Hàn Quốc đã hứng chịu cuộc tấn công mạng lớn khiến 32.000 máy tính cùng máy chủ thuộc 3 mạng lưới truyền thông và 3 ngân hàng lớn bị tê liệt vào ngày 20/3.
Hành động này đã làm gián đoạn hoạt động của mạng lưới truyền thông và các của các ngân hàng. Cuộc điều tra tìm ra thủ phạm tấn công mạng Hàn Quốc không hề dễ dàng và có thể mất vài tuần hoặc thậm chí hàng tháng.
Hiện các nhà điều tra Hàn Quốc vẫn chưa tìm ra bằng chứng xác thực, chứng minh Bình Nhưỡng đứng sau vụ tấn công mạng quy mô lớn và gây thiệt hại nặng đối với nước này vào hôm 20/3. Chuyên gia nước này mới chỉ lần ra dấu vết của phần mềm độc hại nằm trong một máy tính ở Seoul.
Tuy nhiên, Hàn Quốc vẫn khẳng định Triều Tiên đã thực hiện 6 cuộc tấn công mạng nhằm vào nước này kể từ năm 2009. Do đó, Hàn Quốc đã thành lập một trung tâm chỉ huy an ninh mạng ngay giữa Seoul, nhằm ngăn chặn những mối nguy hiểm tới từ tin tặc của quốc gia láng giềng.
|
Triều Tiên mấy năm gần đây đã đầu tư mạnh mẽ phát triển tin học. Ảnh minh họa |
IT Triều Tiên không thua kém Mỹ, Hàn
Điều đó dường như cho thấy, quốc gia nghèo khó như Triều Tiên (vốn thực hiện một trong những chính sách quản lý hoạt động Internet khắt khe nhất trên thế giới) vẫn có khả năng đe dọa tới an ninh mạng Hàn Quốc – quốc gia mạnh mẽ về lĩnh vực truyền thông.
Theo Ngân hàng Hàn Quốc (có trụ sở tại Seoul), thu nhập bình quân đầu người tại Triều Tiên chỉ đạt 1.190 USD/năm trong khi Hàn Quốc là 22.200 USD/năm vào năm 2011.
Những năm gần đây, Triều Tiên đã tăng cường đầu tư ngân sách và nguồn nhân lực vào việc nghiên cứu khoa học và công nghệ. "IT" cũng đang trở thành một cụm từ thông dụng ở Triều Tiên. Nước này đã phát triển riêng một hệ điều hành mang tên “Ngôi sao Đỏ”.
|
Triều Tiên đã sản xuất thành công máy tính bảng 7inch. |
Chính quyền Bình Nhưỡng đã giới thiệu một dòng máy tính bảng do nước này sản xuất. Các nhóm phát triển cũng viết ra những phần mềm khác nhau từ việc sáng tác âm nhạc cho đến cách nấu ăn.
Hàn, Mỹ tin rằng Triều Tiên đang đào tạo hàng ngàn hacker nhằm thực hiện các vụ tấn công mạng. Thậm chí, tin tặc của Triều Tiên còn có trình độ ngang ngửa hoặc có phần nổi trội hơn so với các “đồng nghiệp” của mình tại Trung Quốc và Hàn Quốc.
"Nguy cơ Triều Tiên mở mặt trận không gian mạng ngày càng tăng. Bình Nhưỡng sẽ sử dụng những tin tặc được huấn luyện nhằm xâm nhập và tấn công mạng để đối phó với Mỹ, Hàn”, chỉ huy Quân đội Mỹ tại Hàn Quốc James Thurman nhận định.
Triều Tiên đào tạo “chiến binh mạng” thế nào?
Trong năm 2010, ông Won Sei-hoon (người sau này trở thành Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc) ước tính số tin tặc chuyên nghiệp tại một đơn vị chiến tranh mạng của Triều Tiên lên tới 1.000 người.
Theo ông Kim Heung-kwang (công dân Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc từ năm 2003) cho hay, sinh viên Triều Tiên được tuyển vào các trường khoa học hàng đầu của quốc gia để trở thành những chiến binh mạng.
Ông Kim Heung-kwang là người trực tiếp giảng dạy đào tạo sinh viên Triều Tiên trở thành tin tặc tại một trường đại học ở thành phố công nghiệp Humhun. Sau giai đoạn đào tạo trong nước, sinh viên có thể được cử đi học tiếp ở Trung Quốc và Nga.
Trong năm 2009, nhà lãnh đạo Kim Jong Il quyết định tăng số “chiến binh mạng” lên đến con số 3.000 người. Thông tin này được ông Kim trích dẫn một tài liệu của chính phủ Triều Tiên mà ông được tiếp cận. Tuy nhiên, tính chính xác của tài liệu trên vẫn chưa được xác nhận.
“Triều Tiên có khả năng gửi những phần mềm độc hại tới máy tính cá nhân, các máy chủ để thực hiện những vụ tấn công kiểu như DDOS (tấn công từ chối dịch vụ). Mục tiêu của những tin tặc này nhắm tới là Mỹ và Hàn Quốc”, ông Kim Heung-kwang nói.
|
Phòng máy tính hiện đại tại Đại học Kim Nhật Thành. |
Lãnh đạo Tập đoàn Interhack (trụ sở tại Mỹ) Matthew Curtin cho rằng, với Triều Tiên thì việc mở rộng chiến tranh sang không gian mạng, bằng cách phát triển các mã độc rải vào máy tính sẽ rẻ hơn và nhanh hơn là phát triển vũ khí hạt nhân.
Thế giới trên mạng cho phép người tấn công không lộ danh tính vì rất dễ làm giả địa chỉ IP và phá hủy các bằng chứng làm lộ diện hacker.
Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc James Thurman cũng cho rằng, tấn công mạng là phương án “lý tưởng” với Triều Tiên; vì họ có thể thực hiện dưới hình thức nặc danh và nhắm tới các mục tiêu như quân đội, chính phủ, cơ quan giáo dục và thương mại của các quốc gia khác.
Tuy nhiên, giới chức Bình Nhưỡng phủ nhận những cáo buộc cho rằng, nước này đang đào tạo đội ngũ “chiến binh mạng” và là tác giả các vụ tấn công mạng Hàn Quốc.
Tại Hàn Quốc, kinh tế, thương mại và đời sống hàng ngày lại hoàn toàn phụ thuộc vào mạng internet. Vì vậy, việc xảy ra những vụ tấn công như ngày 20/3 thường gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống người dân Hàn Quốc.
Trái lại, ở Triều Tiên, các vụ tấn công mạng dường như không ảnh hưởng gì tới cuộc sống. Do chỉ một bộ phận nhỏ người dân nước này được tiếp cận mạng internet toàn cầu.
"Triều Tiên không có gì để mất trong một trận chiến không gian mạng. Thậm chí, nếu Triều Tiên đúng là thế lực đứng đằng sau tấn công mạng Hàn Quốc thì chính quyền Seoul cũng không có mục tiêu để trả đũa", ông Kim Seeongjoo - Giáo sư Khoa An ninh mạng Đại học Hàn Quốc nhận định.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: