Những ngày này trong không khí tự hào, quân dân ta vừa mới kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Và cũng trong những ngày, này cách đây 42 năm, bộ đội tên lửa, bộ đội pháo phòng không và không quân ta đang trực tiếp đánh bại chiến dịch chiến lược “Linebacker II” của giặc Mỹ (chúng huy động 193 siêu pháo đài bay B-52 ở Guam và Thái Lan, tập trung oanh tạc thành phố Hà Nội, Hải Phòng…). Về phía chúng ta và báo chí nước ngoài gọi là chiến dịch Điện biên phủ trên không 12 ngày đêm (từ 19h40 phút ngày 18/12/1972 đến đêm ngày 29/12/1972).
|
Lực lượng pháo phòng không đánh trả máy bay Mỹ.
|
Có thể nói sự thành công của chiến dịch Điện biên phủ trên không nhờ vào sự chỉ huy, phối hợp hiệp đồng tác chiến tuyệt vời giữa 3 lực lượng chủ lực, thuộc Quân chủng Phòng không không quân (bộ đội tên lửa, bộ đội pháo phòng không và không quân) của quân đội ta.
Riêng lực lượng bộ đội trực tiếp đánh chiến dịch, theo đại tá kỹ sư Trần Đức Hoành (nguyên trợ lý kỹ thuật Trung đoàn Tên lửa 285, một sĩ quan thiếu uý khi đó được trực tiếp tham gia chiến dịch) cho biết: các anh “thức cả 2 mắt-không ngủ mắt nào” trong suốt 12 ngày đêm. Thật đáng khâm phục (các anh).
|
Đại tá, kỹ sư Trần Đức Hoành-nguyên trợ lý kỹ thuật Trung đoàn Tên lửa 285, 1 thiếu uý (khi đó) được trực tiếp tham gia chiến dịch “Điện biên phủ trên không”.
|
Trong chiến dịch “Linebacker II”, giặc Mỹ đã thực hiện 663 lần xuất kích B-52. Ngoài việc huy động 193 máy bay ném bom chiến lược B-52 - đồng nghĩa với 193 “kho bom”, 193 trung tâm tác chiến điện tử di động trên không, có sức tàn phá rất lớn, giặc Mỹ còn huy động tới 453 máy bay chiến đấu chiến thuật.
Bên cạnh đó, chúng còn rất xảo quyệt trong chiến dịch không kích. Chẳng hạn, thông thường B-52 không phát nhiễu từ xa mà chỉ mở máy thu radar của ta. Khi phát hiện được sóng radar của ta, nó mới bắt đầu gây nhiễu và cũng chỉ gây nhiễu ở tần số thu được. Khi vào cách mục tiêu 100 km thì gây nhiễu đồng loạt với các loạt radar của ta…
Tuy nhiên, dù sở hữu sức mạnh vũ khí cực kỳ hiện đại cùng chiến thuật đánh xảo quyệt, nhưng Không quân Đế quốc Mỹ vẫn thua thê thảm trên bầu trời miền Bắc Việt Nam. Như chúng ta đã biết, 81 máy bay bị bắn rơi, gồm cả 34 siêu pháo đài bay B-52 bị tiêu diệt. Trong đó có 16 chiếc (máy bay B-52) bị bắn rơi tại chỗ, giặc lái bị bắt sống. Và trong 16 chiếc rơi tại chỗ, có 2 chiếc rơi tại chỗ rất đặc biệt gồm:
- Chiếc thứ nhất, rơi tại chỗ xuống cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, huyện Đông Anh (Hà Nội). Đặc biệt vì đây là chiếc máy bay B-52 bị bắn rơi tại chỗ đầu tiên, vào ngay đêm đầu tiên (đêm 18/12/1972) của chiến dịch Điện Biên Phủ trên không lịch sử.
- Chiếc thứ 2, rơi tại chỗ xuống hồ Hữu Tiệp, làng hoa Ngọc Hà, thuộc phường Ngọc Hà, quận Ba Đình (Hà Nội) vào đêm 27/12/1972. Đặc biệt, vì đây là chiếc máy bay B-52 bị bắn rơi tại chỗ duy nhất chưa kịp thả (cắt) bom.
|
Xác máy bay B-52 rơi xuống hồ Hữu Tiệp.
|
Trở lại kết quả toàn chiến dịch Điện Biên Phủ trên không chấn động địa cầu, sau khi quân đội ta bắn rơi chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52 thứ 34 vào đêm 29/12/1972, đến 7 giờ sáng ngày 30/12/1972, chính phủ Mỹ (đứng đầu là Tổng thống Ních-xơn), buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ Bắc vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị gặp lại đại biểu Chính phủ ta tại Paris để bàn việc ký kết Hiệp định.
Đến ngày 27/1/1973 Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết chính thức. Đồng thời thi hành Hiệp định Paris, buộc Chính phủ Mỹ phải rút hết quân xâm lược ra khỏi miền Nam nước ta.