Theo trang mạng Strategypage, máy bay chống ngầm Gaoxin-6 (Cao Tân-6) của Trung Quốc không ngừng tiến hành thử nghiệm có thể sẽ sớm được đưa vào sử dụng. Nó sẽ bổ sung “chỗ trống P-3” giữa Quân đội Trung Quốc với các nước xung quanh.
Lấp đầy khoảng cách
Cái gọi là “chỗ trống P-3” là mượn từ cách nói “Missile Gap” của Mỹ và Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Những năm 1950-1960, báo chí Mỹ cho rằng số lượng tên lửa đạn đạo liên lục địa của Liên Xô vượt qua cả Mỹ, hình thành Missile Gap với Mỹ, vì vậy Mỹ tích cực phát triển tên lửa xuyên lục địa để lấp “khoảng cách”.
Trở lại với thực tại, Trung Quốc hiện nay chưa trang bị máy bay tuần tra chống ngầm tầm xa trên biển, trong khi nước láng giềng Trung Quốc như Nhật Bản cũng trang bị lượng lớn máy bay chống ngầm P-3C, gần đây Mỹ đã bàn giao cho Đài Loan máy bay chống ngầm P-3C, Ấn Độ mua máy bay chống ngầm P-8 mới nhất của Mỹ.
|
Hơn 200 máy bay chống tàu ngầm P-3C Orion đã "giăng lưới" quanh Trung Quốc.
|
Báo chí Mỹ cho rằng, các nước xung quanh Trung Quốc đã triển khai hơn 200 máy bay chống ngầm P-3C Orion của Mỹ, chưa kể trực thăng chống ngầm khác. Những máy bay chống ngầm này có thể thực hiện hoạt động giám sát đối với tàu ngầm và tàu mặt nước tại khu vực biển xung quanh Trung Quốc, hạn chế hoạt động của Hải quân Trung Quốc. Còn Trung Quốc chưa được trang bị lượng lớn máy bay tuần tra trên biển tầm xa, điều này hạn chế khả năng kiểm soát trên biển của Trung Quốc.
Theo một số nguồn tin, hiện nay, Hải quân Trung Quốc chỉ có khoảng 10 máy bay tuần tra chống ngầm tầm xa nhưng hầu hết đã cũ, tính năng kỹ chiến thuật kém cỏi. Phần còn lại chủ yếu là trực thăng chống ngầm tuy rất hiện đại nhưng tầm hoạt động ngắn, thời gian bay ít và khả năng mang vũ khí hạn chế.
Để khắc phục điểm yếu này, trong 3 năm qua, Trung Quốc liên tục thử nghiệm máy bay tuần tra chống ngầm Y-8 Gaoxin-6 (Cao Tân 6). Đây là kiểu máy bay đối ứng với máy bay tuần tra chống ngầm trên biển P-3C của Mỹ. Hai loại máy bay này về hình dáng và trang bị là giống nhau, trừ khi nhìn vào thực tế hoạt động của Y-8GX6, nếu không rất khó để đánh giá về tính năng của 2 loại máy bay này.
Trong tương lai, nếu Trung Quốc sử dụng máy bay chống ngầm trên biển để tìm kiếm tàu ngầm của Mỹ và các nước khác, như vậy ưu thế chống ngầm và ưu thế tàu ngầm của Mỹ tại khu vực Tây Thái Bình Dương sẽ không còn.
Việc đưa máy bay Cao Tân 6 vào sử dụng sẽ nâng cao khả năng chống ngầm nhanh chóng của Hải quân Trung Quốc, khiến tàu ngầm hạt nhân của Hải quân Mỹ “không dám ra uy” tại khu vực biển gần Trung Quốc.
|
Thiết kế "nhái Mỹ" Cao Tân 6 được kỳ vọng là sẽ phá vỡ thế phong tỏa tàu ngầm đối phương.
|
Giống với máy bay chống ngầm của Mỹ?
Máy bay Cao Tân 6 của Trung Quốc là kết quả của sự cố gắng trong những năm gần đây của nước này. Đây là loại máy bay chống ngầm kiểu mới hiện đại nhất hiện nay của Trung Quốc, hình dáng và trang bị rất giống với P-3C của Mỹ. Tính năng của nó được cho là đã đạt thậm chí vượt qua của máy bay chống ngầm P-3C của Mỹ, đối với việc mở rộng khả năng chống ngầm của Quân đội Trung Quốc mà nói là một bước nhảy vọt quan trọng.
Theo báo chí nước ngoài, hiện nay các nước có khả năng chế tạo máy bay chống ngầm cỡ lớn trên thế giới chỉ có Nga, Mỹ, Anh, Pháp và Nhật Bản, sau khi Trung Quốc thử nghiệm thành công máy bay chống ngầm Cao Tân 6 trở thành nước thứ 6 có khả năng phát triển máy bay chống ngầm cách cố định kiểu lớn.
Mỹ đã sử dụng máy bay chống ngầm gần 60 năm nay và Trung Quốc đang cố gắng theo kịp Mỹ. Mặc dù Trung Quốc có thể có được phần lớn chi tiết của trang bị máy bay chống ngầm Mỹ, nhưng kinh nghiệm hàng chục năm vẫn là vấn đề.
Strategypage cho biết thêm, giống với P-3C, máy bay chống ngầm Cao Tân 6 mang theo radar và thiết bị cảm biến khác, cũng như một số lượng phao âm, thủy lôi và ngư lôi. Không rõ Cao Tân 6 có khả năng mang được tên lửa hành trình chống tàu mặt nước như P-3C hay không?
Phá “thế phong tỏa tàu ngầm” của các nước láng giềng
Hoàn Cầu cho rằng, từ lâu, bên ngoài thường thổi phòng mối đe dọa của tàu ngầm Trung Quốc, nhưng không biết, Trung Quốc mới là nước chịu sự đe dọa của tàu ngầm các nước.
“Hải quân Mỹ đang duy trì nhiều tàu ngầm hạt nhân tấn công mang tên lửa hành trình Tomahawk và tàu ngầm hạt nhân chiến lược mang tên lửa đạn đạo Trident D5, chúng ẩn náu tại khu vực biển gần Trung Quốc, bất kỳ thời điểm nào cũng có thể tiến hành tấn công tên lửa đối với mục tiêu chiến lược trên lãnh thổ Trung Quốc. Mặt khác, Nhật Bản là nước có tàu ngầm phi hạt nhân tiên tiến nhất thế giới, dù chỉ khoảng 20 chiếc nhưng về chất lượng thì vượt xa Trung Quốc, cũng có khả năng phong tỏa tàu của Hải quân Trung Quốc tại chuỗi đảo thứ nhất”, Hoàn Cầu viết.
|
Hoàn Cầu kêu gào Trung Quốc là nước chịu đe dọa tàu ngầm từ các nước khác.
|
Với việc tranh chấp quyền lợi biển giữa Trung Quốc và các nước xung quanh ngày càng tăng, sự phát triển tàu ngầm tại châu Á – Thái Bình Dương cũng cho thấy một xu hướng tăng mạnh, mặc dù là nước lớn hay nước vừa và nhỏ đều coi xây dựng lực lượng tàu ngầm là ưu tiên hàng đầu. “Vì vậy, Hải quân Trung Quốc phải tích cực nghiên cứu máy bay chống ngầm tầm xa để loại bỏ một mức nhất định mối đe dọa tàu ngầm của nước láng giềng đối với Hải quân Trung Quốc”, Hoàn Cầu cho biết.
Đồng thời, sau khi máy bay Cao Tân 6 đưa vào sử dụng, sự cân bằng sức chiến đấu của Hải quân Trung Quốc được cải thiện đáng kể. Một khi, các nước xung quanh Trung Quốc xuất hiện hành động khác thường, máy bay chống ngầm Cao Tân 6 có thể đến khu vực chống ngầm chỉ trong thời gian ngắn, tiến hành trinh sát và chống ngầm hiệu quả nhanh chóng đối với khu vực biển nghi vấn.
Nếu Hải quân Trung Quốc có thể được trang bị 30 máy bay chống ngầm Cao Tân 6, như vậy có thể hoàn toàn ngăn chặn được tàu ngầm của Mỹ và Nhật nhằm vào hoạt động của Trung Quốc trong và ngoài chuỗi đảo thứ nhất, thậm chí có thể đưa hoạt động chống ngầm của Trung Quốc tiến đến khu vực chuỗi đảo thứ 2.