Chuyện chưa biết về 3 phi công lái chiếc Mi-171 01

Google News

Đại tá Hoàng Lại Long - phi công lái chính chiếc Mi-171 số hiệu 01 từng cầm lái trực thăng tấn công Mi-24 dội bão lửa lên đầu quân Khmer Đỏ ở Campuchia.

Chúng tôi dễ dàng nhận thấy sự mất mát, đau thương đang hằn sâu trên khuôn mặt của mỗi cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 916, bởi mới hôm qua họ vẫn quây quần cùng nhau để rồi hôm nay phải xa nhau mãi mãi. Trong bếp ăn của phi công từ nay bớt đi 3 khẩu phần, 3 chiếc bát, 3 đôi đũa; sẽ không còn bóng dáng các anh trong những giờ huấn luyện, hoạt động thể thao...
Những người đồng đội nhắc đến các anh trong niềm cảm phục vô bờ, những con người luôn tận tụy hết mình trong công việc, những phi công giàu kinh nghiệm, luôn thương yêu đồng chí, đồng đội. Sự hy sinh của các anh thật anh dũng và quả cảm!
Di ảnh các đồng chí Hoàng Lại Long, Lê Thanh Việt và Nguyễn Văn Thanh. 
Cố gạt những giọt nước mắt đang lăn dài trên má, đại tá Đàm Văn Toản, Chính ủy trung đoàn nghẹn ngào chia sẻ: “Đến tận bây giờ chúng tôi vẫn chưa thể tin nổi là các anh ấy đã hy sinh, đây quả là một sự mất mát vô cùng to lớn”.
Đại tá Hoàng Lại Long, phi công lái chính trên chiếc máy bay xấu số hôm đó sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, có ông nội là liệt sĩ trong kháng chiến chống Pháp. Từ tháng 12/1978 đến tháng 4/1979, anh là chiến sĩ trinh sát đặc công trực tiếp tham gia chiến đấu tại biên giới phía Bắc, sau đó anh được cử đi học tại trường dự khóa bay từ tháng 4/1979 đến 10/1980; tháng 11/1980 anh thi đỗ vào Trường Sĩ quan không quân; tháng 6/1984 anh ra trường về công tác tại Trung đoàn 916.
Hơn 30 năm làm việc tại đây, anh từng trải qua các cương vị từ lái phụ năm 1984, lái chính năm 1994, Biên đội trưởng, Phó phi đội trưởng, Phi đội trưởng, Chủ nhiệm bay, Phó tham mưu trưởng trung đoàn. Ở cương vị nào anh cũng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Anh từng là phi công lái chính Mi 24 khi tham gia phục vụ chiến đấu tại chiến trường Campuchia từ tháng 4 đến tháng 5/1988; năm 1993 anh được phong phi công cấp 3, năm 1999 phi công cấp 2 và giáo viên huấn luyện bay; năm 2001 phi công cấp 1. Với kinh nghiệm và bản lĩnh của mình, đại tá Long đã thực hiện thành công rất nhiều nhiệm vụ quan trọng như tham gia bay cứu hộ, cứu nạn tại miền Trung; bay dập lửa và phòng chống cháy rừng, bay diễn tập...
Gần đây nhất là chỉ huy bay khắc phục sự cố sập cầu treo ở huyện Tam Đường (Lai Châu). Hơn 30 năm trong nghề, anh đã bay trên rất nhiều loại máy bay trực thăng Mi-8, 24, 17, 171, 172 với số giờ bay tích lũy hơn 1.617 giờ, từ năm 1999 đến nay anh trực tiếp huấn luyện, đào tạo cho gần 100 học viên bay trực thăng của đơn vị và nước bạn Campuchia.
Thượng tá Nghiêm Quang Khải, Phó trung đoàn trưởng, người đã cùng học tập, công tác với đại tá Long hơn 30 năm qua cho biết: “Điều tôi khâm phục nhất là ý chí và nghị lực của anh. Trong sinh hoạt anh ấy hiền hòa là vậy nhưng khi thực hiện nhiệm vụ anh luôn cương trực và quyết đoán”.
Với thiếu tá Lê Thanh Việt - dẫn đường kiêm phi công, sinh năm 1978 trong một gia đình công chức ở Trực Ninh - Nam Định, mặc dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng bằng sự nỗ lực, anh được phong cấp phi công cấp 3 khi mới 32 tuổi với số giờ bay tích lũy là 665 giờ 54 phút.
Mi 171-SAR 01 diễn tập đưa phân đội đặc nhiệm cứu nạn trên biển. 
Đồng đội không thể nào quên cơ giới trên không Nguyễn Văn Thanh, SN 1976 tại Phúc Thọ - Hà Nội. Trong mắt mọi người, anh là một người thông minh hoạt bát. Học xong Cao đẳng Kỹ thuật không quân năm 2000, anh trở về công tác tại trung đoàn từ một người làm chuyên môn kỹ thuật mặt đất. Nhưng bằng sự tìm tòi sáng tạo cũng như năng khiếu bay, anh được tổ chức điều động lên thực hiện nhiệm vụ cơ giới trên không. Trên cương vị mới, anh luôn phát huy tố chất và năng lực của bản thân với số giờ bay tích lũy là 540 giờ 48 phút.
Trở về từ hiện trường vụ tai nạn máy bay, thượng tá Nguyễn Văn Kim, Chủ nhiệm bay của trung đoàn - người có hơn 30 năm kinh nghiệm huấn luyện, thực hiện các nhiệm vụ phức tạp và đã từng xử lý các tình huống phức tạp cho biết: “Căn cứ vào sơ đồ đường bay và chứng kiến hiện trường vụ tai nạn, tôi càng cảm phục sự hy sinh quả cảm của tổ bay. Mặc dù biết máy bay đang gặp sự cố và đứng trước giây phút sinh tử mà các anh vẫn bình tĩnh xử lý tình huống, cố gắng đưa máy bay ra khỏi khu vực đông dân cư, thà hy sinh bản thân chứ quyết không để ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của nhân dân”.
Cũng đồng tình với quan điểm đó, thượng tá Lương Văn Lâm, Phó trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng trung đoàn cho rằng, để xử lý được tình huống ấy, các thành viên tổ bay đặc biệt là phi công lái chính phải thực sự là người có bản lĩnh, có đủ kinh nghiệm, giỏi về chuyên môn mới tránh được thiệt hại như vậy.
Anh Nguyễn Văn Sang (thôn 9, xã Thạch Hòa, Thạch Thất, Hà Nội) cùng chị Nguyễn Thị Dậu - một trong số rất nhiều tiểu thương ở chợ Hòa Lạc, những người đầu tiên chứng kiến máy bay Mi171-01 gặp nạn vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại: “Khi chúng tôi nhìn thấy máy bay ngay trên đầu chỉ cách mặt đất khoảng 20m, đang chao đảo gầm rú, những tưởng nó đã rơi ngay xuống chợ hoặc lao vào dãy nhà dân ở thôn 11. Nhưng không, các chú phi công đã lái và lách qua khe của những ngôi nhà 3 tầng san sát rồi mới rơi xuống đất và phát nổ”.
Nhiều người dân đến hiện trường vụ tai nạn thắp nén hương và bày tỏ sự khâm phục tinh thần hy sinh quả cảm của tổ lái. Một lão nông rưng rưng nước mắt: “Nếu không có sự hy sinh của các chú ấy, không biết hậu quả sẽ ra sao. Các chú ấy xứng đáng là anh hùng giữa thời bình”.
Theo Công an TP.HCM

Bình luận(0)