Trong chiến tranh hiện đại, vấn đề cơ động lực lượng cùng vũ khí trang bị kĩ thuật ngày càng trở nên quan trọng, trở thành yếu tố sống còn quyết định hiệu quả chiến đấu. Nhằm đáp ứng yêu cầu huấn luyện, chiến đấu của Quân đội Việt Nam, trước hết là pháo binh trong điều kiện mới, Xí nghiệp liên hợp Z751 đã triển khai đề tài nghiên cứu tính toán thiết kế chế tạo thử nghiệm pháo tự hành 105mm. Đây là sản phẩm kết hợp giữa pháo 105mm do Mỹ sản xuất với xe cơ giới của Liên Xô chế tạo.
|
Dàn pháo tự hành 105mm do Z751 chế tạo. Ảnh: kênh Quốc phòng Việt Nam |
Kết hợp Xô – Mỹ
Tổ hợp pháo tự hành 105mm do nhà máy Z751 thiết kế, chế tạo sử dụng khung gầm cơ sở xe tải việt dã ba cầu chủ động Ural-375D do Liên Xô sản xuất. Đây là một trong những dòng xe vận tải quân sự chiếm số lượng lớn trong quân đội ta hiện nay. Việc lựa chọn xe Ural-375mm để tích hợp pháo 105mm xuất phát từ sự phù hợp cơ bản về yêu cầu tính năng của chúng.
Xe Ural-375D được nhà máy Ural Automotive (Liên Xô) sản xuất năm 1961 thay thế cho mẫu Zil-157 đang phục vụ rộng rãi trong hồng quân khi đó. Xe có trọng tải 4,5 tấn, kéo tối đa khoảng 12 tấn, sử dụng động cơ xăng công suất 180 mã lực, tốc độ tối đa 76km/h, có ưu thế gầm xe cao ural có thể di chuyển qua các địa hình phức tạp, đặc biệt là địa hình đồi núi.
|
Xe vận tải ba cầu Ural-375D. Ảnh: kênh Quốc phòng Việt Nam |
Ở Việt Nam, dòng xe Ural-375D đã trải qua quá trình nâng cấp hiện đại hóa động cơ. Với việc thay động cơ xăng tốn nhiên liệu bằng động cơ diesel giúp giảm lượng tiêu thụ từ 30-40%. Sàn xe rộng có thể bố trí được toàn bộ các trang bị và nhân lực của một khẩu đội pháo.
Còn pháo 105mm trong quân đội ta là loại pháo mặt đất kiểu M101 do Mỹ chế tạo. Quân đội ta nhận được một số lượng nhỏ loại pháo này từ Liên Xô trong kháng chiến chống Pháp và thu giữ số lượng lớn hơn nữa sau 1975. Đây là một trong những hỏa lực pháo binh chủ lực của quân đội ta hiện nay.
Lựu pháo M101 105mm dùng nòng pháo cỡ 105mm bắn đạn cỡ 105x372R, tầm bắn tối đa hơn 11km, sơ tốc đầu đạn 472m/s. Nó thường sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu công sự, chế áp hỏa lực pháo binh nhờ tầm bắn xa, độ chính xác cùng khả năng sát thương cao.
|
Lựu pháo M101 105mm. Ảnh: kênh Quốc phòng Việt Nam. |
Tuy nhiên, pháo 105mm là kiểu pháo xe kéo (không thể tự di chuyển), do đó tính năng kĩ chiến thuật, hiệu suất chiến đấu chưa cao. Ví dụ như tính cơ động, dễ bị phá hủy nếu bị địch phản pháo do không rút chạy kịp sau khi bắn. Việc tích hợp pháo lên xe tải được xem là phương án tối ưu để triệt tiêu tất cả hạn chế kể trên.
“Số lượng Ural-375D và pháo 105mm trong quân đội ta rất lớn, phù hợp với việc lựa chọn. Cơ sở thứ 2 để chúng tôi kết hợp thực hiện đề tài, quan trọng là tính năng kĩ chiến thuật của xe pháo có thể tích hợp. Khối lượng pháo 105mm khi đưa lên xe, xe hoàn toàn có thể chở và chịu được lực của phát bắn”, Thiếu tá Nguyễn Đức Nhất – Giám đốc xí nghiệp Vũ khí, Xí nghiệp liên hợp Z751, Tổng cục kĩ thuật trả lời phỏng vấn kênh Quốc phòng Việt Nam (QPVN).
Quá trình thiết kế pháo tự hành 105mm
Xí nghiệp Liên hợp Z751 (Tổng cục Kĩ thuật) là đơn vị chính thực hiện việc phát triển tổ hợp pháo tự hành 105mm. Về cơ bản, quá trình thiết kế vẫn giữ nguyên các tính năng kĩ chiến thuật của pháo nguyên thủy, chỉ phần hai bánh xe và càng pháo được tháo bỏ.
Còn về xe Ural-375D, phần thùng xe được dỡ và thay thế bằng sàn công tác chịu lực làm mặt bằng đặt pháo. Tuy nhiên để đảm bảo xe có thể chịu tải khối lượng của pháo cũng như lực phát bắn trong quá trình tác chiến, một hệ thống chân trống thủy lực được sử dụng để thay thế các kết cấu cơ khí truyền thống. Hệ thống này nhằm làm giảm thời gian thao tác và giảm bớt sức lao động.
Tất nhiên, việc tích hợp chân trống thủy lực cũng đòi hỏi việc tính toán chi tiết. “Pháo 105mm khi bắn, lực sinh ra sẽ tác động lên càng pháo, hai bánh xe. Còn khi đặt trên Ural-375D, lực phát bắn tạo ra sẽ tác động lên hai chân chống thủy lực và bốn bánh xe phía sau. Phân bố lực phát bắn qua hai chân trống thủy lực là cải tiến đáng kể so với pháo nguyên thủy”, Thiếu tá Nguyễn Đức Nhất cho biết thêm.
|
Pháo tự hành 105mm tăng đáng kể tính sống sót trên chiến trường, trong khi khả năng hạ mục tiêu giữ nguyên như pháo kéo. Ảnh: kênh Quốc phòng Việt Nam. |
Việc xử lý tốt hệ thống chịu lực trên pháo tự hành 105mm bằng những phương án tối ưu đảm bảo độ dao động nhỏ trong quá trình bắn, ổn định cao, sai lệch sau mỗi phát bắn giảm đáng kể so với pháo nguyên thủy. Hiệu quả này được chứng minh qua các chương trình thử nghiệm vừa qua.
Về cơ bản, so với pháo kéo, pháo được tích hợp lên xe Ural-375D có nhiều ưu điểm vượt trội. “Các kết cấu của pháo sẽ giữ được bền hơn so với pháo nguyên thủy, số lượng pháo thủ theo khẩu đội pháo giảm (từ 7 giảm xuống 5), lượng đạn mang theo xe lớn hơn so với pháo kéo 105mm”, Thiếu tá Nhất nói.
Ngoài ra, do tính năng của tổ hợp pháo 105mm tích hợp lên xe Ural-375D không thay đổi so với pháo 105mm đặt dưới mặt đất nên việc tiếp cận, tổ chức huấn luyện cho chiến sĩ vận hành thuận tiện, không mất thời gian. Nhờ đó, bộ đội dễ dàng làm chủ tính năng kĩ chiến thuật của tổ hợp pháo cải tiến, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong quá trình huấn luyện.
“Bài toán đặt ra đối với ban chủ nhiệm đề tài là rút ngắn thời gian triển khai chiếm lĩnh trận địa. Bình thường với một khẩu pháo nguyên thủy khi triển khai sẽ có rất nhiều nội dung phải chuẩn bị. Còn khi đặt lên xe cơ giới, tổ hợp pháo sau khi bắn xong cơ động được ngay, giảm thời gian chiếm lĩnh trận địa – thu hồi pháo, tăng tính sống sót trang bị, phù hợp với yêu cầu chiến tranh hiện đại”, Thiếu tá Nhất nói.
Có thể nói, việc tích hợp thành công pháo 105mm lên xe Ural đã tạo ra một tổ hợp pháo tự hành 105mm hoàn chỉnh với ưu điểm vượt trội về mặt tác chiến so với pháo 105mm xe kéo. Thành công của đề tài này chính là tiền đề mở rộng nghiên cứu lắp đặt trang thiết bị kĩ thuật khác lên xe cơ giới, từng bước thiết kế chế tạo các tổ hợp phòng không cơ động hoàn chỉnh, để nâng cao sức mạnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.