“Người đẹp đậu phụ” và người chồng phạm tội giết người

Google News

Chị đã ngoài tuổi băm và bị cuộc đời quăng quật qua nhiều khổ đau, nhưng những điều đó vẫn không làm hao mòn đi nhan sắc mặn mòi...

Người đẹp của làng đậu phụ

Cuối tháng 5, cái nắng của Bắc miền Trung trở nên ngai ngái, nồng nàn hơn lửa trên những thửa ruộng nứt nẻ trơ gốc rạ. Men theo con đường nhỏ dẫn từ đường Hồ Chí Minh đoạn giáp nhà máy phân Lam Sơn, tôi tìm đến mái nhà liêu xiêu của chị Lê Thị Dân - người phụ nữ gắn liền với cái danh “người đẹp đậu phụ” nhưng cuộc đời đầy nghiệt ngã.

Nhà chị ở xã Thọ Xương, huyện Thọ Xuân của tỉnh Thanh Hóa. Ở xã ấy có một làng từ lâu nổi tiếng làm đậu phụ. Vùng đất Thọ Xuân hay còn được gọi là đất Vua tốt tươi, sum suê hoa trái. Đậu tương xứ này căng mẩy, vàng đục và thơm ngon một cách riêng biệt. Hỏi các cụ cao niên trong xã cũng chẳng ai nhớ, chỉ biết rằng nghề làm đậu đã có từ trước khi họ được nhìn thấy mặt trời.

 

Có người thì bảo lộc đất vua, có người thì bảo do nước sông Chu mát lành nhưng lý do lớn nhất để thuyết phục khách qua đường hiểu được vì sao da dẻ con gái trong vùng, dù làm nông vất vả hay thanh nhàn, vẫn mịn màng trắng hồng đầy sức sống… chính là thuở bé các nàng đã đắm mình trong hương đậu. Thức ăn cái uống chẳng thể nào thiếu những bìa đậu, sữa đậu thơm lành.

Chị cũng đã từng là một người con gái lớn lên như thế với nghề làm đậu phụ gia truyền. Ngoài nước da làng đậu, chị mang một vẻ đẹp đằm thắm của người phụ nữ lực điền, cao gần mét bảy với điểm nhấn trên gương mặt là đôi mắt lá răm và nụ cười rạng rỡ. Chị bảo ở vùng bán sơn địa này, đậu làng May nức tiếng nhất vùng. Riêng chị được bà, mẹ dạy cho làm từ ngày còn bé tí cộng thêm sự khéo léo của bản thân nên đậu chị làm bao giờ cũng đặc biệt hơn mọi người trong làng, đậu rắn ngoài mềm trong, thơm lại béo mà ăn không ngấy.

Chị Dân thời con gái.

Nhớ lại những tháng ngày con gái mơn mởn, đôi mắt chị như khẽ xô lại đầy tiếc nuối. Những năm ấy cứ mỗi ngày đèo hơn 30kg đậu phụ thành phẩm đi vào các xã khác, chỉ cần nghe thấy cô Dân rao bán thì y rằng những nhà muốn ăn đậu đều gắng mua bằng được, nhất là đám trai trong vùng mua đậu thì ít mà ngắm cô bán đậu thì nhiều. Anh Phạm Xuân Thịnh, hàng xóm nhà chị khẽ bảo tôi: “Hầu hết những chàng trai sinh nửa đầu những năm 1980 ở vùng quê này đều thầm thương cô ấy, ai mà chẳng thích có được một người vợ tốt như thế”.

Ai cũng nghĩ, người con gái đẹp nhất làng đậu ấy sẽ có một tương lai hạnh phúc đủ đầy. Nhưng tổng kết lại đời mình, chị ngậm ngùi bảo: “Tôi thấy đời mình ngoài quãng thời gian bình yên thuở bé ra toàn là những cơn giông bão tơi bời”.

“Cơn giông giật” lật úp cuộc đời

Có biết bao nhiêu người theo đuổi, trong số đó có cả những chàng con nhà tử tế nhờ người mai mối nhưng chị đều từ chối. Có lẽ cái số nó vận vào người đã là như thế, chị không thể sướng được. Chị cười gượng gạo: “Nhiều người bảo tôi có tướng vượng phu ích tử lắm. Có lẽ điều đó đúng chú ạ”.

Chị kể về sự kiện mà chị ví như “cơn giông giật” khủng khiếp của cuộc đời mình.

Sau nhiều năm bán đậu ở xã 135 Xuân Phú (cùng huyện), tình cờ chị gặp chàng lính trẻ vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự được xuất ngũ về quê, đó là Lê Văn Hiệp. Sự chất phác của anh thanh niên người dân tộc Mường, khiếu hài hước thiên bẩm của anh ngay lần đầu gặp mặt đã khiến chị cười ngặt nghẽo. Thêm vào đó là nét chín chắn, từng trải của người Đảng viên trẻ đã hút hồn chị. “Cái duyên cái số nó vồ lấy nhau, tôi tin tưởng người đàn ông đó sẽ mang lại hạnh phúc cho mình”.


Tình yêu ấy sớm nảy nở và đơm hoa với tin vui chị mang bầu 4 tháng, hai bên gia đình tổ chức đám cưới. Nếu chỉ có thế, thì chị đã tự mãn nguyện với hạnh phúc, đã không có cảnh nhiều lần chị ngửa cổ than trời đến rách họng vì bất hạnh triền miên của đời mình.

Ngày chị về nhà chồng là ngày 22 âm cuối năm 2005. Nghe chọn ngày cưới, nhiều cụ cao niên trong làng đã không khỏi lắc đầu “sao nó chọn ngày xấu thế, sao cưới vào ngày đại bại?”. Nghe vậy chị chỉ cười ỏn ẻn không đáp lại. Vì chỉ mai thôi, chị đã về nhà chồng.

Nhưng cái đêm dự định cho tân hôn ấy, là đêm chị khóc ngất như mưa như gió, khóc đến nỗi khô kiệt hai dòng nước mắt, đến sáng hôm sau người thân nhìn vào đầy xót xa đôi mắt đỏ sưng húp như muốn bật máu. Phút giây hạnh phúc nhất đời, lại là phút giây chị rơi xuống tột cùng đớn đau.

Chị bảo, sáng mai rước dâu thì 22h tối chồng chị đã giết người! Sau này chị được biết, phần vì vui vẻ trong ngày cưới nên có hơi men, phần vì là người đứng đầu cho cánh trẻ trong làng nên khi thấy “giai lạ” tấn công đối tượng của trai làng, hai bên xảy ra xô xát, không làm chủ được mình Hiệp đã đâm chết chàng kỹ sư đang thi công dự án đường Hồ Chí Minh qua địa phận xã Xuân Phú.

 

Đám hỉ bỗng chốc nhuộm màu xám xịt bởi hung tin và sự ai oán của người nhà nạn nhân. Chú rể “mất tích”, hai dòng họ lao đao tìm cách giải quyết ổn thỏa cho hôn nhân của chị. Hai bên nội ngoại, những người thương yêu chị đều đồng ý cho chị bãi bỏ hôn sự, làm mẹ đơn thân cũng được. Bởi như thế là sự lựa chọn tốt hơn cho cả chị và đứa trẻ đáng thương trong bụng. Ai cũng sợ mười mấy năm, hai mươi năm, thậm chí cả đời Hiệp không về nữa, mẹ con chị côi cút một mình sao sống nổi.

Trong cơn bĩ bế ấy, chị khóc trong trạng thái vô thức chán chê rồi trở nên bình tâm đến lạ. Một ngày làm vợ chồng ân nghĩa trăm năm, chị không thể bỏ chồng và tin rằng con mình cũng không muốn rời xa bố nó như vậy. Hoạn nạn như kỳ kiểm tra đức hy sinh thủy chung của người phụ nữ, chị chọn phương án cưới tiếp để đương đầu với muôn vàn khó khăn trắc trở.

Không thể để cô dâu tự về nhà chồng, bên nhà trai thế vào vị trí chú rể một chú rể khác để tham gia lễ rước dâu, đó chính là người em chồng Lê Văn Điệp. Chị bảo có lẽ đó là đám cưới có một không hai, Điệp chỉ mới là chàng thiếu niên đi bên chị như hai mẹ con. Riêng đám cưới ấy đã đủ lắm những lời tai tiếng dị nghị, người ác khẩu còn bảo do số hai người không hợp nên mới gây ra chuyện tày trời như thế. Chị về làm dâu trong sự lạnh giá của nhà chồng.

Một thời gian ngắn sau, Hiệp ra đầu thú. Lần cuối về gặp chị, người đàn ông ấy quỳ gối thật lâu không ngẩng đầu lên nhìn vợ. Chị thấy rất lạ vì khi ấy hai người chẳng cần nói thêm câu gì, cứ im lặng như vậy nhưng dường như thấu tận tim can kẻ còn lại cho đến khi Hiệp bị công an đưa đi.

 

“Cơn giông giật” ấy đã lật úp đời chị, xô chị úp ngửa, vật vờ trong biển đời mênh mông.


Nặng lòng “cái nghĩa trăm năm”

Kể từ ngày đen tối đó, đến bây giờ cũng sắp sửa được gần 10 năm, bước chân chị theo dấu chồng qua trại giam này đến trại giam nọ. Nhất là những ngày đầu, trông thấy chị bụng mang dạ chửa, nghe câu chuyện về đêm tân hôn định mệnh ấy, từ các người nhà phạm nhân cùng trại, cho đến cán bộ, giám thị trại giam ai cũng xót thương, ái ngại nhìn chị. Cũng chẳng thiếu gì lần Hiệp ngần ngại không muốn, không dám gặp chị. Nhưng chị khăng khăng với các giám thị rằng chị phải gặp được thì mới an lòng, nhất là khi sắp đến những ngày ở cữ.

Chị Dân nhớ lại, để trải qua những ngày tháng ấy với chị thật khó khăn. Những người hiểu chị rất ít, gia đình ai cũng bảo chị nên tính toán lại. Tuổi xuân có thì, cuộc đời người phụ nữ phải nương tựa vào chồng không nhiều thì ít. Có chồng mà cũng như không, rước bao nhiêu cực khổ vào thân chẳng khác gì rước nợ vào người! Thậm chí, có người còn bảo chị nếu vì đứa bé không giải quyết được thì đẻ xong cho ai đó nuôi, để bắt đầu cuộc sống mới. Nhưng chị biết, dù họ có nói gì đi nữa với chị đó là điều không bao giờ có thể chấp nhận được.

Những cuộc gặp ngắn ngủi qua song sắt được tính bằng tuổi con gái chị. Cô bé đáng yêu với những nét xinh xắn thừa hưởng từ mẹ đã cắp sách tới trường tiểu học được 3 năm nay. Chị bảo làm cha làm mẹ ai lại để con mình phải thấy cảnh tù tội khi nó còn quá nhỏ, sẽ khiến chúng tổn thương chẳng bao giờ xoa dịu được. Nhưng năm rồi, đi học về cô bé ngước mắt lên hỏi mẹ “Bố con đâu? Con muốn kể chuyện cho bố nghe”.

Lần đầu tiên nghe con nói chị cười gượng gạo rồi lơ đi, nhưng đến lần thứ 5 thì chị không đành tâm như mình chưa nghe thấy gì. Thiết nghĩ dù chồng đang cải tạo, nhưng là bố thì anh vẫn có quyền được gặp con gái mình, và đứa con bé bỏng ấy không ai tước mất quyền cho nó biết bố nó là ai. Mùa hè 2012, hai mẹ con khăn áo vượt hơn 100km tới trại Thanh Phong để gặp Hiệp. Lần thứ hai trong cuộc đời, chị thấy chồng khóc như một đứa trẻ, còn cô con gái thì hồn nhiên sà vào lòng bố véo von kể chuyện lớp chuyện trường.

Cũng đắng lòng lắm, song bản năng làm vợ, làm mẹ mách bảo cho chị biết những cuộc hội ngộ ngắn ngủi ấy hơn bất kỳ khóa học, hơn bất kỳ lời khuyên nhủ, cảnh tỉnh nào đối với chồng. Gặp con đưa tới cho Hiệp nhiều ý nghĩa sống hơn, nó kéo anh ra khỏi nỗi tuyệt vọng, quyết tâm không ngừng cải tạo để sớm đoàn tụ với vợ con, để được làm cha làm chồng đúng nghĩa.

Tạm rời xa quê chồng với lắm lời thị phi và cái nhìn soi mói, chị về lại gian nhà mưa nắng đã nhiều của mẹ đẻ tiếp tục công việc làm đậu thuở trước. Biết cơn giông này tan đi, có thể lắm cơn giông khác sẽ tới vì mưa gió có bao giờ ngừng được. Nhưng chị và con gái, những người đã trải qua nhiều cay đắng vẫn quyết sẽ đi qua những cơn mưa để được nhìn thấy cầu vồng. Chị tin, gần lắm rồi, ngày về của người đàn ông mà chị yêu thương.
Theo Gia Đình Việt Nam

Bình luận(0)