Không quân Australia “sợ” tiêm kích Su-27/30

Google News

(Kiến Thức) - Australia cảm thấy bị đe dọa khi Trung Quốc và nhiều nước Đông Nam Á khác sở hữu tiêm kích Su-27/30 hiện đại.

Trước đây, khoảng cách và sự thiếu hụt chiến đấu cơ tiến tiến ở không quân các nước châu Á – Thái Bình Dương đã tạo ra một “vùng đệm an toàn” cho Australia. Nhưng ngày nay mọi việc đã thay đổi, Trung Quốc và một số nước đang sở hữu tiêm kích đa năng tối tân Sukhoi Su-27/30 do Nga chế tạo.

Các phi công Australia, người thường tự coi mình là “kẻ hơn cơ” với tiêm kích đa năng F/A-18 Hornet hay cường kích F-111 Aardvark. Nhưng nay họ phải đối mặt với những chiếc Su-27/30 có sức mạnh tương đương, thậm chí là nhỉnh hơn.

“Việc các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia… mua tiêm kích Su-27SK/Su-30MK đã khiến những chiếc F/A-18A/B/F của Australia trở nên lỗi thời”, trang tin Aus Airpower nhận định.
Australia từng tự hào là "kẻ hơn cơ" với tiêm kích F/A-18A/B/F.


Theo các chuyên gia Australia, Su-27/30 có khả năng cơ động cực kỳ linh hoạt và tầm hoạt động lớn 3.000km. Điều đó đem lại cho Su-27/30 những ưu thế vượt trội trong các cuộc không chiến.  Việc chiến đấu với Su-27/30 là một trong những việc nguy hiểm nhất của các phi công.

Ngoài ra, Su-27/30 hoàn toàn có thể tăng phạm vi hoạt động bằng cách sử dụng các máy bay tiếp dầu trên không.

Tiêm kích Su-27/30 thiết kế tới 12 giá treo mang vũ khí, nhiều hơn tất cả các loại chiến đấu cơ hiện nay. Điều này giúp những chiếc Su-27/30 có thể đem theo cả một “kho” tên lửa và bom thong minh.

Người Nga đã thiết kế hàng loạt tên lửa không đối không và không đối đất cũng như tên lửa chống tàu. Trong số đó, có những loại mà phía NATO vẫn chưa có vũ khí nào tương xứng. Điều này đặt 94 chiếc F/A-18A/B/F của Không quân Australia vào thế nguy hiểm nếu phải đối đầu với phi đội Su-27/30.

Người Australia cũng rất lo lắng tới sự an toàn của các giếng dầu và các cơ sở công nghiệp ở bờ biển phía Đông nước này.
Sự xuất hiện của tiêm kích đa năng Su-27/30 ở Trung Quốc và các nước Đông Nam Á làm Australia cảm thấy bị đe dọa.


Tạp chí Defence Today viết: “Chỉ cần một tên lửa chống tàu siêu âm Raduga 3M-82/Kh-41 Sunburn, 3M-55/Kh-61 Yankhont hoặc Novator 3M-54E1 Alfa phóng từ Su-30 cũng có thể làm tê liệt những cơ sở sản xuất. Những tên lửa này được thiết kế để tiêu diệt hoàn toàn tàu chiến cỡ nhỏ chỉ bằng một phát bắn, hoặc gây hư hại nặng tàu lớn. Nếu nói về lịch sử tai nạn của ngành dầu mỏ ở các kho sản xuất dầu, một quả tên lửa có thể tạo ra một đám cháy không kiểm soát được”.

Cũng theo các chuyên gia quốc phòng Australia, Su-27/30 cũng tạo nên những mối đe dọa đối với tàu sân bay của Mỹ - đồng minh nước này.

Trong quá khứ, tàu sân bay thường được bảo vệ bằng nhiều tàu hộ tống, máy bay cảnh báo sớm và những máy bay chiến đấu của chính nó. Tuy nhiên hiện nay điều này đã thay đổi.

Bất cứ tàu sân bay nào vào gần bờ biển Trung Quốc sẽ nằm trong tầm ngắm của Su-30. Chúng có thể phóng tên lửa chống tàu cực mạnh ở khoảng cách an toàn, ngoài tầm hỏa lực phòng không chiến hạm Mỹ.

“Những kẻ tấn công sau đó bay trở về căn cứ và theo dõi qua CNN đánh giá thiệt hại”, Tạp chí Defence Today châm biếm.Về cơ bản, những chiếc Sukhoi Su-27/30 đã chấm dứt thời kỳ ngoại giao pháo hạm của Mỹ.

Không những “yếu thế” về trang bị, Australia đang mất dần ưu thế kỹ năng bay. Lực lượng không quân của Australia không lớn nhưng vẫn tự coi mình là được huấn luyện tốt. Phi công Australia thường đặt mình ở “chiếu trên” do được đào tạo theo tiêu chuẩn của phương Tây.

Tuy nhiên, trong thời kỳ hiện đại, kỹ năng của phi công cũng có thể được nhập khẩu. Malaysia đang “theo học” Ấn Độ - một trong những nước có đội ngũ phi công xuất sắc nhất thế giới. Tất nhiên, phi công Trung Quốc và Indonesia cũng có thể tìm những thầy dạy cho mình.

TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Nguyễn Hoàng

Bình luận(0)