Cuộc sống hiện đại thay đổi từng ngày, nhưng ở nhiều gia đình, dòng họ, việc nối dõi tông đường đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người. Và nạn nhân - những phụ nữ trí thức mạnh mẽ ngoài xã hội nhưng vẫn khó lòng bỏ qua “ải” cháu đích tôn...
Nỗi buồn không của riêng ai
Chị Ngọc Anh, biên tập viên một chuyên san lớn về gia đình cho biết, chồng chị là "độc đinh" nên tiếng ở Hà Nội, nhưng hầu như tháng nào anh chị cũng phải về lo việc hiếu, hỉ, lễ lạt... Mà đã về quê thì vai vế đâu ra đó, chồng chị luôn ở vị trí nhất nhì trong họ, việc gì cũng được "bẩm báo" (dù tuổi vợ chồng chị còn khá trẻ), rồi ngồi chiếu trên...
Trong khi đó, hai vợ chồng sau 10 năm chung sống, anh chị đã có 2 công chúa. Dòng họ, mọi người đều đã biết sự cố gắng của chị nhưng xem ra chị vẫn còn phải cố... nữa khi không ít người trong họ vẫn than vắn than dài vì chưa có trưởng họ tương lai.
Cứ mỗi lần nghĩ tới cả dòng họ nhà chồng đang trông chờ vào mình là muôn nỗi hoang mang lại ập về trong chị...
|
Ảnh minh họa.
|
Chị T.H tuy là tổng biên tập một tờ báo ở trung ương, nhưng nỗi buồn với dòng họ vì chưa đẻ được con trai cũng không khác gì nữ đồng nghiệp nói trên. Quê chồng chị ngay gần Thủ đô những vẫn nặng hủ tục nên tuy là người giữ và viết gia phả dòng họ, nhưng chồng chị không được phép viết tên hai đứa con gái của mình vào gia phả vì con gái là "con người ta".
Chị Oanh Lan phóng viên một tờ báo địa phương thì có may mắn hơn nhưng cuộc sống vợ chồng cũng chan đầy nước mắt vì cái tiếng sinh toàn “con người ta”. Chị quen anh trong một lần tới chính nhà anh làm phóng sự, rồi thời gian ngắn sau đó là đám cưới.
Bởi kết hôn muộn nên lấy chồng xong chị làm "một lèo" ba năm hai con gái. Sức khỏe yếu sau lần sinh thứ hai, nhưng rồi, vì áp lực nhà chồng, chị phải cố đẻ đứa thứ ba. May mắn đứa này là con trai, chứ không với thể trạng yếu ớt, không biết chị sẽ tiếp tục vai trò “máy đẻ” ra sao...
Không gieo “nhân” vẫn buộc phải gặt “ quả”
Cũng vì “chỉ thị” phải sinh con trai, có rất nhiều người phụ nữ dù không gieo “nhân” vẫn phải gặt “ quả” như hai câu chuyện dưới đây.
Chị Vân Anh ở khu tập thể Thành Công, HN, phá thai đã tới lần thứ hai vì giới tính của thai nhi là gái. “Mình luôn tự trách bản thân vì đã làm chuyện thất đức, bỏ đi đứa con ruột thịt của mình. Nhưng không thể không có con trai, mà sinh con thứ ba thì chồng bị giáng chức. Bố mẹ chồng thì luôn miệng bảo khi nào nhìn thấy cháu đích tôn thì nhắm mắt mới yên lòng được”, chị Vân Anh chia sẻ.
Còn chị Hường ở quận Ba Đình, HN lại rơi và hoàn cảnh đau lòng hơn bởi lấy nhau vài năm rồi mà họ không có con. Mẹ chồng chị ngấm ngầm bật đèn xanh cho con trai đi tìm cháu trai "ngoài luồng". Ngày hay tin thai nhi “giống bố”, chồng và mẹ chồng chị đã không thể kìm nén sự sung sướng trước mặt chị.
Rồi mẹ chồng chị an ủi: “Thôi thì người ta vậy là giúp đỡ nhà ta nên con phải biết ơn!”. Và điều gì đến đã phải đến, không chịu nổi cảnh mình bị ghẻ lạnh như kẻ hầu người hạ, chị đã quyết định ly hôn để chồng tiện bề chăm sóc con trai sắp chào đời.
Cuộc sống hiện đại đã thay đổi từng ngày, nhưng ở nhiều gia đình, dòng họ việc nối dõi tông đường đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người. Và nạn nhân - những phụ nữ trí thức mạnh mẽ ngoài xã hội nhưng vẫn khó lỏng bỏ qua “ải” cháu đích tôn, nên họ bắt buộc phải tìm cách sinh cho được con trai vào những lần sinh sau. Đây cũng là lý do khiến tỷ lệ nạo phá thai ở Việt Nam tăng báo động trong những năm qua.
Ham muốn con trai, dẫn đến chênh lệch giới tính – đó là hình ảnh hiện tại. Còn viễn cảnh tương lai, sẽ là việc gia tăng quy mô các hoạt động bắt cóc và buôn bán phụ nữ, buôn bán trẻ em gái. Phụ nữ trở nên đắt giá, bị “giành giật” và sẽ phải kết hôn sớm hơn…