Vừa nghe chồng thông báo chiều nay đám bạn kéo đến, Giang vội vàng dắt xe ra khỏi nhà. Tức thì, anh chồng chỉ tay vào mặt Giang, quát: “Thái độ gì vậy? Bạn tôi đến mà cô bỏ đi đâu?”. Không nói lời nào, Giang cúi mặt lầm lũi đi, sau lưng là tiếng chửi sa sả của chồng.
Cả tuần làm việc quần quật ở công ty, ngày cuối tuần Giang cũng chẳng được yên thân vì chồng thường rủ rê bạn bè về nhà ăn nhậu. Trước đây, sợ chồng, Giang còn lao vào bếp phục vụ bạn chồng, nhưng làm chậm cũng bị chồng chửi, nấu dở cũng chửi, không làm càng bị chửi thậm tệ hơn. Ngày thường không ăn nhậu, chồng Giang đã mắng vợ con không tiếc lời, khi rượu vào, thói điêu ngoa của anh càng phát huy.
Những buổi tối tăng ca về trễ, vừa về đến cửa, cô đã nghe chồng nhẻ nhói: “Cô đi theo trai hay sao mà giờ này mới về?”. Giang chưa kịp phân bua thì một tràng từ ngữ tục tĩu văng ra. Từ ông bà, cha mẹ, anh em của cô đều bị chồng lôi ra xỉ vả. Không bao giờ đánh vợ nhưng những câu chửi rủa, sỉ nhục của chồng như dao cứa vào lòng cô. Ngay cả với con gái, chồng Giang cũng không tha. Mỗi lần con đi học thêm về trễ là anh ta nanh nọc: “Học hành gì giờ này mới về? Đi theo trai hả? Đúng là giỏ nhà ai quai nhà nấy…”. Con bé không ít lần ôm mẹ, khóc tức tưởi.
|
Ảnh minh họa. |
Nhà ở chung cư, cửa đóng then cài tách biệt, Giang ít khi phải nhìn thấy những con mắt tọc mạch, tò mò của hàng xóm, nhưng cô sợ nhất những ngày giỗ chạp, bị chồng mắng nhiếc trước mặt anh em, họ hàng, khiến cô không biết giấu mặt vào đâu. Lần đi đám giỗ bố chồng, Giang có việc đột xuất ở công ty nên nhắn tin báo cho chồng biết cô đến trễ nửa tiếng. Không ngờ dọc đường xui xẻo, cô lại bị bể bánh xe.
Nhắn tin thông báo cho chồng biết sự cố ngoài ý muốn, Giang đinh ninh chồng sẽ thông cảm. Nhưng vừa đến nơi, chưa kịp chào ai, Giang đã nghe tiếng chồng lanh lảnh: “Mày là người hay súc vật vậy? Đến ngày giỗ bố tao mày cũng không nhớ đường mà về à? Mày định bôi tro trét trấu vào mặt tao hay sao mà giờ này mới thò mặt đến?”. Sợ vợ chồng to tiếng, các chú phải lôi chồng vào bàn nhậu. Các dì, các mợ kéo Giang vào bếp để tránh xấu hổ. Thấy Giang khóc rưng rức, nhiều bà thím thương hại, an ủi, nhưng họ cũng chẳng biết cách nào giúp cô thoát khỏi ông chồng hay dùng “võ miệng”. Xét cho cùng, chồng Giang cũng là người biết làm ăn, không bồ bịch, cờ bạc, cũng chẳng bao giờ đánh đập vợ con, chỉ thi thoảng hay tụ tập ăn nhậu.
Cuối tuần, Giang chạy sang nhà tôi, hai mắt sưng húp. Cô bảo, chắc không sống nổi với ông chồng “ngoa” miệng này. Ngày còn yêu nhau, chồng Giang nói năng cũng nhẹ nhàng, lịch sự, đâu có chợ búa như bây giờ. Giang vừa khóc, vừa kể một thôi một hồi những lời lẽ nặng nề mà chồng thường xuyên sử dụng với mình. Giang khẳng định sẽ làm đơn ly hôn. Vừa kể xong chuyện, điện thoại trong túi Giang đổ chuông. Cô lấm lét bắt máy. Chẳng biết chồng Giang nói chuyện gì, cô vội tắt máy, đứng lên: “Thôi tớ về đây. Chồng tớ gọi báo bà nội và mấy cô lên chơi. Không về sớm ông ấy lại chửi nữa”. Tôi hỏi đùa: “Vậy còn chuyện ly hôn thì sao?”. Giang ậm ờ: “Để nói thẳng thêm vài lần nữa xem hắn có thay đổi không. Nếu không được thì cũng phải lôi nhau ra tòa”.
Tội nghiệp cô bạn thân hiền lành, nhẫn nhịn của tôi, chẳng biết còn chịu đựng được cái tính thô lỗ ấy của chồng bao lâu nữa?