Về chung sống dưới một mái nhà, tôi vô cùng khó xử với đứa con riêng của anh - con bé 12 tuổi, tính khí rất thất thường. Mặc dù tôi nhiều lần cố gắng “làm huề” nhưng tất thảy đều “thất bại thảm hại”…
Hễ lần nào đang cùng xem tivi, đến mục quảng cáo thấy cô bé Anna Trương mặt mày tươi rói, hát hò nhảy múa tưng bừng, là con bé lại ôm mặt chạy biến đi chỗ khác. Mấy lần đầu tôi không để ý nhưng thấy chuyện đó cứ lặp đi lặp lại, tôi lấy làm lạ, rồi đến lấy làm khó chịu. Sau này, mỗi lần thấy màn quảng cáo đó hiện ra là tôi lập tức tắt tivi.
Nhưng một lần tôi không kịp tắt, con bé quay sang ôm chặt lấy bố khóc òa lên. Thấy chồng tỏ vẻ lúng túng, tôi nổi đóa nhưng cũng kịp trấn tĩnh, bỏ đi chỗ khác. Tuy vậy, cảm giác khó chịu với những “hành xử bất thường” của con bé cứ bám theo tôi dai dẳng. Tôi chợt nhận ra, chỉ vì quá chăm bẵm, nuông chiều con bé mà chồng tôi nhiều khi tỏ ra “lạnh nhạt” với tôi, và một trong những “hệ quả” là cho đến giờ, sau gần 4 năm chúng sống, chúng tôi vẫn chưa có đứa con chung nào, mặc dù bản thân tôi rất “sốt ruột” về việc này.
|
Ảnh minh họa. |
Đêm ấy, chờ con bé đi ngủ, tôi kéo chồng tôi ra ngồi ở phòng khách để “nói chuyện phải quấy”. Đầu tiên, tôi hỏi chồng tôi, rằng có thấy điều gì bất thường ở con bé không? Sau một hồi trầm ngâm, anh mới nói: “Chắc tại nó tủi thân. Thấy cô bé kia sống với mẹ kế mà vẫn sung sướng, hạnh phúc, con nó liên tưởng tới tình cảnh của mình, mẹ mất sớm nên mới có thái độ như vậy”. Tôi chưa chịu: “Nhưng ở đây thì nó vẫn sung sướng, hạnh phúc đấy chứ! Em có bao giờ đánh đập hay la mắng gì nó đâu?”. Chồng tôi vẫn từ tốn: “Thật ra, nó đang ở cái tuổi “dở người lớn, dở trẻ con” nên tính cách cũng khá phức tạp. Theo anh hiểu, thật ra nó cần có nhiều thứ hơn là việc không bị đánh mắng, hay thậm chí là được chu cấp đầy đủ về vật chất. Có lẽ, tình cảm anh dành cho nó là chưa đủ bù đắp cho sự thiếu thốn vì mất mẹ quá sớm”.
Nghe anh “bênh con”, tôi bắt đầu cảm thấy “nóng mặt”, liền xẵng giọng: “Có phải vì vướng bận con bé mà anh không muốn có con với tôi không?”. Thấy tình hình có vẻ căng thẳng, chồng tôi im lặng một lát, rồi khẽ lắc đầu: “Con bé không liên quan gì đến việc ấy. Thậm chí, nhiều lần nó còn bảo, muốn chúng mình có em bé để nó có chị có em cho vui. Bản thân anh cũng đâu muốn “trì hoãn”, mà có lẽ do... cái số của mình chưa “dính” được đấy chứ!”. Nghe anh nói vậy, ban đầu tôi không tin, nhưng nhìn bộ mặt thật thà như đếm, lại hơi có vẻ... ngây ngô của anh, tôi biết là anh nói thật. Bỗng dưng, một cảm xúc lạ lẫm xâm chiếm lấy tôi. Hình ảnh con bé hồi xưa ngồi thẫn thờ nhìn di ảnh của mẹ rồi khe khẽ gọi “mẹ ơi!”, khiến tôi vô cùng ân hận. Chẳng gì thì mẹ nó xưa kia cũng là bạn thân của tôi. Khi mẹ nó mất, tôi cũng có mặt để cùng anh lo hậu sự...
Lại nhớ, hồi mới quyết định lấy chồng, nhiều bạn bè đã “cảnh báo” về mối quan hệ với con chồng, nhưng tôi gạt đi, bảo “nó còn bé, biết gì!”. Nhưng càng ngày, tôi càng cảm nhận thấy sự hiện diện của con bé trong gia đình tôi thật sự là một “vấn đề lớn”. Tôi cố gắng “làm thân” với nó từ khi nó mới về, nhưng nó luôn tỏ thái độ “cự tuyệt”. Tôi xưng “mẹ” nhưng nó thì chỉ gọi tôi là “cô”. Có lẽ, nó không muốn có một người phụ nữ nào khác thay thế mẹ nó, trên mọi phương diện. Thế rồi, tôi trở nên khó chịu với con bé, mặc dù không mấy khi biểu lộ ra mặt, nhưng có thể tâm hồn non nớt nhưng đầy nhạy cảm của nó cũng cảm nhận được. Có lẽ, tôi vì quá “sốt ruột” với những dự định cho gia đình riêng của mình, mà đã vô tình gạt con bé sang một bên. Và tôi đã sai lầm khi chỉ dành cho nó “phần vỏ” của cái gọi là “tình thương”, nhưng thực chất lại chỉ toàn là những lời nói sáo rỗng và vô cảm...
Hơn lúc nào hết, tôi muốn “chiếm lấy” con bé, cả phần xác lẫn phần hồn. Nhưng một lần nữa, sự nóng vội lại khiến tôi cảm thấy bất lực. Có lẽ tôi phải chấp nhận “chịu trận” thêm một thời gian dài nữa, để “lòng thành” của tôi có thể dần chạm vào tâm hồn của con bé. Bởi tôi hiểu rằng, chỉ khi con riêng của chồng cũng coi mình như mẹ của nó, thì gia đình chúng tôi mới thực sự có được hạnh phúc trọn vẹn...