Công em dã tràng xe cát

Google News

Ánh mắt lạ lẫm, ngơ ngác của các con khiến tim chị như có hàng ngàn mũi dao xuyên qua. Chị thành người xa lạ trong chính nhà của mình.

Chị chết lặng nhìn hai đứa con. Chúng là con chị rứt ruột đẻ ra, thế mà giờ chúng nhìn mẹ bằng ánh mắt ngơ ngác, xa lạ. Chị nhìn anh, mắt anh đang hướng về phía cuối góc giường, nơi đứa con nhỏ của chị nép vào lòng một người phụ nữ để tìm sự che chở.
Chị muốn hét lên thật to, muốn xông vào tung hê tất cả cho thỏa uất ức trong lòng. Nhưng, chị không làm được. Sự thật nghiệt ngã khiến chị muốn ngã quỵ.
Ba năm trước, chị đắng lòng rời bỏ căn nhà này để đi làm thuê ở nước ngoài, công việc cực nhọc vô cùng. Ngày chị đi, đứa con lớn mới năm tuổi, đứa nhỏ đang bi bô tập nói. Là mẹ, chẳng ai nỡ xa con lúc đó, nhưng chị đành cắn răng, quẹt nước mắt mà đi. Có đi thì mới mong con cái đỡ cực khổ, mới mong thoát được cuộc sống tù đọng, bế tắc này. Chồng chị việc làm không ổn định, lại thất nghiệp một thời gian dài, sinh ra chán nản, rượu chè, bài bạc. Chị tốt nghiệp trung cấp kế toán, ra trường lận đận mãi mới xin được cái chân tạp vụ ở một công ty tư nhân, lương bèo bọt. Căn nhà lụp xụp đã lâu chẳng có tiền tu sửa. Con nay ốm, mai đau, nhiều khi trong nhà chẳng có nổi vài trăm nghìn bạc. Vợ chồng lục đục mãi chỉ vì thiếu tiền. Cực chẳng đã, chị đành để con lại cho chồng mà đi.
 Ảnh minh họa.
Lúc đầu anh không muốn chị đi nhưng nhìn vào cuộc sống túng thiếu đành chấp thuận. Thương cảnh gà trống nuôi con, chị đã dặn dò, động viên anh rất nhiều.
Sống ở xứ người, ngày quần quật làm việc, đêm về cô bạn ở cùng phòng đặt lưng là ngủ, còn chị cứ trằn trọc, thao thức. Nhiều đêm, nhớ chồng con đến quặn lòng nhưng mỗi cuộc điện thoại gọi về nhà có khi bằng cả ngày công làm việc nên chị đành cố chịu đựng. Vài ba tháng, chị mới gọi về một lần, những cuộc gọi chớp nhoáng, có khi vừa nghe tiếng con gọi mẹ đã phải dằn lòng bỏ máy xuống. Rồi những cuộc điện thoại cũng thưa dần. Chị lao vào kiếm tiền, nhiều khi chẳng còn thời gian mà gọi điện thăm con. Ăn không dám ăn, tiêu không dám tiêu, kiếm được đồng nào chị đều dành dụm, tích cóp... Biết tính chồng không giữ được tiền, chị chỉ gửi một phần về cho anh chi tiêu, phần còn lại để dành làm “lưng vốn” sau này về sửa sang nhà cửa. Có những hôm người mệt, sáng cố mãi mới ngồi dậy được nhưng chị vẫn đến xưởng làm.
Đồng tiền có được từ mồ hôi, nước mắt, chị quý lắm. Cứ nghĩ đến cảnh con mình, đứa lớn có bộ quần áo mới mặc đi học, đứa nhỏ không còn phải thiếu sữa, chị như có thêm sức mạnh để vượt qua bệnh tật. Cứ thế, bệnh tự đến rồi tự đi. Nhiều đêm nằm vắt tay lên trán nghĩ đến ngày đoàn tụ gia đình, thấy các con khôn lớn, phổng phao chạy nhảy trong ngôi nhà mới, lòng chị ngập tràn hạnh phúc.
Thế nhưng, ngày trở về, chị không khỏi bàng hoàng khi nhìn thấy gian bếp nơi chị thường đứng nấu thấp thoáng dáng người phụ nữ khác. Cô ấy không xinh đẹp nhưng trẻ trung hơn chị. Các con chị còn ríu rít gọi cô ấy là mẹ. Chồng chị sững người khi nhìn thấy chị. Trông anh béo tốt và bảnh bao hơn hồi chị còn ở nhà. Chưa kịp có một lời chào sau ba năm xa cách nhưng ánh mắt bối rối của anh khiến chị đau nhói lòng.
- Nếu như không có cô ấy, ba năm qua không biết bố con anh phải xoay xở thế nào.
Sau một lúc giải thích loanh quanh, anh “kết” lại một câu khiến chị hụt hẫng, suy sụp. Lại thêm những ánh mắt lạ lẫm, ngơ ngác của các con khiến trái tim chị như có hàng ngàn mũi dao xuyên qua. Chị trở thành người xa lạ trong chính căn nhà của mình. Lẽ nào ba năm qua, chị cật lực làm lụng để kiếm tiền, chịu đựng mọi thiếu thốn, nếm trải bao cực nhọc ở xứ người chỉ là dã tràng xe cát?
***
Đó là câu chuyện của chị tôi, người đàn bà có tiếng đảm đang ở một ngôi làng đồng bằng Bắc bộ. Chuyện của chị không phải cá biệt. Nhiều người phụ nữ đã bỏ lại những năm tháng tuy vất vả nhưng êm đềm sau lưng, vật lộn mưu sinh nơi xứ người với ước mơ nhỏ bé “đổi đời”, để rồi khi trở về, cuộc sống của họ như lật sang trang mới, đẫm nước mắt tủi hờn, đắng cay…
Theo Phụ Nữ TP HCM

Bình luận(0)