Biết bao chuyện bi - hài trong việc cha mẹ chọn nghề nghiệp, đồng thời cũng là định hướng tương lai cho con cái đã xảy ra.
Nhờ phim mà có tương lai
Tức cười nhất là chuyện bà hàng xóm cũ nhà tôi chọn nghề cho con. Nhớ dạo cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, khán giả truyền hình lên cơn sốt với bộ phim Hàn Quốc Anh em nhà bác sĩ, trong phim có nam diễn viên chính rất đẹp trai. Bà hàng xóm ngấm ngầm mê mẩn tài tử điện ảnh xứ kim chi từ khi con trai bà còn đang học mẫu giáo, đến khi cu cậu học lớp 12, lòng hâm mộ trường kỳ của bà mới “bùng nổ” để “biến ước mơ thành hiện thực”.
Bà ra “tối hậu thư” con trai phải thi vào ngành y. Cũng vì bà buột miệng phát ngôn nên mới lộ ra “tâm tư thầm kín” bấy lâu nay, rằng: “Theo nghề bác sĩ chẳng sáng giá à? Như là cái anh Jang Dong Gun đeo kính trắng trong phim Anh em nhà bác sĩ ấy!”. Lại còn nhớ cả cái tên không phải là dễ phát âm trong tiếng Việt nữa chứ! May mà ông chồng còn “tỉnh táo” can thiệp, chắc trong bụng bực mình vì quyết định sai lầm của vợ thì ít mà bực tức vì vợ “để quên con tim” bên xứ Hàn thì nhiều!
|
Ảnh minh họa. DAD |
Lại có chuyện một anh bạn tôi phàn nàn, con gái anh mới đang học cấp 1, thích múa hát, nhưng theo nhận xét của anh - đã có phần tự hào của người cha - thì anh biết con mình chỉ giới hạn ở mức độ hát hay, múa đẹp hơn các bạn hát dở, múa vụng thôi. Thế nhưng, đúng là “con hát, mẹ khen hay”, vợ anh cứ gây sức ép, thúc giục anh phải xoay xở thế nào để con gái vào học trường nghệ thuật, để sau này vào đời bằng nghề ca sĩ đang “hot” hiện nay, vừa được nổi tiếng, vừa thu nhập “khủng”! Vợ anh nói: “Đến cha mẹ còn không tin vào con, xem thường khả năng của con thì nó nhụt hết ý chí đi còn đâu nữa?”. Cô con gái còn bé xíu đã được mẹ tâng bốc lên mây xanh, suốt ngày chỉ lo ca hát như chú ve trong chuyện ngụ ngôn Ve và kiến, không chuyên tâm vào học hành. Cứ thế này chẳng biết tương lai của cháu đi đến đâu?
Noi gương người khác
Bà dì họ xa của tôi có cô con gái khá xinh xắn, từ nhỏ đã khéo tay, suốt ngày lôi vải vụn, giấy báo ra vẽ vẽ, cắt cắt, may quần áo cho búp bê. Lớn lên con bé cũng chỉ mê mải tìm tòi những tạp chí thời trang, say sưa với các kiểu trang phục trên mình các người mẫu, rồi mua vải về mày mò tự cắt may quần áo cho cả nhà, và may rất đẹp. Cả nhà cũng đỡ tốn tiền chi cho cái khoản may mặc.
Thế nhưng, học hết lớp 12, dù con bé có nguyện vọng đi học may để theo nghề sở trường của nó, bà dì tôi khăng khăng ép con thi đại học ngoại ngữ, bởi vì một đồng nghiệp ở cơ quan dì có cô con gái học tiếng Nhật rất giỏi, được học bổng toàn phần tại Nhật, sau mấy năm du học, về nước làm việc cho một công ty liên doanh với Nhật, rồi cưới một anh người Nhật cùng công ty và được chồng đưa về cố quốc. Thế là bố mẹ được thơm lây, được con gái vời sang xứ Phù Tang tham quan, thăm con, thăm cháu… Mặc cho cô con gái phân trần là mình không có năng khiếu về ngoại ngữ, ngôn ngữ đi vào tai nọ lại chạy ra tai kia, mấy năm phổ thông học tiếng Anh rồi chữ thầy trả hết cho thầy, nặn óc ra cũng chỉ nhớ được “ok, yes, no, hello, thank you” là chấm hết, bà mẹ nằng nặc: “Nếu không thi vào đại học chuyên ngành ngoại ngữ thì mẹ cấm vận, tự mà nuôi thân ăn học theo ý mình! Con người ta làm cho cha mẹ nở mặt, nở mày, đằng này con mình định “bôi gio trát trấu” vào mặt cha mẹ hay sao?”.
Đến giờ nghĩ lại thấy còn may, con bé cũng có chí, có nghị lực. Nó nhất quyết tự quyết định cuộc đời mình, bởi nó hiểu mình hơn ai hết. Nó chịu khó vừa đi học, vừa đi làm phụ các hiệu may, tằn tiện, chắt bóp khởi nghiệp bằng một hiệu may nho nhỏ. Nhờ khéo tay hay làm, trải qua dăm năm nó đã phát triển được nghề nghiệp, có vốn liếng kha khá, khách khứa kéo đến ùn ùn. Đến nay vợ chồng, con cái đề huề, kinh tế vững chắc, thỉnh thoảng cả nhà đi du lịch Thái Lan, Singapore... Nếu năm ấy nó nghe mẹ đi học ngoại ngữ chắc đến giờ vẫn chưa tốt nghiệp - chưa nói đến chuyện có lọt được vào cổng trường đại học ngoại ngữ không nữa?
TIN BÀI LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: