Tại hội thảo về bình đẳng giới do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP HCM tổ chức mới đây, bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng Phòng Bình đẳng giới, Sở LĐ-TB-XH TP, nhận định: “Đàn ông cũng có thể làm việc nhà, việc bếp núc, chăm sóc con cái và phụ nữ cũng có thể đi kiếm tiền, làm trụ cột gia đình… Tuy nhiên, những suy nghĩ tiến bộ này mới chỉ dừng lại ở lời nói hoặc trong ước muốn mà thôi”.
Quan niệm cũ khó dứt
Theo bà Thanh, những định kiến về giới luôn được xem là “hòn đá tảng” gây cản trở, khó khăn cho việc thực hiện bình đẳng giới hiện nay, đặc biệt là bình đẳng giới trong gia đình.
Đồng cảm với nhận định của bà Thanh, chị Kim Quý - trưởng phòng kinh doanh một công ty thương mại tại quận Phú Nhuận, TP HCM - cho rằng: “Cuộc sống càng hiện đại, người phụ nữ càng tham gia nhiều lĩnh vực trong xã hội, càng nắm giữ những vị trí quan trọng thì gánh nặng của họ càng nặng nề, càng khó bình đẳng vì phải chu toàn cả việc cơ quan và gia đình”. Chị Quý kể: Hơn 2 năm trước, chồng chị làm ăn thất bại và thất nghiệp. Dù anh ở nhà cả ngày nhưng chỉ giúp chị đưa đón các con đi học còn việc nhà vẫn một mình chị đảm đương hết bởi quan niệm của anh “Đàn ông mà rửa bát, quét nhà thì chỉ có vứt”. Đã vậy, dù là người lo về kinh tế cho gia đình nhưng mọi việc chi tiêu lớn nhỏ trong nhà chị phải nhất nhất tuân theo anh bởi quan niệm “chồng chúa, vợ tôi” của chồng.
|
Ảnh minh họa. |
Nói về bình đẳng trong gia đình, anh Khải - giám đốc một công ty bất động sản tại quận 7, TP HCM - phán: “Ông trời đã định sẵn thiên chức cho đàn ông và đàn bà, làm sao thay đổi được”. Chị Thịnh, vợ anh, hiện đang là phó khoa của một trường đại học có tiếng ở TP nhưng theo lời anh kể, sáng sáng chị vẫn phải xỏ giày cho chồng, xách cặp tiễn anh ra tận xe. Tối đến, khi anh về, chị phải luôn có mặt ở nhà đợi sẵn. Bữa nào chị có việc đột xuất về muộn, dù có báo trước hay không thì không “cháy” điện thoại cũng “cháy” nhà!
Tôn trọng nhau để có bình đẳng
Khi còn bé, chị Hồng Phượng (ngụ tại quận Tân Bình, TP HCM) thường bất bình khi chứng kiến cảnh bố chị cứ ăn cơm tối xong là lên xem tivi bỏ mặc mẹ chị lúi húi dọn dẹp hàng hóa, nhà cửa, tính toán thu chi, chuẩn bị thức ăn sáng mai… Khi mẹ chị xong việc thì đã gần nửa đêm. Thời ấy, chị không thể hiểu nổi tại sao mẹ chị lại có thể vui vẻ làm việc mà không một lời than trách bố, cũng không hiểu nổi sao bố lại có thể vô tâm đến thế. Nhưng khi lập gia đình, chị đã hiểu. Chị Phượng tâm sự: “Chồng tôi hễ bận bịu thì thôi, rảnh tay là anh tranh thủ giúp việc nhà. Biết chồng lăn lộn bên ngoài mệt mỏi, tôi không bao giờ bắt anh phải bình đẳng việc nhà nữa. Có lẽ ngày xưa mẹ tôi cũng vậy”. Chị Phượng đã nghiệm ra một điều: Bình đẳng giữa vợ chồng không phải là phân chia để hai người ngang bằng nhau mà là quan tâm, hỗ trợ nhau cùng làm tốt việc của mình.
Sau 39 năm chung sống hạnh phúc, bà Nguyễn Thi Minh (nhà ở đường Phan Huy Ích, quận Gò Vấp, TP HCM) đúc kết: Trong gia đình, thay vì đòi bình đẳng ngang bằng nhau thì vợ chồng cần nhận ra vai trò, sự khác biệt và trân trọng giá trị của nhau. “Cứ chăm chăm đi tìm sự bình đẳng, có khi mình chỉ tìm thấy sự ấm ức, bất mãn. Tôn trọng vai trò của mỗi người trong gia đình và thương yêu lẫn nhau thì mọi sự phân chia công việc trong gia đình đều trở nên dễ dàng hơn” - bà Minh chia sẻ.