Tại sao lại có tục phóng sinh đầu vào ngày rằm tháng Giêng, thưa sư thầy?
Phóng sinh xuất phát từ tục thả cá vào ngày Bụt sinh Bụt nở (ngày 8.4 âm lịch). Ngày xưa, người ta thường phóng sinh cá chép nhưng giờ còn thả cá cảnh, chim, cua, ốc... Đó cũng là một nét truyền thống của người Việt. Theo Phật pháp, cứu một mạng người phúc đẳng hà sa thì thông qua việc phóng sinh, dù không phải cứu 1 mạng người, người làm việc này cũng đã cứu được một mạng sống. Cứu được một mạng sống thì sẽ thêm phúc lành.
|
Sư thầy Thích Tịnh Quán – Trụ trì chùa Đình Quán (Bắc Từ Liêm – Hà Nội). |
Tập tục phóng sinh có thể diễn ra vào nhiều ngày trong năm không chỉ riêng vào ngày rằm tháng Giêng. Tuy nhiên, phóng sinh đầu năm thường để cầu cho sức khỏe, may mắn, mọi việc theo sở nguyện.
Tuy nhiên, hiện nay nhiều người khi phóng sinh thậm chí đã để cả cá còn trong túi nilon vứt thẳng xuống hồ hoặc phóng sinh một cách ồ ạt, ào ào.... Sư thầy nghĩ sao về vấn đề này?
Điều này thuộc về ý thức của con người. Khi mình thả một con vật thì phải có tâm, lòng thương của mình gửi vào đó, mong cho chúng sinh được tự do, hết kiếp làm súc sinh. Vì thế không thể để cá nguyên trong túi rồi thả phóng sinh.
Tôi thấy cũng có trường hợp đứng trên cầu thả cá xuống sông thì khi con cá rơi xuống đập vào mặt nước thì cũng chưa chắc đã sống được. Vì vậy cái quan trọng là mình phải đặt tâm mình vào, không phải mình phóng sinh nhiều là được.
Khi phóng sinh khi ta cầu cho gia đình thịnh vượng, đất nước thanh bình cũng phải chú ý đến môi trường. Chúng ta không nên dùng quá nhiều đồ để rồi xả rác gây ô nhiễm thì cái phúc mới được trọn vẹn.
Nhiều người cho rằng, việc mua những động vật để làm lễ phóng sinh vô tình đang tiếp tay cho những người săn bắt các loài động vật đó?
Có cung thì có cầu, mình có nhu cầu đặt mua phóng sinh thì chắc chắn sẽ có người bắt bán. Thế nhưng với những động vật này nếu như mình không phóng sinh thì người ta vẫn bắt và bán cho các quán ăn. Thế nên việc phóng sinh ít nhất là mình cũng khởi lên được cái tâm yêu thương muôn loài, để cho những người bắt có thể thấy được nghiệp của họ.
Tuy nhiên, ta không nên phóng sinh ồ ạt, quá nhiều một lúc, mà khi nào gặp chỗ nào thuận duyên là thả phóng sinh lúc đó. Ví dụ như, mình đi chợ thấy người ta đang chuẩn bị làm thịt con cá thì mình mua lại nó rồi đem ra sông lớn thả, hay vào rừng thấy chim mắc bẫy mình gỡ bẫy thả nó ra bằng tâm nguyện của mình. Đó chính là tạo phúc.
Vậy theo thầy, phóng sinh như thế nào là đúng cách?
Cái quan trọng đầu tiên trong mọi việc là phải xuất phát từ tâm. Phóng sinh phải xuất phát từ lòng từ bi của mỗi người. Việc thả những loài động vật đó mà cứu được chúng khỏi cảnh trên thớt dưới dao, nước sôi lửa bỏng đó là đúng cách.
Tuy nhiên, hiện nay có nhiều người chưa thả xong thì chim, cá đã bị bắt lại nên khi phóng sinh cần phải có chú ý đến sự an toàn của các loài phóng sinh. Đó là chúng ta nên thả động vật ở những nơi sông to, hồ lớn, quang đãng, vắng người, không nên thả vào những nơi người ta thường săn bắt. Phóng sinh không phải là cứ tiện tay mà thả cho xong việc mà còn phải xuất phát từ cái tâm, lựa chọn chỗ cho thích hợp. Ngược lại, làm không đúng cách thì không những không tạo phúc lại còn để lại những hậu quả.
Cảm ơn thầy!
"Là người ai cũng muốn sống, con vật cũng vậy cũng mong muốn được sống và phát triển. Khi mình mua cá, chim về thả là cứu một sinh mệnh. Nó thể hiện được tấm lòng từ bi của con người. Vì vậy, theo tôi, việc phóng sinh là tốt, rất nên duy trì".
Bạn đọc Đặng Viết Lai (Phường Vĩnh Phúc, Ba Đình, Hà Nội)