Trong số khoảng 20 cựu chiến binh (CCB) từng là chiến sĩ Điện Biên năm xưa còn sinh sống tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa), có ông Nguyễn Thanh Mai, giờ đã bước sang tuổi 81 nhưng còn rất khỏe, là Trưởng ban liên lạc truyền thống Điện Biên Phủ - thành phố Nha Trang suốt 10 năm qua. Tại nhà riêng của ông ở số 47B đường Nguyễn Thiện Thuật, ông vui vẻ chia sẻ: “Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ là lòng mình lại khó tả đến khác thường”.
|
Ông Nguyễn Thanh Mai (thứ 2, từ trái sang) cùng đồng đội từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại nhà riêng ở TP Nha Trang.
|
Ông kể: “Là người con quê hương Nam Định, tôi vào thiếu sinh quân Tết năm 1951, sau này biên chế vào đơn vị D.536 đóng quân tại huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Năm 1953, chúng tôi nhận lệnh hành quân lên Tây Bắc. Là Khẩu đội trưởng đơn vị súng phòng không 12,7mm, có nhiệm vụ bắn máy bay bổ nhào tầm thấp. Vậy mà dọc đường hành quân máy bay giặc Pháp bay ngay trên đầu lại chưa được phép bắn hạ. Đã vậy, nó còn thả nhiều truyền đơn ca ngợi sức mạnh quân sự của nước Pháp và dụ ta đầu hàng. Dĩ nhiên sẽ không lay chuyển ý chí rất sắt đá của ta lúc bấy giờ. Khi hành quân, súng được tháo dời ra và anh em trong khẩu đội thay nhau mang vác. Đi bộ hàng tháng trời mới đến được đèo Pha Đin (Tuần Giáo, nay thuộc tỉnh Điện Biên) và được lệnh đóng quân tại đây”.
Theo sự phân công, trận địa phòng không của các ông gồm 3 khẩu đội, chọn và chiếm lĩnh độ cao thuận lợi để bắn máy bay quân Pháp nhằm bảo vệ tuyến đường đèo cho dân công ta tải đạn, lương thực, chủ yếu bằng xe đạp thồ lên Điện Biên.
“Thời đó, những máy bay địch vè vè bay qua lại trên đầu thường có 2 loại, anh em cứ gọi vui loại máy bay đầu dài là “cổ ngỗng”, còn loại máy bay ngắn đầu là “cổ rụt”. Cái cảm giác sung sướng nhất của lần đầu tiên đồng loạt khạc đạn hạ được máy bay địch, nhìn nó bốc cháy dù không rõ khẩu đội nào bắn trúng, nhưng tất cả đều reo vui”, ông bồi hồi nhớ lại thời khắc hào hùng.
|
Trận địa súng máy 12,7mm tại Điện Biên Phủ năm xưa.
|
“Chiến công là thế, nhưng có lần trận địa bị trúng bom, cướp đi sinh mạng 7 đồng đội. Anh em trong khẩu đội lặng lẽ thay nhau vác từng đồng đội xuống chân đèo và phải đi gần 20 km nữa mới có nơi đàng hoàng để chôn cất anh em”, ông ngậm ngùi nói.
Ông kể tiếp, khi Chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức mở màn, Tiểu cao pháo của chúng tôi thuộc Sư đoàn 316 do đồng chí Chu Huy Mân làm Chính ủy và Sư trưởng là Lê Quảng Ba chỉ huy hành quân chốt giữ đồi E phía đông cứ điểm Điện Biên Phủ. Tại đây nhìn rất rõ đồi A1, ở đó ta và địch giành giật từng tấc đất rất cam go.
Sau 56 ngày đêm toàn Chiến dịch, ta đã đập tan cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 quân gồm 21 tiểu đoàn, trong đó có 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội không quân, 1 đại đội vận tải cơ giới. Đây được xem là lực lượng cơ động tinh nhuệ nhất của Pháp, là tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ và được ví như “ một pháo đài không thể công phá”, là nơi thu hút để tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta và là quyết chiến điểm của Kế hoạch Nava.
“Thật tự hào về quân đội ta với vũ khí thô sơ, nhưng nhờ có sự lãnh đạo tài tình của Bác Hồ và người anh cả, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cùng với tinh thần “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, ai cũng đồng lòng góp một phần nhỏ bé cùng quân và dân ta lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp. Tôi vinh dự được chứng kiến thời khắc lịch sử giải phóng Điện Biên, niềm vui như vỡ òa trong từng con tim, chúng tôi ôm chặt nhau mà khóc vì sung sướng”, ông xúc động nhớ lại thời khắc lịch sử như vừa mới diễn ra.
|
Tập thể cựu chiến binh Điện Biên Phủ tại Nha Trang.
|
Khoảng 10 ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ, đơn vị ông được lệnh hành quân về lại đồng bằng, rồi lại lên Lạng Sơn. Tại đây, các ông “ngỡ ngàng” tiếp nhận loại pháo “khủng” - 88mm (*) do Liên Xô chi viện, ngày ấy gọi là Đại cao pháo. Sau giải phóng thủ đô Hà Nội, đơn vị kéo pháo ra canh trời, bảo về nhà máy tơ Hải Phòng. Đồng thời, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch “tiễn” quân Pháp cuối cùng dời đất cảng của ta.
Từng được quân đội gửi sang Liên Xô và Trung Quốc học tập 7 năm về thiên văn, hàng hải…trở về nước năm 1964, CCB Nguyễn Thanh Mai được cấp trên phân công đi nhiều nơi, trong đó có cả chiến trường Vĩnh Linh khói lửa. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông về làm giảng viên của Học viện hải quân và nghỉ hưu năm 1985.
Trong căn nhà cấp 4 bình dị, ông rất tự hào về 4 người con đều tốt nghiệp đại học và có công việc ổn định. Bên ông, còn có người vợ hiền từng là chiến sĩ đặc công Bình Định năm xưa…Lật từng trang ảnh chân dung của khoảng 20 CCB từng một thời chiến đấu nơi miền “Hoa ban đỏ”.
|
Vợ chồng cựu chiến binh Nguyễn Thanh Mai.
|
Dù đã 60 năm trôi qua, nay họ thật hạnh phúc vì còn sum họp bên nhau giữa thành phố biển. Trong số các CCB đang sinh sống ở Nha Trang người ít tuổi nhất cũng đã 80. Vì thế những người CCB Điện Biên Phủ luôn tự hào về một thời “máu trộn bùn non”, dù người còn, hay người đã ra đi, nhưng vẫn còn đó vẹn nguyên phẩm chất truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, thời của những người góp phần làm nên “một thiên sử vàng…” của dân tộc.
* Đây là kiểu pháo Flak 88 của Đức được Hồng quân Liên Xô thu giữ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 và viện trợ lại cho quân đội ta thời kỳ những năm 1950. Ngoài pháo 88mm, ta còn nhận được một số loại pháo khác cũng do Đức chế tạo.