Các nước châu Á tăng sức mạnh hải quân chống TQ?

Google News

(Kiến Thức) - Các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ chiếm tới 20% tổng chi các dự án phát triển hải quân trong vòng 20 năm tới.

Châu Á - Thái Bình Dương tập trung mạnh cho hải quân

Châu Á - Thái Bình Dương sẽ chiếm tới 26% (tương đương với gần 200 tỷ USD) tổng chi cho các dự án hải quân trong vòng 20 năm tới nhằm đối phó với thách thức trong khu vực và đặc biệt là sự đe dọa từ Trung Quốc.

Theo Phó chủ tịch Tổ chức phân tích hải quân AMI International Bob Nugent cho hay, các dự án mới trong khu vực này sẽ gồm: 6 tàu sân bay, 2 tàu tuần dương, 42 tàu khu trục, 115 khinh hạm, 82 tàu tuần tra ven biển, 34 tàu quét mìn, 128 tàu đổ bộ, 21 tàu hậu cần, 255 tàu tuần tra và 116 tàu ngầm.

Cũng theo ông Bob Nugent, thị trường tàu tuần tra ven biển (OPV) sẽ rất sôi động, giai đoạn 2013-2030 có thể đạt mức doanh thu 4,6 tỷ USD.

“Mặc dù các tàu OPV không thể thay thế khu trục trong các hạm đội, nhưng OPV có lượng giãn nước 1.500 tấn trở lên có thể đảm nhận nhiệm vụ của tàu hộ tống và khinh hạm khi thực thi pháp luật trên biển”, ông này nói.

Hiện, các loại tàu OPV rất thịnh hành tại một số quốc gia khu vực Đông Nam Á, nhưng đối với Đông Bắc Á thì ngược lại.

Theo chuyên viên nghiên cứu thuộc Chương trình An ninh Hàng hải (Đại học Công nghệ Nanyang Singapore) Sam Bateman thì, khu vực Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc) nhắm tới chế tạo tàu khu trục Aegis, tàu đổ bộ cỡ lớn, tàu ngầm tấn công phi hạt nhân… nhằm đối phó với Hải quân Trung Quốc.

Còn theo ông Nugents quyết định về những chương trình này đã được đưa ra trước khi Hải quân Trung Quốc trở thành mối đe dọa chính. Trước đó, Nhật đã có Nga là mối đe dọa cũng như Hàn Quốc có mối đe dọa từ Triều Tiên.

Chuyên gia tới từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng Singapore Sam Batman nhận định, sự thật là tất cả các tàu chiến đấu mặt nước đều dễ bị không kích khi đi vào tầm hoạt động của các căn cứ máy bay chiến đấu.

“Câu hỏi đặt ra là có nên bỏ nhiều tiền vào lực lượng tác chiến mặt nước, nhưng điều này dường như không được các quốc gia trong khu vực châu Á quan tâm”, ông Bateman nói.

Các nhà phân tích đến từ Washington cho rằng, cuộc chạy đua trang bị hải quân ở châu Á xuất phát từ mối đe dọa ngày càng lớn từ Trung Quốc. Nhưng ông Batman cho rằng, qua xem xét tình hình một số quốc gia như Nhật Bản, Philippines thì vấn đề còn phức tạp hơn nhiều.

“Ngoài mối đe dọa từ Trung Quốc, còn có một số nguyên nhân khác bảo gồm yêu cầu hiện đại hóa quân đội, nhu cầu về tài nguyên biển để phát triển kinh tế (an ninh năng lượng) là những lý do chính khiến các quốc gia tăng cường hải quân”, ông Batman nói.

Nhật Bản quyết bảo vệ tuyến đường biển

Nhật Bản sẽ tăng cường bảo vệ các tuyến đường biển, cùng với việc ngăn chặn mối đe dọa của Trung Quốc trong tương lai đối với quần đảo Nansei kéo tài từ phía Nam Kyushu tới Đài Loan.

Trong ngân sách quốc phòng 2013-2014, Bộ Quốc phòng Nhật Bản chú trọng vào việc bảo vệ quần đảo Nanseil và các vùng biển thuộc lãnh thổ nước này.

Chuyên gia hải quân ở Đại học King’s College London Alessio Patalano nhận định: “Nhật Bản là một quốc gia biển nên việc bảo đảm an ninh hàng hải là yếu tố then chốt đối với sự ổn định của nước này”.

Theo một số nguồn tin, Nhật đã chi khoảng 720 triệu USD để đóng một tàu khu trục đa năng có lượng giãn nước 5.000 tấn nhằm cải thiện khả năng chống tàu ngầm. Loại tàu này có thể là nhằm đối phó với tàu ngầm tấn công hạt nhân Type 093 của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, Nhật nỗ lực duy trì, đảm bảo đủ số lượng tàu khu trục. Với ngân sách hạn chế hơn một thập kỷ, nước này đã cố kéo dài tuổi thọ 14 tàu trong bốn lớp khác nhau.

Ngoài ra, Lực lượng Phòng vệ biển Nhật Bản (JMSDF) đã chi 540 triệu USD trong năm nay để chế tạo một tàu ngầm tấn công phi hạt nhân thế hệ mới. Đồng thời, họ cũng nỗ lực kéo dài tuổi thọ hạm đội tàu ngầm và tăng số lượng từ 16 lên 22 chiếc.

“Đây là một trong những tài sản quan trọng nhất của JMSDF, vì nó không chỉ cung cấp khả năng trinh sát trong nhiệm vụ tuần tra, mà còn là vũ khí “tàng hình” trong cuộc chiến thông thường”, ông Patalano nói.

Cùng với đội tàu khu trục đa năng, Nhật Bản cũng đang tích cực triển khai đóng thêm 2 tàu khu trục chở trực thăng có lượng giãn nước toàn tải 27.000 tấn. Có những nguồn tin cho rằng, loại tàu này có thể chuyển đổi để thích ứng với việc cất hạ cánh của máy bay tiêm kích tàng hình F-35B.

Quốc gia biển AESAN mua sắm tàu chiến, máy bay

Nhằm bảo vệ vùng biển, đảo rộng lớn, mặc dù gặp không ít khó khăn về ngân sách nhưng nhiều quốc gia biển ở Đông Nam Á cũng nỗ lực phát triển không quân, hải quân.

Năm 2011, Philippines đã thông qua một chiến lược quốc phòng mới, trong đó nhấn mạnh hợp tác an ninh trên biển với quân đội Australia.

Nước này cũng đang đẩy mạnh hiện đại hóa lực lượng không quân và hải quân vốn dĩ đã rất lạc hậu. Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã quyết định chi ngân sách lên tới 60 triệu USD để mua thêm 1 tàu tuần tra và 6 trực thăng để phục vụ bảo vệ các dự án dầu khí ở Malampaya.

Năm 2012, Manila bổ sung một chương trình hiện đại hóa quân sự trị giá 900 triệu USD nhằm tân trang các khinh hạm, máy bay C-130 và trực thăng.

Philippines đang tiến gần với một hợp đồng mua tiêm kích hạng nhẹ FA-50 của Hàn Quốc. Đây có thể là những chiến đấu cơ phản lực đầu tiên của không quân nước này sau gần 10 năm không có máy bay chiến đấu trong biên chế.

Malaysia đã ký thỏa thuận mua 6 tàu tuần tra ven biển hiện đại lớp Gowind của hãng DCNS Pháp, nhằm tăng cường lực lượng bảo vệ biển.

Singapore thì đang có toan tính mua tiêm kích tàng hình F-35 tối tân từ Mỹ để tiếp tục nâng cao sức mạnh không quân hiện đại nhất khu vực này.

Việt Nam cũng không ngừng cải thiện khả năng chiến đấu của lực lượng hải quân và không quân nhằm bảo vệ Biển Đông và các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.

Năm 2009, Việt Nam đã ký hợp đồng với Nga mua 6 tàu ngầm phi hạt nhân tối tân Kilo Project 636. Loại tàu này được đánh giá là có độ ồn khi hoạt động rất thấp và trang bị tên lửa chống tàu siêu thanh Klub-S có khả năng đánh chìm tàu sân bay. Dự kiến, chiếc đầu tiên sẽ được chuyển cho Hải quân Nhân dân Việt Nam trong năm 2013.

Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký thỏa thuận với Nga mua thêm 2 khinh hạm Gepard 3.9 với một số cải tiến.

Đối với lực lượng không quân, năm 2012, phía Nga đã chuyển giao 4 tiêm kích đa năng Su-30MK2 cho Việt Nam. Với 4 chiếc này, Việt Nam đã có trong biên chế 24 tiêm kích Su-30MK2. Những chiếc máy bay có khả năng thực hiện nhiều nhiệm vụ trên không, trên mặt đất và đặc biệt là mang được vũ khí chống tàu siêu thanh Kh-31A.

Gần đây, đại diện Tập đoàn Lockheed Martin thông tin rằng, Việt Nam có thể mua các máy bay tuần tra chống tàu ngầm P-3 Orion từ Mỹ.

TIN LIÊN QUAN:
Nguyễn Hoàng

Bình luận(0)