Tết Dương lịch năm nay, nhiều cơ quan cho phép người lao động nghỉ 4
ngày, nối liền từ thứ 7 đến hết thứ 3. Tuy nhiên, trong thời buổi suy
thoái kinh tế, giá cả leo thang, không ít các đại gia cũng phải “ăn chơi
nhảy múa” theo kiểu tiết kiệm.
Về quê ăn chơi cho... ngon, bổ, rẻ
Chơi
ở Hà Nội thì giá cả đắt đỏ, ăn uống hàng quán không đảm bảo vệ sinh, đổ
đến các khu du lịch thì vừa chen chúc, vừa chặt chém, đó là lý do nghỉ
lễ dương lịch năm nay nhiều người dù có tiền cũng chọn cách “khăn gói
quả mướp” về quê trong thời buổi kinh tế khủng hoảng.
Chị Thu
Phương, 33 tuổi, làm cho một công ty sắt thép với mức lương khá cao.
Chồng chị làm nhà nước nhưng thu nhập chủ yếu lại từ việc làm thêm cho
một công ty ngoài. Với thu nhập cao, hai vợ chồng chị ăn tiêu khá rủng
rỉnh. Tuy nhiên, lương cao đồng nghĩa với công việc bận rộn và áp lực.
Thế nên, những dịp nghỉ lễ dài ngày như thế này luôn được anh chị tận
dụng để vui chơi hết mình, xả stress sau một thời gian “cày” không ngơi
nghỉ.
Kỳ nghỉ 30/4 và 1/5 vừa rồi, chị Thu Phương cùng chồng và
đứa con 4 tuổi đi du lịch ở Nha Trang 4 ngày liền. Nhưng Tết Dương lịch
lần này, cũng có 4 ngày nghỉ, vợ chồng chị lại quyết định về quê.
Chị
Thu Phương tận hưởng kỳ nghỉ 30/4 vừa qua ở Nha Trang, còn Tết Dương
lịch này thì quyết định sẽ về quê ăn chơi cho... ngon, bổ, rẻ.
Chị tâm sự:
“Thời
gian vừa rồi bận tối mắt tối mũi, có nhiều hôm cả hai vợ chồng cùng
phải làm việc thứ 7, chủ nhật. Sống gấp như vậy nên thời gian gần đây vợ
chồng mình tự dưng thèm cái cảm giác bình lặng ở quê nhà. Cuối cùng,
chúng mình quyết định sẽ về quê nghỉ ngơi trong 4 ngày nghỉ tết dương,
vừa được bên người thân, vừa tốn được một khoản chi phí đáng kể đấy. Ở
quê được cái ăn uống cái gì cũng ngon, bổ, rẻ”.
Còn anh
Trần Quốc Định, 38 tuổi (Thanh Oai, Hà Nội) lại quyết định về quê nghỉ
vì lý do khác. Trong nhóm chơi thân với nhà anh có 6 gia đình, thì đến 4
nhà đang gặp khó khăn về kinh tế. Bản thân anh nếu thực hiện chuyến đi
chơi riêng thì cũng không quá khó khăn, nhưng điều quan trọng để có một
kỳ nghỉ vui vẻ với anh không phải là đi đâu, mà là đi với ai.
Chính
vì vậy, thay vì tổ chức một tour ăn uống hoành tráng ở các nhà hàng nổi
tiếng Hà Nội, kết hợp với đi dã ngoại, anh Định quyết định mời bạn bè
về quê mình ở Ninh Bình chơi trong suốt kỳ nghỉ Tết Dương lịch năm nay.
"Về quê vừa được ăn đặc sản, vừa được ngắm cảnh đẹp nên mình vừa nêu ý kiến là cả nhóm đã sung sướng gật đầu đồng ý", anh vui vẻ kể.
Anh
Định cho hay người nhà anh có trang trại nuôi dê nên anh đã nhờ để sẵn
cho một con để thiết bạn. Món nem chua dê đặc sản cũng được anh đặt làm
trước, về đến quê là có ăn ngay. Nhà anh lại gần ngay động Tiên với Cố
đô Hoa Lư nên chè chén xong, cả nhóm chỉ cần một chuyến xe đi chục km là
tha hồ ngắm cảnh đẹp.
Muôn dạng ăn chơi tiết kiệm dịp Tết Dương lịch
Thùy Dương, 23 tuổi (Thanh Xuân, Hà Nội), hiện đang làm thư ký cho giám
đốc một công ty xây dựng Malaysia. Với mức thu nhập tính bằng "đô" khá cao, Thùy
Dương thường thích đi chơi đây đó, rời xa cái ồn ào, chen chúc của Hà
Nội vào mỗi dịp cuối tuần. Đặc biệt, những kỳ nghỉ lễ dài ngày luôn là
dịp mà Dương thực hiện những chuyến đi chơi xa.
Tết Dương lịch
năm nay, Dương cùng các đồng nghiệp định "đi tránh rét" ở Huế - Đà
Nẵng. Tuy nhiên, một chuyến đi chơi như vậy khá tốn kém, không phải ai trong cơ quan cũng đủ kinh phí, nhất là vào
thời điểm khó khăn kinh tế, giá cả tăng cao như hiện nay. Sau khi bàn
bạc, Dương cùng đồng nghiệp quyết định sẽ đi du lịch theo kiểu "Tây ba lô", nghĩa là tự
đặt vé máy bay, tự liên hệ nhà nghỉ giá rẻ cùng kế hoạch chi tiết về
nơi ăn uống, cách thức đi lại tự túc sao cho tiết kiệm nhất.
Chị Thùy Dương
Kinh
tế khủng hoảng và tình trạng bão giá khiến cho cả những người sở hữu
nhà lầu, xe hơi cũng phải cân nhắc để không ăn chơi quá đà. Đó là trường
hợp của vợ chồng chị Diễm Hương, 35 tuổi (Ba Đình, Hà Nội).
Làm
việc cho một công ty tổ chức sự kiện của Mỹ, chị Diễm Hương thu nhập
khoảng 20 triệu đồng một tháng. Số tiền này chỉ đủ để chị chi tiêu cho
bản thân với các nhu cầu về thời trang và phát triển mối quan hệ. Còn
các khoản chi trong gia đình hầu hết đều do chồng chị, vốn là chủ doanh
nghiệp may mặc có nhà máy sản xuất tại Hưng Yên, lo liệu.
Với
căn biệt thự 3 tầng rộng rãi và xế hộp riêng, chị Hương vẫn luôn tự hào
với bạn bè về cái sự “nhà có điều kiện” của mình. Những năm trước, vợ
chồng chị và 2 đứa con trai thường du hí bên “trời Tây” để thay đổi
trong các kỳ nghỉ kéo dài nhiều ngày. Đó là khoảng thời gian hiếm hoi
chồng chị tạm quên đi công việc, dành toàn bộ thời gian cho chồng con.
Nhưng
năm nay, suy thoái kinh tế, lãi suất ngân hàng tăng cao khiến công ty
của chồng chị Hương bị ảnh hưởng nhiều. Nếu trước kia anh chị không tiếc
bỏ ra vài trăm triệu cho một cuộc du hí thì năm nay, cả hai quyết định
chỉ đưa cả nhà đi câu cá tại một khu hồ ở ngoại ô Hà Nội trong ngày Chủ
nhật. Các ngày còn lại, cả gia đình sẽ ăn uống, vui chơi ngay ở nhà.
"Quan
trọng là cả gia đình vẫn vui vẻ bên nhau vào dịp cuối năm đặc biệt này.
Nói thật, chỉ cần có chồng con bên cạnh thì với chị đâu cũng đẹp như
thiên đường", chị lạc quan chi sẻ.
Còn chị Khánh Vân (27
tuổi, Thanh Xuân, Hà Nội) thì tận hưởng kỳ nghỉ 4 ngày theo cách khá
“độc”, mà lại vui và tiết kiệm hơn hẳn các kế hoạch tốn kém khác. Chị
nhờ người quen mua một con lợn mán ở Hòa Bình rồi mời bạn bè thân đến để
cùng tổ chức tiệc thịt nướng ngoài trời. Vốn dĩ là người chịu chơi và
không ngại vung cả đống tiền cho những giây phút vui vẻ, lý do chị Khánh
Vân thay đổi kế hoạch vui chơi cũng là vì tình hình khó khăn chung.
"Ngày
trước, mình không bao giờ ở Hà Nội vào ngày nghỉ, mà tổ chức cho đại
gia đình đi chơi đây đó cho vui. Nhưng vào thời buổi kinh tế suy thoái
như thế này thì mình cũng nên biết tiết chế cho phù hợp", chị Vân chia sẻ.
BÀI ĐỌC NHIỀU