Thông tin Việt Nam mua tên lửa phòng không Buk, Tor được tiết lộ trong một bài báo đăng trên trang mạng VN Sputnik News (trang tiếng Việt của hãng thông tấn Sputnik News, Nga).
“Danh sách các loại vũ khí Việt Nam mua của Nga thật ấn tượng. Các loại tàu ngầm mà phương Tây gọi là "Hố đen trong đại dương" (Kilo 636) vì độ ồn cực thấp làm giảm đến mức tối thiểu khả năng bị đối phương phát hiện. Máy bay tiêm kích Su-30MK2 có công suất và khả năng cơ động vượt trội so với máy bay MiG của Liên Xô nổi tiếng trên bầu trời trong chiến tranh Việt Nam thời chống Mỹ. Các hệ thống tên lửa phòng không Tor, Buk và S-300…”, VN Sputnik News viết trong bài “Việt Nam có từ chối vũ khí của Nga hay không?”.
|
Bệ phóng kiêm tiếp đạn tổ hợp tên lửa Buk-M2. |
9K37 Buk là hệ thống tên lửa đất đối không tầm trung, tự hành được phát triển từ những năm 1970 dưới thời Liên Xô dựa trên mẫu 2K12 Kub (SA-6) và tiếp tục hiện đại hóa sau này dưới thời Nga. Tổ hợp tên lửa này có khả năng đánh chặn hầu như mọi mục tiêu trên không gồm tên lửa hành trình, bom thông minh, máy bay, UAV và cả tên lửa đạn đạo.
Tổ hợp tên lửa 9K37 Buk có khả năng đánh chặn mục tiêu máy bay ở cự ly 3-42km, độ cao 15m tới 25km và tên lửa đạn đạo chiến thuật ở cự ly 3-20km, độ cao 2km tới 16km.
Các biến thể cải tiến sau này gồm 9K37M Buk-M1; 9K37M1-2 Buk-M1-2, 9K317 Buk-M2E tiếp tục cải tiến hệ thống điều khiển hỏa lực và tên lửa đem lại sức chiến đấu cao hơn. Ví dụ, đời đầu chỉ có thể dẫn bắn tên lửa hạ cùng lúc 2-6 mục tiêu thì tới thế hệ Buk-M2E đã có thể hạ đồng thời 24 mục tiêu cách xa 50km.
|
Tổ hợp tên lửa Tor phóng đạn. |
Trong khi đó, Tor là hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn, độ cao trung bình được thiết kế để bắn hạ các mục tiêu trên không gồm máy bay, tên lửa hành trình, đạn chính xác cao, UAV và có thể là cả tên lửa đạn đạo. Hầu như toàn bộ các thành phần radar dẫn bắn, đài điều khiển và cả bệ phóng tên lửa đều được tích hợp trên xe bánh xích tự hành đem lại khả năng cơ động cao, phản ứng nhanh. Nó có thể đi theo hộ tống đội hình tăng - bộ binh hành quân.
Tổ hợp tên lửa Tor có khả năng bắn hạ mục tiêu cách xa 12km, độ cao 6km, phương thức dẫn bắn vô tuyến. Nó cũng được phát triển với nhiều biến thể cải tiến khả năng tác chiến, gồm: Tor-M1 (cải tiến độ chính xác tên lửa, bám bắt đồng thời 2 mục tiêu, hạ mục tiêu ở độ cao siêu thấp); Tor-M2 (cải tiến thời gian phản ứng, tự động hóa hệ thống, bám bắt đồng thời 4 mục tiêu).
Hiện vẫn chưa rõ, lực lượng phòng không Việt Nam đã lựa chọn mua biến thể tên lửa phòng không Buk, Tor kiểu nào. Tuy nhiên, việc sắm loại tên lửa này sẽ tăng đáng kể khả năng hộ vệ bầu trời, thay thế dần tên lửa hệ cũ như S-75 Dvina.