Dạy con từ những bữa cơm
Chị Lê Thanh Huyền (Phù Ninh, Phú Thọ) nổi tiếng trong khu chị ở bởi sự chăm chút con kỹ lưỡng, cẩn thận, đặc biệt là bữa ăn. Chị tâm sự: "Nhiều người cứ bảo tôi cầu kỳ quá khi thấy tôi lắm lúc đầu tắt mặt tối mà vẫn kỳ cụi ngồi chế biến đồ ăn, rồi dỗ dành, kiên nhẫn ngồi chơi, nói chuyện cùng con, dỗ con ăn, nhưng tôi thì lại nghĩ, để cho con mạnh khoẻ, phát triển tốt thì tôi không ngại điều gì".
Chị Huyền bảo, trong ký ức của chị bây giờ chị vẫn nhớ như in những món ăn được mẹ nấu cho ăn ngày thơ bé. "Ngày đó nghèo lắm, có gì cao sang đâu, chỉ là cái bánh sắn được mẹ quyết thêm tí hành mỡ ăn những ngày thiếu đói, bát canh cua bố đi móc được ở ngoài đồng, đĩa tép kho anh trai đi cất vó ngoài đồng mùa nước lên... lại có khi chẳng có món gì ngoài tô canh rau dền đỏ, mẹ nói là để tô màu cho cơm thế mà ăn ngon lành, và nghĩ lại bao giờ cũng thấy rưng rưng. Vì lại tưởng tượng đến cảnh cả nhà sum họp, anh chị em nhường nhau từ miếng tóp mỡ trong đĩa rau xào, vừa ăn vừa trò chuyện... thấy yêu, nhớ gia đình mình hơn. Tôi rất muốn con gái tôi sau này lớn lên có được những cảm xúc như tôi khi nghĩ tới gia đình", chị Huyền chia sẻ.
Chính vì suy nghĩ đó, mà trong bữa cơm, khi nấu những món truyền thống, chị thường kể cho con nghe "sự tích" về món ăn đó, rằng xưa bà ngoại đã nấu cho mẹ ăn thế nào, các bác, cậu, dì đã đùa nghịch ra sao, để con có cái nhìn, hình dung về một "gia đình lớn" của cháu. Dù con chỉ mới có 5 tuổi, nhưng chị thường hỏi cháu thích ăn món gì và cố gắng chế biến theo khẩu vị của con để con có cảm giác được tôn trọng, yêu thương.
"Đặc biệt, tôi còn hay kể cho cháu nghe về nguồn gốc của những món ăn, khi xem ti vi, sách báo nói về những bạn nhỏ ở những nơi còn thiếu đói, tôi cũng chỉ cho cháu xem, giảng giải để con hiểu và biết quý trọng hạt gạo, những đồ ăn... từ đó không phung phí. Tôi coi, mỗi bữa cơm là cơ hội để dạy con những bài học đầu đời", chị Huyền nói.
|
Chiều chiều, hai mẹ con thường ra cổng ngóng bố về ăn cơm. |
Đợi chồng về mới ăn
Một điều khó khăn đối với chị Huyền, đó là chồng chị đi làm cách nhà 70km. Từ sáng sớm, anh bắt xe ô tô đi làm. Thời gian này anh hay làm tăng ca, thường 8, 9h tối mới về. Cứ tưởng, anh về muộn thế thì hai mẹ con chị sẽ ăn cơm trước, nhưng chị cười: "Với cháu Bông, thì tôi đành phải cho con ăn trước thật. Nhưng tôi thì bao giờ cũng đợi anh về mới ăn. Vì nghĩ, anh đi làm vất vả, về lại lủi thủi ngồi ăn một mình sẽ chẳng ngon lành gì, nên dù muộn mấy tôi cũng vẫn đợi anh về".
Còn một lý do nữa khiến chị Huyền luôn không muốn ăn cơm trước là "cả ngày hai vợ chồng đã xa nhau, chỉ có bữa cơm mới là lúc chia sẻ cho nhau nghe đủ thứ chuyện, từ công việc đến nhà cửa, con cái. Hơn nữa, sự đợi chờ của mình sẽ khiến chồng có cảm giác ấm áp, từ đó mà tình cảm vợ chồng gắn kết hơn".
Tôi hỏi chị, là phụ nữ thường rất ngại ăn muộn vì sợ tăng cân, ảnh hưởng tới nhan sắc, chị có sợ không, chị cười: "Tôi cũng biết ăn muộn là không tốt cho sức khoẻ, nhưng vì chồng vì con vậy. Hoàn cảnh mà, biết làm sao. Thôi thì chồng cứ còn thích về ăn cơm vợ nấu, không lang thang nhậu nhẹt là quý lắm rồi".
Những bữa cơm gia đình không chỉ tốt, an toàn về mặt dinh dưỡng mà nó còn có tác dụng gắn kết tình cảm giữa các thành viên với nhau. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, ở những trẻ được lớn lên từ những bữa cơm gia đình thì khi trưởng thành thường sẽ biết trân trọng tình cảm gia đình và có xu hướng nuôi dạy con cái như vậy. Tuy nhiên, thời hiện đại, do sức ép của công việc nên tùy vào điều kiện, hoàn cảnh của từng nhà, không nên cứng nhắc ép buộc tất cả các thành viên phải cùng ăn hằng ngày sẽ gây ức chế. Nên thu xếp để có sự phù hợp nhất, có thể là vào thứ 7, chủ nhật.
Chuyên gia tâm lý Vũ Thiện (trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nam Định)
|
BÀI LIÊN QUAN