Cầu cơ giới hạng nặng TMM-3M do Liên Xô sản xuất và được trang bị cho Bộ đội
Công binh Việt Nam hiện nay là một loại phương tiện bảo đảm cơ động hiện đại, có nhiều ưu việt và rất phù hợp đặc điểm địa hình, thời tiết, khí hậu nước ta.
Cầu TMM-3M là một trong những loại cầu xung kích, đảm bảo cho Sư đoàn bộ binh cơ động, nhanh chóng vượt qua các chướng ngại vật hẹp (sông, suối, khen cạn…) có chiều rộng tới 40m và ở độ sâu trung gian lớn nhất lên đến 3m. Cầu cho phép các loại xe xích trọng lượng 60 tấn, di chuyển với tốc độ 15 km/giờ và xe bánh lốp có tải trọng lên trục không quá 11 tấn, hành quân với tốc độ từ 20 đến 25 km/giờ, vượt qua êm thuận.
Ngoài ra, trong trường hợp đặc biệt , cầu TMM-3M có thể sử dụng làm bến cập cho các phương tiện như: Xà lan, bè, phà.. và làm đầu cầu cho cầu nổi TPP.
Một bộ cầu TMM-3M gồm 4 xe, trong đó mỗi xe có trọng lượng là 20,4 tấn. Cầu TMM-3M có chiều dài lớn nhất 8,9m, rộng 3,22m và cao 3,55m. Độ dốc dọc cho phép nơi hạ chân trục xe nhỏ hơn 10 độ và độ dốc ngang cho phép là nhỏ hơn 6 độ. Độ dốc dọc cho phép nơi đặt trụ cầu trung gian nhỏ hơn 30 độ và độ dốc ngang nhỏ hơn 20 độ. Chiều rộng vệt cầu đạt 1,5m, khoảng cách giữa 2 vật cầu là 0,8m. Trọng lượng nhịp cầu là 4,4 tấn.
|
Cán bộ, chiến sĩ công binh Lữ đoàn 299 (Quân đoàn 1) bắc cầu TMM-3M, bảo đảm cho các đơn vị vượt sông.
|
Để thực hiện nhiệm vụ vận hành và bắc cầu TMM-3M, mỗi cầu cần 1 lái xe điều khiển và 1 người phục vụ. Một bộ cầu tương ứng là có 4 lái xe và 4 người phục vụ. Thời gian bắc một nhịp cầu (tương đương 1 xe) mất tối đa không quá 11 phút. Nếu bắc 2 nhịp mất khoảng 30 phút, 3 nhịp mất 56 phút và 4 nhịp mất tối đa không quá 72 phút. Tuy nhiên, thời gian dỡ cầu lại dài hơn thời gian bắc cầu. Dỡ một nhịp mất 15 phút, dỡ 2 nhịp mất 40 phút, dỡ 3 nhịp mất 75 phút, dỡ 4 nhịp mất 105 phút. Tuy nhiên, việc triển khai bắc cầu phụ thuộc rất nhiều vào bảo đảm đường cơ động vào ra, độ dốc và tính chất, độ cứng của nền đất ở 2 bên bờ.
Cầu được tích hợp trên xe cơ sở KPA3-255B, động cơ kiểu IAMAZ. 238, 4 kỳ, 12 xi lanh, bố trí hình chữ V, tiêu thụ nhiên liệu diesel và có công suất tới 240 mã lực. Đây là loại xe có tính cơ động cao, vận tốc lớn khi cơ động trên đường nhựa lên tới hơn 70 km/giờ, đường đất từ 35 đến 40 km/giờ, đồng thời có khả năng vượt ngầm (nền cứng) tới 1m.
Cầu được điều khiển nâng, hạ bằng các thiết bị thủy lực và điện từ. Áp suất công tác của hệ thủy lực có thể đạt tới 125 + 5 kg/cm2.
Cầu cơ giới hạng nặng TMM-3M được bộ đội công binh Việt Nam sử dụng rất hiệu quả, nhất là trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và giúp Campuchia giải phóng. Trước khi giải phóng miền Nam (30/4/1975), thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, lực lượng công binh chiến dịch đã sử dụng lượng lớn cầu TMM-3M bảo đảm đường cơ động cho các trung đoàn, sư đoàn hành quân thần tốc từ miền Bắc vào Tây Nguyên, vào miền Đông Nam Bộ.
Bộ đội công binh đã sử dụng cầu TMM-3M giúp các lực lượng của ta cơ động nhanh để tiếp cận địch, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ giải phóng Tây Nguyên, Huế - Đà Nẵng và các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ; bảo đảm cho 5 cánh quân trong chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến vào Sài Gòn, tiêu diệt và bắt sống chính quyền Dương Văn Minh.
Hiện nay, cầu cơ giới hạng nặng TMM-3M được bộ đội công binh Việt Nam thường xuyên niêm, bảo quản, quản lý, khai thác, sử dụng rất hiệu quả. Cầu chỉ được đưa vào khai thác, sử dụng khi có yêu cầu nhiệm vụ khẩn trương, trong điều kiện lực lượng diễn tập thực binh cấp trung, lữ đoàn phối hợp hiệp đồng quân, binh chủng với quy mô lớn.