Mua quà gì rồi đến việc chúc Tết như thế nào để được lòng bố mẹ chồng tương lai là những vấn đề vô cùng nan giải với những cô gái sắp lên xe hoa.
Thu Thủy, nhân viên ngân hàng tâm sự: “Mình và Khánh yêu nhau được 4 năm nhưng chỉ vài lần về nhà Khánh chơi. Chúng mình dự định ra Tết sẽ tổ chức đám cưới. Tết này, Khánh đòi dẫn mình về ra mắt. Mình đang vừa hồi hộp vừa lo lắng”.
Rất nhiều bạn nữ cũng có cùng tâm trạng như Thủy. Khác với ngày thường, dịp Tết ở nhà sẽ rất đông người hơn nữa, phong tục chúc Tết ở từng gia đình lại khác nhau. Từ việc dùng cơm, đến mừng tuổi, quà biếu Tết là cả một vấn đề khiến các cô gái đau đầu.
Tới chơi nhà người yêu nhiều lần nhưng trong dịp Tết này, Phương Thủy đang băn khoăn không biết sẽ ra mắt và chúc Tết thế nào. Thủy định sẽ mua quà và biếu Tết cho gia đình nhà chồng sắp cưới, nhưng lại lưỡng lự: “Chỉ cần anh ấy biếu quà tết nhà mình là đủ còn bản thân chỉ cần tặng quà cho bác gái (mẹ chồng tương lai) và lì xì cho mấy đứa nhỏ”.
|
Ảnh minh họa. |
Công việc của một cô giáo mầm non với số lương ít ỏi nên Thủy cũng không thể tiêu hoang. Tuy nhiên, những thứ đó là lễ nghĩa cần thiết nên Thủy cũng không biết phải làm sao?.
Trường hợp của Vân Anh còn khó nghĩ hơn. Vân Anh và Tùng đã hẹn ước, tuy nhiên bố mẹ Tùng không đồng ý về dự định kết hôn của hai đứa. Điều đó khiến Vân Anh vừa lo sợ vừa thấy nản khi mà phải đến ra mắt trong Tết này. Vân Anh chia sẻ: “Gia đình nhà Tùng có tiếng gia trưởng, lại đông anh chị em. Thể nào Tết này mình đến, mọi người cũng săm soi và bàn tán...”
Với bản tính thẳng thắn, Vân Anh không phải là người khéo ăn khéo nói, nấu nướng cũng không giỏi nên Tùng cũng rất lo lắng và thường xuyên bắt cô phải tập dượt để chuẩn bị cho buổi ra mắt. Chính bởi điều đó mà nhiều khi gây áp lực cho cả hai.
Trường hợp của Lan Phương lại khác, đã hứa với bố mẹ chồng tương lai là Tết này xuống thăm và chúc Tết nhưng vì lịch đi công tác đột xuất mà Phương không về được. Phụ huynh của chồng sắp cưới không hài lòng và nhắn lời với con trai nếu Tết này Phương không về thì không cho cưới. Thậm chí bố mẹ chồng sắp cưới còn gọi điện cho bố mẹ Phương nhắc khéo, Phương đành ngậm ngùi viết đơn xin phép gửi tới công ty và về quê ra mắt trước.
Câu chuyện của Thùy An cũng không kém phần "nhức nhối". Lan là gái miền Trung, chuẩn bị làm dâu đất Bắc. Tết này, gia đình chồng sắp cưới đòi An ở lại Hà Nội ăn Tết tiện thể ra mắt họ hàng. “Giờ mình chưa phải phận dâu chính thức, sao dám ở lại ăn tết? Hơn nữa gần kết hôn rồi, mình muốn về nhà sum họp với bố mẹ, bản thân chưa có sự chuẩn bị tâm lý nên không biết phải xử sự sao?", An tâm sự.
Nhắc đến chuyện ra mắt nhà chồng dịp Tết, Liên không thể quên được buổi chiều Mùng 3 năm đó. Nhà người yêu cô là trưởng tộc, nên lần đầu tiên ra mắt cô đã "chết ngập" trong núi bát đĩa. Vốn là gái Hà thành quen được chiều chuộng, Liên mỏi nhừ, hoa cả mắt khi hùng hục vào bếp chuẩn bị thức ăn từ sáng và rửa bát tới tận 2 giờ trưa. Vừa tủi thân vừa bực mình chồng sắp cưới, Liên chạnh lòng suy nghĩ không biết kết hôn rồi sẽ sao?.
Nhiều khi Tết lại trở thành nỗi ám ảnh với những cô dâu tương lai. Tuy nhiên mỗi cô gái đều cần chuẩn bị cho mình một tâm lý cũng như kiến thức ứng xử tinh tế để phù hợp, đẹp mặt trong mắt nhà chồng sắp cưới.