngắm hồng ngoại để bắn đêm cũng như các thiết bị đo xa laser để tăng cường hiệu quả chiến đấu.
Carl Gustav được sản xuất với 3 biến thể: biến thể M1 được giới thiệu vào năm 1948, M2 được giới thiệu vào năm 1964 và M3 được giới thiệu vào năm 1991. Biến thể M2 có tầm bắn hiệu quả chống lại xe tăng ở cự ly khoảng 150m, 700m với các mục tiêu cố định, khả năng xuyên giáp khoảng 400mm, khối lượng chiến đấu 14kg.
 Lính Mỹ khai hỏa súng chống tăng M3.
Biến thể M3 có tầm bắn hiệu quả chống xe tăng khoảng 150m, 700m với các mục tiêu cố định, lên đến 1000m với sự hỗ trợ của động cơ tên lửa nhiên liệu rắn, khả năng xuyên giáp khoảng 500mm, khối lượng chiến đấu 9,5kg chưa bao gồm kính ngắm quang học. Carl Gustav có thể bắn nhiều loại đạn khác nhau như đạn chống tăng HEAT, đạn phân mảnh diệt bộ binh, đạn HEDP tiêu diệt công sự.
Xét về tính năng, Carl Gustav là một súng phóng lựu chống tăng khá hiệu quả cả về khả năng xuyên giáp cũng như sự linh hoạt trong sử dụng. Tuy nhiên, so với đối thủ trực tiếp của nó là RPG-7 của Nga thì Carl Gustav còn có khá nhiều hạn chế.
 Các loại đạn của Carl Gustav M3.
Hạn chế đầu tiên và lớn nhất của Carl Gustav là khối lượng chiến đấu khá nặng, biến thể M2 có khối lượng chiến đấu tới 14kg nặng gần gấp đôi so với RPG-7, biến thể M3 khối lượng chiến đấu có giảm xuống đôi chút nhưng vẫn nặng hơn nhiều so với RPG-7.
Carl Gustav nạp đạn từ phía sau nên cần đến 2 người sử dụng để tăng hiệu quả chiến đấu trong khi đó RPG-7 chỉ cần một người sử dụng. Hạn chế tiếp theo của Carl Gustav là không thể sử dụng các loại đạn lớn hơn cỡ nòng như RPG-7 do nạp đạn từ phía sau.
Khả năng xuyên giáp của Carl Gustav kém hơn so với RPG-7, loại đạn xuyên giáp liều đúp PG-7VR của RPG-7 có thể xuyên đến 600mm sau giáp phản ứng nổ trong khi khả năng xuyên giáp tối đa của Carl Gustav chỉ khoảng 500mm giáp đồng nhất.
Bình Đức

Bình luận(0)