Tiêm kích Su-30 của Trung Quốc có gì đặc biệt?

Google News

(Kiến Thức) - Dù không là “con cưng” của không quân Trung Quốc nhưng Su-30MKK vẫn là “át chủ bài” của nước này với hệ thống điện tử hoàn hảo, sức tấn công mạnh mẽ.

Giữa những năm 1990, Trung Quốc đã ký thỏa thuận đầu tiên với Nga mua tiêm kích Su-30MKK. Tổng cộng, Trung Quốc đã mua 76 Su-30MKK trang bị cho lực lượng không quân nước này.

Su-30MKK là biến thể của Su-30MK xuất khẩu cho Trung Quốc (NATO định danh là Flanker G). Chữ MKK là viết tắt của cụm từ Modernizirovannyi Kommercheskiy Kitayski có nghĩa là mẫu  thương mại xuất khẩu cho Trung Quốc.

Theo đánh giá của giới phân tích quốc tế, Su-30MKK cho phép quân đội của Trung Quốc có một loại máy bay cùng đẳng cấp với hầu hết máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4.
Tiêm kích Su-30MKK của Không quân Trung Quốc.

Thiết kế

Về hình dáng bên ngoài, Su-30MKK không có nhiều khác biệt so với Su-30 của Không quân Nga, là mẫu máy bay tiêm kích 2 chỗ ngồi. Phi công phía trước điều khiển bay và phi công phía sau kiểm soát radar và hệ thống vũ khí.

Su-30MKK chia sẻ khoảng 85% cấu trúc phần cứng tương tự như Su-35 nhưng có nhiều sự khác biệt về phần mềm.
 
Su-30MKK sử dụng nhiều vật liệu composite hơn để giảm trọng lượng. Không gian bên trong máy bay được mở rộng hơn để tăng sức chứa nhiên liệu.

Vật liệu hợp kim nhôm cũng được sử dụng nhiều hơn trên Su-30MKK. Trọng lượng cất cánh tối đa tăng lên 38 tấn, bánh đáp phía trước dùng bánh đôi đường kính 620mm x 180mm để đáp ứng vấn đề tăng trọng lượng. Vấn đề hạn chế về giới hạn lực G (khả năng chịu đựng gia tốc trọng trường ) của Su-30MK được giải quyết hoàn toàn trên MKK.

Hệ thống điện tử yêu cầu riêng của TQ


Su-30MKK là một mẫu máy bay tiêm kích đánh chặn hạng nặng hiện đại, được xem là đối thủ đáng gờm, thậm chí vượt trội so với tiêm kích F-15 của Không quân Mỹ. Su-30MKK được trang bị hệ thống điện tử hàng không hiện đại thiết kế riêng theo yêu cầu của Trung Quốc.

Su-30MKK là biến thể đầu tiên của gia đình Flanker được trang bị hệ thống quản lý thông tin C3-TKS-2, hệ thống này có khả năng kiểm soát và chỉ huy đồng thời lên đến 15 máy bay tạo nên một mạng lưới liên lạc giữa các máy bay. Với hệ thống này, Su-30MKK có khả năng hoạt động như một máy bay kiểm soát và chỉ huy trên không AWACS mini.
Su-30MKK được trang bị hệ thống điện tử theo yêu cầu riêng của Trung Quốc.

Theo thông tin từ Nga, Su-30MKK được trang bị hệ thống chiến tranh điện tử hiện đại nhất của Nga hiện nay. Hệ thống này có phạm vi hoạt động lên đến 200km được sử dụng để dẫn đường cho tên lửa chống radar Kh-31P.

Buồng lái được trang bị 2 màn hình LCD đa chức năng hiển thị các thông số về  máy bay và mục tiêu. Màn hình hiển thị HUD phía trước mặt phi công. Hệ thống hiển thị trên mũ phi công HMS Sura-K tiên tiến.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã sao chép loại mũ bay phi công này thành một loại khác được quảng cáo là tiên tiến hơn của Nga. Tính năng của loại mũ bay này vẫn chưa được công bố.

Về hệ thống radar điều khiển, 20 chiếc Su-30MKK đầu tiên được trang bị radar điều khiển hỏa lực N001VEP có phạm vi tìm kiếm mục tiêu đường không khoảng 100km. Bộ vi xử lý radar theo dõi được 10 mục tiêu, tấn công 4 mục tiêu trên không hoặc 2 mục tiêu mặt đất cùng lúc.

Một số máy bay còn được trang bị radar Zhuk-MS có phạm vi tìm kiếm mục tiêu tăng lên 150km, chủng loại vũ khí điều khiển được đa dạng hơn. Zhuk-MS vẫn giữ số lượng mục tiêu tấn công cùng lúc tương tự như radar N001VEP nhưng số lượng mục tiêu có thể theo dõi tăng gấp đôi lên đến 20 mục tiêu.
Ảnh bên trái là buồng lái phi công ngồi trước (điều khiển máy bay) và ảnh phải là buồng phi công ngồi sau (vận hành hệ thống radar, vũ khí).

Ngoài ra, Su-30MKK còn được trang bị hệ thống phụ trợ SUV-VEP để điều khiển tên lửa không đối không. Hệ thống  này có khả năng điều khiển 6 tên lửa đối không. Hệ thống phụ trợ SUV-P sử dụng để điều khiển tên lửa không đối đất.

Bên cạnh đó, Su-30MKK còn được trang bị hệ thống tìm kiếm và chỉ thị mục tiêu hồng ngoại OLS-30 với phạm vi tìm kiếm bằng hồng ngoại đạt 25-30km, phạm vi tìm kiếm bằng laser đạt 10km. Cuối cùng là hệ thống dẫn hướng quán tính PNS-10 có khả năng sử dụng tín hiệu cả GPS và GLONASS.

Hệ thống liên lạc vô tuyến VHF/UHF trên Su-30MKK có phạm vi hoạt động vượt quá 400km, mã hóa HF có phạm vi hoạt động tới 1500km.

Su-30MKK được trang bị 2 động cơ phản lực AL-31F cung cấp lực đẩy 123kN/chiếc có đốt lần 2. Hệ thống động cơ này cung cấp tốc độ tối đa gấp 2 lần vận tốc âm thanh (2.100km/h), tầm bay đạt 3.000km, trần bay 17,3km, vận tốc lên cao 305m/s.

Vũ khí tấn công mạnh mẽ

Về hệ thống điện tử, Su-30MKK có thể có sự khác biệt so với các mẫu Su-30MK khác mà Nga xuất khẩu cho nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, nhìn chung về hệ thống vũ khí mang trên máy bay không có sự khác biệt lớn.

Su-30MKK thiết kế với một khẩu pháo 1 nòng cỡ 30mm GSh-301 trong thân với 150 viên đạn dùng cho không chiến tầm cực gần. Trên thân và cánh bố trí 12 giá treo mang tổng cộng 8 tấn vũ khí, chủ yếu dùng cho nhiệm vụ tấn công mục tiêu trên không và mặt đất.

Trong nhiệm vụ không đối không, Su-30MKK mang được 6 tên lửa không đối không tầm trung dẫn đường bằng radar chủ động R-77 (tầm bắn 40-80km) và 4 tên lửa đối không tầm ngắn dẫn đường hồng ngoại R-73E (tầm bắn 20km).
Tên lửa không đối đất Kh-29T treo trên cánh Su-30MKK.

Đối với nhiệm vụ tấn công mặt đất, Su-30MKK mang được tên lửa không đối đất lắp đầu tự dẫn quang – truyền hình Kh-29T (tầm bắn 10km), Kh-59ME (tầm bắn 114km) và bom có điều khiển KAB-500/1500Kr, bom thông thường, rocket.

Để thực hiện vai trò chế áp hệ thống phòng không đối phương, máy bay mang được 2 tên lửa chống radar Kh-31P (tầm bắn 110km), 2 tên lửa không đối đất Kh-29T và 4 tên lửa không đối không R-73E.

Tốc độ cao, phạm vi hoạt động rộng, tải trọng vũ khí lớn, Su-30MKK nói riêng và gia đình Su-30 nói chung là một đối thủ đáng gờm cho bất kỳ loại tiêm kích nào.

Mặc dù Trung Quốc đã ngưng mua Su-30MKK của Nga và đang sao chép thành J-16 nhưng đây vẫn là loại tiêm kích chủ chốt  của không quân nước này. Các chuyên gia quân sự thế giới đánh giá rất cao loại tiêm kích đánh chặn hạng nặng này.

J-10 là một ẩn số, J-11B/BS còn khó kiểm chứng hơn... khiến năng lực tác chiến đối không của Trung Quốc dựa vào phi đội Su-30MKK này. Đặc biệt, số lượng tiêm kích này được bố trí hoạt động gần khu vực Hoàng Hải, được xem là đối thủ đáng gờm của các tiêm kích F-15J của Không quân Nhật Bản.

ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN:
Phan Nguyễn

Bình luận(0)