Thú thật mỗi lần nghe mẹ chồng tôi gọi “sang đây mẹ nhờ tí” là tôi nổi gai óc. Lần này cũng vậy. Tôi cẩn thận hỏi lại: “Gấp không hả mẹ?”. Bà bảo tôi sang ngay.
Vậy là tôi lật đật chạy qua. Vừa bước vào phòng khách, thấy Phú ở đó, tôi lờ mờ đoán ra mọi chuyện. Chồng tôi cầu cứu mẹ nhưng tôi đã quyết rồi, nhất định sẽ không dễ bị lung lạc.
“Dù gì thì tụi con cũng đã ăn ở với nhau cả chục năm rồi, giờ đâu phải nói bỏ là bỏ”- mẹ chồng tôi mào đầu. Tôi liếc nhìn chồng tôi đang ngồi khép nép một góc bỗng thấy trong lòng trào lên một cảm giác chán ghét thật khó tả.
Tôi nói với mẹ chồng: “Ảnh đã không coi con ra gì thì có nắm níu cũng vô ích mẹ à. Đời thuở nào chồng ngoại tình mà còn thách thức vợ. Con xin lỗi mẹ, nếu là mẹ, mẹ có chịu nổi không? Riêng con thì không”.
Mẹ chồng tôi lại ngọt ngào: “Cái này cũng có phần lỗi của mẹ. Năm ngoái mẹ bảo tụi con đưa tiền sửa nhà nhưng con không chịu đưa, mẹ phải bảo nó mượn người ta. Nó qua lại rồi mới sinh chuyện”.
Hừ, bây giờ lại còn đổ thừa nữa! Tôi đứng dậy: “Con không muốn đôi co nữa. Con xin phép về”. Nói rồi tôi quay sang Phú: “Khi nào tòa mời, anh nhớ tới đó”. Đến lúc này chồng tôi mới mở miệng: “Anh lỡ lời thôi, em làm gì mà giận dữ vậy? Chén trong chạn còn khua mà…”.
Tôi làm thinh ra khỏi nhà, còn nghe mẹ chồng nói với theo: “Rồi tụi bây có trả nợ cho mẹ không? Muốn người ta cào nhà tao hả?”. Cào thì cào, ai biểu nghèo mà thích đua đòi. Tôi vừa đi, vừa nghĩ bụng.
|
Ảnh minh họa. |
Chuyện đời thật lạ. Lúc bình thường thì không sao chứ lúc có chuyện hờn giận thì những buồn tủi, giận hờn xa lắc xa lơ trong quá khứ bỗng ùa về. Nó giống như tình tiết tăng nặng của một vụ án mà người có quyền phán xử cứ muốn tìm thêm càng nhiều càng tốt.
Tôi nhớ ngày mới quen Phú, khi anh đưa tôi về ra mắt gia đình, mẹ anh cứ hỏi mãi về chuyện nhà tôi có mấy mẫu đất, nhà lá hay nhà tường, thu hoạch mỗi năm được bao nhiêu tiền. Hồi đó tôi đã thấy khó chịu nhưng cũng nghĩ người ta thật tình nên nói hết, rằng nhà ba mẹ tôi rất nghèo, chỉ có mấy công ruộng, mẹ tôi buôn bán lặt vặt thêm, mấy đứa em tôi còn nhỏ…
Kết quả là bà không đồng ý cho chúng tôi lấy nhau. Nhưng khi ấy Phú rất yêu tôi. Anh bảo: “Em đừng để ý mẹ nói gì. Bây giờ anh với em cứ ra phường đăng ký là xong. Tụi mình lớn hết rồi, chẳng cần phải xin phép ai”.
Tôi nghe Phú nói có lý nhưng còn ba mẹ tôi thì sao? May là ba mẹ tôi thương con và cũng nghĩ nhà mình nghèo, nếu tổ chức đám cưới rình rang thì cũng không có tiền làm. Vậy là ba tôi quyết định làm mấy mâm cơm đãi bà con lối xóm. Sau đó chúng tôi thuê nhà ở với nhau.
Mẹ chồng tôi biết được tìm tới chửi mắng thậm tệ. Bà đòi bắt con trai về. Tôi lại phải dọn đi nơi khác để trốn. Mãi đến khi tôi sinh bé Mai thì bà mới cho hai cha con về, còn tôi thì vẫn bị cấm cửa.
Ở đời không ai biết trước mọi việc. Ngay lúc đó, một người bác họ của tôi ở nước ngoài qua đời, ông không có con nên để lại toàn bộ tài sản cho ba mẹ tôi. Tôi cũng có phần trong đó. Ngôi nhà chúng tôi đang ở mua bằng tiền ba mẹ tôi cho.
Ít lâu sau thì mẹ chồng chủ động đánh tiếng bảo tôi về. Vậy là từ đó, tôi phải è cổ gánh thêm nhà chồng. Nhất cử nhất động gì, mẹ chồng tôi cũng vin vào cớ chồng tôi là con trai trưởng, có trách nhiệm phải lo. Trời ơi, ngoài căn nhà thì tôi có gì đâu? Cuộc sống hàng ngày vẫn trông chờ vào đồng lương của hai vợ chồng.
Công bằng mà nói, lương tôi khá cao nên chi xài cũng thoải mái. Tôi nghĩ cha mẹ nào cũng là cha mẹ, hơn nữa, tôi còn nghĩ tình Phú đã cãi lời cha mẹ để lấy tôi, thôi thì cứ lo cho tròn phận sự. Nào ngờ họ cứ lấn tới, hết đòi cái này lại đòi cái kia. Không ít lần, vợ chồng tôi cãi nhau cũng vì mẹ anh vòi tiền, vòi mau sắm thứ này thứ kia trong lúc tôi không có tiền.
Năm ngoái, mẹ chồng tôi đòi sửa nhà. Bà bảo vợ chồng tôi cho vay 500 triệu đồng. Tôi lấy đâu ra từng ấy tiền? Lần đó, tôi kiên quyết nói “không” bởi tôi không muốn mang công, mắc nợ vì để có số tiền đó, tôi chỉ có cách thế chấp nhà để vay.
Vậy là bà xúi Phú đi mượn chỗ khác. Kết quả là, Phú đã tằng tịu với người phụ nữ kia. Khi tôi biết được, mới đầu anh còn chối nhưng sau đó thừa nhận và còn thách tôi ly dị.
Ai đã ở vào hoàn cảnh tôi thì có thể hiểu được cảm giác của tôi lúc đó. Vừa đớn đau, vừa uất hận. Và tôi quyết định gởi đơn ra tòa.
Cứ tưởng anh sẽ thấy thoải mái vì đã đúng sở nguyện, nào ngờ người phụ nữ kia bỗng quay ngoắc 180 độ. Cô ta quyết liệt đòi tiền và dọa kiện ra tòa nếu mẹ chồng tôi không trả số tiền đã vay. Có lẽ đó mới chính là lý do bà xuống nước, gọi tôi sang và năn nỉ dùm con trai mình. Nhưng lòng tôi đã quyết. Nhất định tôi sẽ giải thoát cho mình bởi tôi cảm thấy anh thật bạc bẽo.
Thế nhưng khi ra tòa, vị thẩm phán cứ tỉ tê. Bà hỏi những câu gợi cho tôi nhớ kỷ niệm những ngày gian khó, lúc anh cãi lời gia đình để lấy tôi, lúc hai vợ chồng nhường nhau con cá, miếng thịt…
Bà nói đàn ông rất nhẹ dạ, hễ bị phụ nữ dỗ ngọt là thua rồi bà khuyên tôi nên cho anh một cơ hội. Vị thẩm phán dẫn chứng rất nhiều trường hợp sau sóng gió thì vợ chồng càng hiểu nhau, yêu thương nhau hơn.
Đặc biệt, Phú đã xuống nước hoàn toàn, năn nỉ tôi tha thứ và hứa từ nay không bao giờ tái phạm. Anh cũng nói sẽ không bắt tôi phải nặng gánh gia đình anh như từ trước tới nay. Cuối cùng anh cũng mong tôi cho anh một cơ hội để chứng minh mình thành tâm hối cãi.
Ở tòa án về, tôi lại phân vân. Chuyện ngoại tình thì tôi cũng đồng ý với bà thẩm phán rằng đàn ông rất dễ dụ. Nếu ai đó ngọt ngào, chìu chuộng một chút thì họ đã tưởng họ là vua…
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là tôi quá oải với gia đình anh, với mẹ anh. Nếu nghe lời bà thẩm phán thì chẳng lẽ tôi phải tiếp tục chịu đựng bà mẹ chồng tai oái của tôi sao?
Tôi thật sự rất băn khoăn. Mẹ chồng tôi chính là động lực khiến tôi quyết liệt muốn ly hôn nhưng bây giờ thì bà cũng xuống nước năn nỉ rất tội nghiệp. Điều khiến tôi đắn đo là không biết màn diễn của mẹ chồng tôi là thật hay giả?