Cuộc vượt ngục có một không hai
Chúng tôi tìm về căn nhà nhỏ của ông Đặng Văn Tráng (thôn Lệ Sơn Bắc, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng) vào đúng dịp ông cùng các bạn tù yêu nước năm xưa vừa có buổi hội ngộ. Ở cái tuổi thất thập cổ lai hi nhưng nhìn ông vẫn rắn rỏi, quắc thước. Lật giở những tấm ảnh cũ, hồ sơ xưa, người cựu binh già đưa chúng tôi về lại với mảnh đất Quảng Đà binh lửa hơn 40 năm về trước.
|
Người cựu binh Đặng Văn Tráng chuyện trò với PV. |
Sinh ra trên mảnh đất bom đạn, ông Tráng sớm giác ngộ cách mạng. Năm 19 tuổi, ông bắt đầu tham gia cách mạng và gia nhập đội du kích địa phương. Đến năm 21 tuổi, ông Tráng chuyển sang Tiểu đoàn 70 (Tỉnh đội Quảng Nam). Trải qua bao trận chiến sinh tử, sát cánh cùng các đồng chí, đồng đội, bản lĩnh cách mạng của ông ngày một được tôi luyện.
“Đến năm 1968, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân dân ta chuẩn bị cuộc Tổng tiến công nổi dậy Mậu Thân (Tết Mậu Thân 1968). Đơn vị chúng tôi nhận nhiệm vụ đánh Tòa hành chính Quảng Tín (thủ phủ Quảng Nam bấy giờ, nay là TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Trận chiến nổ ra, quân ta anh dũng chiếm được nhiều cơ sở quan trọng của địch. Nhưng, không lâu sau đó, địch được tiếp viện, với hỏa lực mạnh hơn nên đã nhanh chóng giành lại lợi thế. Cùng lúc đó, tôi và nhiều đồng đội rơi vào tay giặc”, người lính già bồi hồi nhớ lại.
Sau nhiều tháng trời đày ải khắp chốn lao tù Quảng Nam – Đà Nẵng, đến cuối năm 1969, ông bị giặc đày ra nhà tù Phú Quốc. Ông kể tiếp: “Hồi đó, ở Phú Quốc đã có hàng nghìn tù binh của ta bị giam cầm. Đó là những chiến sỹ cán bộ cách mạng và dân lành bị bắt lúc giặc càn quét vì nghi là quân cách mạng. Dù là ai, khi đã vào đây đều phải chịu đựng bao cực hình tàn khốc của quân thù”.
Vào tù, với sự gan góc của một người lính đặc công, bản lĩnh thép của ông như tăng lên gấp bội. Trước những đòn roi tra tấn của quân thù, ông vẫn giữ khí tiết người cộng sản. Thậm chí, ông cùng nhiều đồng đội tiếp tục liên lạc với nhau để hoạt động, tìm cách vượt ngục. Theo lời ông, trong tù cũng là một mặt trận chiến đấu. Các chiến sỹ có sự phân công hoạt động, họp bàn đầy đủ, kỷ luật rõ ràng chứ không phải hoạt động tự phát, tự ý bỏ trốn, vượt ngục.
“Điều đó cho thấy sự lãnh đạo tài tình của cách mạng. Những cuộc họp bàn bí mật diễn ra đảm bảo cho cuộc vượt ngục thành công, an toàn. Các nhiệm vụ hoạt động trong tù ngục cũng được anh em chấp hành như khi chiến đấu ngoài chiến trường”, ông nói.
Đào hầm bằng... muỗng
Nhấp chén trà nóng, nét mặt người cựu binh bỗng rạng rỡ hơn khi thuật lại cho chúng tôi nghe về chuỗi ngày ông cùng đồng đội đào hầm vượt ngục. Ông Tráng kể: “Sau khi lên kế hoạch, anh em dùng muỗng sắt đào đất để vượt ngục. Hết ngày này qua tháng khác, mọi người thay phiên nhau đào một chiếc hầm nhỏ, đủ một người chui lọt.
Người này đào, người kia cảnh giới bọn quan cảnh (lính cai ngục – PV). Nếu thấy yên thì tiếp tục đào, thấy động thì phải ngừng ngay. Cứ đào được muỗng đất nào, chúng tôi lại bỏ vào ống quần, tay áo rồi mưu trí đổ xuống cái lỗ thoát nước. Công việc vô cùng gian lao, vất vả, càng đào sâu lại càng mệt, dễ mất phương hướng. Nhưng sau đó, anh em mưu trí dùng cành nối dài để chỉ đường”.
|
Ông Tráng (bên trái ngoài cùng hàng thứ 2) cùng đồng đội thời kỳ (sau khi vượt ngục) chiến đấu ở Nam Bộ (ảnh chụp năm 1973). |
Cứ thế, hầm đào dài gần 70m chạy thẳng ra tường rào. Cứ vài mét, họ lại móc hầm rộng ra một khoảng, đục một lỗ thông hơi. Hơn 3 tháng ròng rã, những chiếc muỗng ngày một cùn đi cũng là lúc hầm ngày một dài hơn. Khi thời cơ chín muồi, anh em trong tù xin chỉ thị Chi bộ Đảng trong khu lao xá rồi chuẩn bị vượt ngục. Chạng vạng tối ngày 15/5/1972, ông Tráng cùng các đồng đội trườn theo đường hầm trốn ra khu nhà giam rồi lăn đến hàng rào tiếp tục bẻ cong dãy kẽm gai dày đặc thoát ra, chia làm hai mũi chạy hai hướng.
Đúng lúc đó, quân cảnh phát hiện, chúng truy lùng ráo riết. Những làn đạn chát chúa nhả ra từ khẩu đại liên hướng về phía các tù nhân bỏ trốn, pháo sáng bắn tung trời. Họ, những người lính quả cảm vẫn chạy dưới làn đạn.
“Một số anh em bị trúng đạn đã anh dũng hy sinh, một số bị bắt lại. Còn lại nhóm chúng tôi có 4 người theo hướng núi (vùng cơ sở cách mạng). Giữa đêm mưa, có người mặc dù rất mệt, bị gai đâm vào chân nhưng vẫn cố gắng chạy hết sức để thoát khỏi sự truy lùng của địch”, ông nhớ lại.
Sáng hôm sau, nhóm của ông Tráng lặn dưới một ao nước sâu, kéo cây bèo che mặt tránh sự truy lùng của quân địch. Đêm đến, họ mới nghĩ cách vượt sông sang bên kia. Con sông bấy giờ được đồn đại là có nhiều cá sấu, buộc lòng anh em tù phải thả khúc gỗ xuống thử trước. Thấy không có động tĩnh gì mới bơi sang, rồi lại hì hục chạy băng rừng trong đêm tối.
“Lúc này, do đói và quá mệt nên 4 anh em quyết định nghỉ chân. Một người sẽ thức canh và dùng cành cây xua muỗi cho 3 người kia ngủ, cứ thay phiên nhau suốt đêm. Những ngày đó, trời mưa tầm tã chúng tôi ăn đủ thứ trên đường chạy từ cây tàu bay, dâu rừng. Cực khổ nhưng cứ như chim sổ lồng về với cách mạng nên ai cũng quyết tâm”, ông Tráng nói.
Sang đến ngày thứ năm, nhóm vượt ngục đã gặp được bộ đội huyện Phú Quốc cũng đang trên đường đi đón số anh em vượt ngục sau khi nghe tin báo từ cơ sở. Được quần chúng nhân dân đùm bọc, san sẻ cơm áo, sau đó, họ được phân công đảm nhiệm công tác tại các địa bàn Nam Bộ. Riêng ông Tráng về Trung đội Pháo binh Phú Quốc trực tiếp chiến đấu.
Đến cuối năm 1972, ông Tráng nhận nhiệm vụ mới là hỗ trợ phong trào đấu tranh trong nhà tù Phú Quốc và bắt liên lạc đón bạn tù vượt ngục. Ông được chuyển sang đơn vị T66, rồi Tỉnh đội Cần Thơ cho đến ngày giải phóng.
Sau ngày đất nước thống nhất, do yêu cầu công việc, nhiệm vụ của cấp trên giao chưa hoàn thành nên ông chưa thể rời đơn vị về nhà sau giải phóng. Ở mảnh đất Đà Nẵng xa xôi, cha mẹ già của ông đếm từng ngày, từng giờ mòn mỏi ngóng tin con trai.
“Tôi nhớ nhà nôn nao da diết. Nhưng vì công việc, tôi chưa thể về. Hơn nữa điều kiện đất nước ta lúc đó còn khó khăn, thư từ nhiều khi bị thất lạc. Mãi cuối năm 1975, tôi mới biên được lá thư đầu tiên về nhà báo tin cho ba má mình còn sống. Ông bà vui mừng lắm, nuôi một con heo đợi ngày tôi về. Thế mà đến năm 1976 tôi mới được về quê. Bữa đó cả gia đình mừng tủi bên nhau”, ông nhớ lại, đôi mắt ngấn nước mắt.
Người cựu binh loại ưu
Trao đổi với PV, ông Lý Văn Công, Phó Chủ tịch hội Tù yêu nước TP.Đà Nẵng cho biết: “Ông Đặng Văn Tráng là hội viên trong hội. Ông rất tích cực tham gia các phong trào từ những ngày đầu thành lập hội. Là một trong những hội viên loại ưu, hiện tại, ông Tráng vẫn nhiệt tình tham gia nhiều công tác địa phương. Câu chuyện đời, chuyện lính của ông Tráng như là bài học truyền lửa cách mạng, lòng yêu nước cho các thế hệ sau này”.