Khinh công trong tiểu thuyết võ hiệp được miêu tả như những công phu giúp người ta chạy lên ngọn núi dốc đứng, nhún chân nhảy qua tường. Sự thực khinh công là thế nào trong kho tàng võ thuật?
Khinh công qua lăng kính tiểu thuyết
Trong tiểu thuyết võ hiệp nói chung và của tác giả Kim Dung nói riêng, khinh công được xem là một môn công phu phổ biến. Mọi nhân vật có võ nghệ cao cường thì khinh công cũng đều ở trình độ thượng thừa có thể mượn sức của cành cây, ngọn cỏ để chạy, nhảy trên đó.
|
Ảnh minh họa.
|
Trong Anh hùng xạ điêu, Kim Dung từng tả Quách Tĩnh khi học võ với Mã Ngọc hàng ngày phải chạy lên một ngọn núi hiểm trở mà người thường không leo trèo được. Chàng ta được Mã Ngọc chỉ cho các phương pháp để vượt qua những đoạn vách đá dựng đứng. Sau một thời gian chạy quen, Quách Tĩnh đã chạy được từ chân núi lên tới đỉnh. Những chỗ vách đá dựng đứng chàng chỉ cần dùng tay với, chân điểm vào những hốc đá là bật lên trên nhẹ nhàng.
Có khi nhân vật đang bị ngã từ trên cao xuống, khi sắp tiếp đất, muốn không bị dập xương gãy khớp họ liền phóng chưởng đánh xuống đất để tạo phản lực. Đó là cảnh Huyết đao lão tăng nhảy xuống vực sau khi giao đấu với Hoa Thiết Can trong Liên Thành Quyết… Còn như dùng khinh công chạy trên mái nhà lợp bằng ngói mà không gây tiếng động thì các cao thủ hạng ba hạng bốn cũng làm được.
Không phải chỉ trong truyện Kim Dung, ngay ở Việt Nam ta, trong giai thoại về nữ sĩ Hồ Xuân Hương cũng có đoạn nói đến thuật khinh công. Giai thoại kể rằng có ông Tú Đanh ghen với Tổng Cóc vì không lôi được Hồ Xuân Hương dứt ra khỏi Tổng Cóc nên đánh tiếng dọa sẽ đánh chết Tổng Cóc. Biết tin, Tổng Cóc cùng một người gia nhân tên là Ré tìm lên quê Tú Đanh.
Hai người giả vờ đi ngang vào nhà Tú Đanh xin lửa hút thuốc lào. Biết là thày trò Tổng Cóc tìm lên, Tú ta sai người nhà mang lên hòn than cháy đỏ rồi cầm đặt lên đùi xong châm lửa hút. Người xung quanh còn đang hết hồn về hòn than đỏ trên đùi Tú Đanh bỗng nghe phập một tiếng. Nhìn lên đã thấy con dao nhọn cắm sâu đến nửa vào đòn nóc mái nhà. Mọi người ngơ ngác không kịp nhìn thấy Tổng Cóc phi con dao lên như thế nào mà lực mạnh như thế.
Tổng Cóc bảo anh Ré lấy con dao xuống chẻ đóm để hút thuốc. Chỉ thấy Ré vỗ đùi bạch một tiếng nhảy phốc lên. Trong nháy mắt đã rút con dao xuống và cầm trong tay. Chịu thua, Tú Đanh bèn xuống giọng mời thày trò Tổng Cóc ngồi trà thuốc.
Xa xưa nữa, các truyện kể về danh tướng Phạm Ngũ Lão có nói rằng sau khi được Hưng Đạo Vương tiến cử vào làm vệ sĩ cho vua Trần, Phạm Ngũ Lão bị các vệ sĩ của nhà vua ghen tị và thách đấu tỉ võ. Ngũ Lão xin về quê luyện võ 3 tháng. Đến ngày tỉ đấu một mình ông chấp mấy chục vệ sĩ. Vào cuộc ông tay đấm chân đá nhảy nhót như chim đã đánh bại hết các vệ sĩ khiến ai nấy tâm phục khẩu phục. Chi tiết nhảy nhót như chim đó cũng không khác gì thuật khinh công trong tiểu thuyết kiếm hiệp miêu tả.
Sự thực khinh công
Theo kiến giải của các võ sư nối tiếng như Nam Anh, Hàng Thanh, khinh công là một loại công phu luyện tập cho thân thể nhẹ nhàng như bướm lướt cành, như én qua rèm. Trong cuốn Ngũ đài trân tàng bí bản, ông đã trình bày phương pháp tập luyện khinh công gồm 3 giai đoạn.
Giai đoạn 1 người ta lấy một cái ang hoặc chậu cảnh loại lớn, dùng xi măng bịt cái lỗ ở đáy chậu lại rồi đổ nước vào. Khởi sự tập, người tập dùng túi vải ở trong có chứa những thanh trì rồi buộc vào chân. Ban đầu mỗi chân đeo thêm số chì nặng vài trăm gam.
|
Ảnh minh họa.
|
Với những túi chì buộc ở chân, người tập nhảy lên miệng cái ang và tập chạy trên đó. Ban đầu còn chưa quen nên chỉ đi từng bước thôi. Sau khi quen rồi mới chạy nhanh được. Khi đã thuần thục thì tăng thêm trọng lượng chì và đổ bớt nước đi. Cho đến khi cái ang sạch nước và chì buộc vào chân đã tăng lên thêm vài trăm gam nữa mà chân chạy vẫn nhẹ nhàng thì thành công giai đoạn 1.
Giai đoạn 2 thì thay cái ang bằng cái chảo lớn loại chảo nấu đường có đít tròn. Đổ đầy sắt vụn hoặc đá nhỏ vào đó rồi chân mang thêm chì nặng hơn giai đoạn 1 và bắt đầu tập chạy quanh miệng chảo. Lại tiếp tục tuần tự lấy bớt sắt và tăng thêm chì như giai đoạn 1. Đến ngày nào chảo không còn sắt vụn hay đá nữa mà chân vẫn chạy nhẹ nhàng là thành công giai đoạn 2.
Sang giai đoạn 3 người ta lấy cát rải mỏng khoảng 2 đến 3 cm tạo thành một con đường nhỏ rồi trên mặt cát đặt mấy lớp giấy. Người luyện chân vẫn mang chì sẽ chạy trên con đường đó. Ban đầu sẽ đạp thủng giấy và có vết trên cát nhưng cứ nhẫn nại luyện tập thì dần dần giấy không bị thủng nữa. Các tờ giấy trên mặt cát bị lấy dần ra. Đến khi mặt đường chỉ còn cát mà chạy không có dấu chân thì khinh công đã luyện được đại thành. Lúc bấy giờ bỏ hết chì buộc ở chân ra mà chạy trên cỏ thì chẳng hề di động, cho đến chạy trên tuyết cũng không in dấu vết, băng qua nước cũng không gợn sóng.
Tuy nhiên, võ sư Nam Anh cũng lưu ý rằng “Được công phu đó ít ra ta cũng mất mười, hay hai mươi năm chuyên luyện” chứ không phải ngày một ngày hai mà thành.
Võ sư Hồ Tường trong cuốn Tìm hiểu võ cổ truyền Việt Nam cũng trình bày một phương pháp luyện khinh công bằng cách tập nhảy. Cũng với cách đeo thêm vật nặng vào chân rồi đào một cái hố sâu rồi ở dưới hố nhảy lên mặt đất hoặc đứng dưới đất nhảy lên một bậc cao. Qua năm tháng thì lại tăng thêm độ sâu hoặc độ cao của mục tiêu và tăng trọng lượng vật nặng buộc vào chân. Phương pháp tuy đơn giản song võ sư Hồ Tường lưu ý rằng phải luyện tập hàng ngày không được bỏ dở. Cái hay của nó là việc tập luyện thường xuyên và lâu dài mới mong thành tựu.
Từ phương pháp của hai võ sư trên lại nhớ đến câu chuyện truyền khẩu về việc tập luyện của tướng quân Phạm Ngũ Lão. Người ta kể rằng trong thời gian ông xin vua về quê 3 tháng, hàng ngày ông bỏ cát vào hai ống quần rồi buộc túm lại để tập nhảy qua các gò đống ở quê. Nhờ việc tập luyện ấy nên khi vào kinh đấu võ ông mới có thể nhảy nhót như chim mà đánh thắng các cao thủ trong cung.
Thiết nghĩ các phương pháp trên hoàn toàn có cơ sở khoa học chứ không phải chuyện huyễn hoặc. Cứ mang vật nặng tập nhảy tập đi như thế thì trước hết chân sẽ rất khỏe và sức bật ngày càng tăng. Thân thể phải giữ thăng bằng trong bài tập trên ang hoặc phải lao lên không trong bài tập nhảy nên cũng dần nhẹ nhàng hơn. Quan trọng hơn hết là sự luyện tập ngày này nối tiếp ngày kia mới bồi đắp được sức lực và kỹ thuật ngày một tăng tiến đến mức có thể chạy trên nước hay nhún chân nhảy qua tường. Cơ thể con người là một hệ thống thích nghi tuyệt diệu, cứ kiên trì luyện tập ắt có ngày thành tựu.
Trong chương trình Chuyện lạ Việt Nam, mấy năm trước các võ sư phái Lâm Sơn Động (Hà Tây cũ) đã chạy trên mặt nước với một lớp cót dải dưới mặt nước. Tuy chưa thể chạy trên mặt nước không nhưng như thế cũng cho thấy chuyện khinh công không phải là huyễn hoặc.