Dì tôi có hai con, một trai một gái. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng, con trai của dì xung phong lên một huyện miền núi công tác. Biết tin con trai có con với một cô “dân tộc” đã từng một đời chồng, dì stress nặng, đau ốm triền miên. Cô gái ấy xinh đẹp, hát hay, là một phát thanh viên có giọng đọc hút hồn của đài truyền thanh địa phương, nên còn được mọi người ví von là “họa mi của núi rừng”.
Không nhận dâu, dì chối từ luôn đứa cháu nội có cặp mắt “dại dại” như mẹ nó. Cặp mắt… thượng du ấy đã ám ảnh dì suốt một thời gian dài. Cô con dâu mà dì không chấp nhận cũng dằn vặt, đau khổ, xem mình là kẻ tội đồ. Không ít lần cô tự trách mình sao lại yêu một người chưa từng có vợ, lại là con trai duy nhất trong một gia đình nề nếp. Cô biết, mẹ chồng bị sốc, thậm chí căm thù cô đã “hủy hoại” những kỳ vọng của bà vào con trai. Nhiều đêm vợ chồng cô không ngủ, trăn trở làm thế nào để thuyết phục mẹ. Rồi hai vợ chồng quyết định đầu tư làm kinh tế, chuẩn bị cho kế hoạch “tiến về đồng bằng”.
|
Ảnh minh họa. |
Họ thuê người phụ việc, đầu tư mở một quán cơm ngay trung tâm thị trấn. Nhờ cung cách phục vụ và chế biến thức ăn ngon, quán trở thành sự lựa chọn của nhiều thực khách khó tính. Dù vậy, cô luôn động viên chồng đừng bận tâm đến hàng quán, mà năng về thăm mẹ, thuyết phục mẹ. Mỗi chuyến về xuôi, cô tìm mua mật ong rừng, măng rừng, thịt heo rừng, thịt nai, hoặc những đặc sản của rừng để chồng mang về biếu mẹ. Kinh tế khá dần lên, vợ chồng cô nhận phần lo cho em gái học đại học. Dù đang ăn nên làm ra, cô vẫn bàn với chồng chuyển công tác về xuôi, còn cô quyết định nghỉ việc (một quyết định khó khăn với cô) để chăm mẹ, tiếp tục kinh doanh. “Họa mi” đã làm tất cả để mong mẹ chồng chấp nhận cô, nhưng dì tôi vẫn cương quyết không sống cùng với con nhỏ “thượng du” ấy.
Về đồng bằng, vợ chồng phải thuê nhà ở riêng, nhưng vẫn không thôi quan tâm đến mẹ, dù không ít lần bị hắt hủi, la mắng. Thật ra, chẳng người mẹ nào muốn con cái mình đau khổ, nhất là khi các con luôn tỏ ra hiếu thảo, hết lòng vì mẹ. Dì tôi có lần nói về cô con dâu: “Xét cho cùng, nó cũng không có lỗi; tuy khác biệt văn hóa, lối sống, nhưng biết hòa nhập, biết học hỏi, biết sống”. Rồi dần dần dì tôi bắt đầu nhận cháu, nhận dâu. Có cô về, nhà cửa tinh tươm, những món ăn lạ miệng của cô đã thuyết phục được mẹ chồng. Cô làm tất cả không phải “mua chuộc” mà xuất phát từ tấm lòng của một cô gái Cơ tu chân thành, bộc trực. Dì tôi có lần còn tỏ ra ân hận vì những định kiến của mình. Giờ đây, với dì, cô gái “dân tộc” ấy đúng là một cô con dâu khó kiếm.