Đó chính là giết người không gươm đao…

Google News

Những chuyện anh làm đúng là một kiểu giết người không gươm đao. Nó chọc thẳng vào trái tim tôi, làm cho nó rỉ máu…

Tôi đã từng là một người vợ hạnh phúc. Chúng tôi cưới nhau ngay khi hai đứa mới ra trường. Ngày đó cách nay 18 năm. Khi đó cuộc sống còn rất khó khăn.
Tôi nhớ khi mang thai đứa con đầu, một bữa trưa nọ, tôi đang nằm trong nhà thì nghe có tiếng rao của bà bán bánh bò, bánh chuối. Tôi chồm dậy. Cơn thèm bị dồn nén mấy ngày qua ùa về. Hôm nay tôi nhất định phải mua một dĩa thật đầy, gồm đủ các loại bánh bò, bánh chuối, chuối nước dừa, bánh khoai mì, bánh bột lọc nhân đậu xanh…
Tôi nhất quyết phải ăn cho đã cơn thèm và để mai mốt đứa con tôi sinh ra sẽ không bị chảy nước miếng trong như người ta thường nói về những đứa trẻ thiếu đói trong thời kỳ mẹ chúng mang thai.
Thế nhưng khi ra đến cửa rào, tôi khựng lại. Sau một hồi chần chừ đủ lâu để bà bán bánh đi khỏi, tôi quay vào nhà nằm vật xuống. Những giọt nước mắt không cố ý tự dưng trào ra. Tôi nghĩ, không ăn bánh thì cũng không sao nhưng mình phải nhịn thèm để dành tiền mua thêm miếng thịt, con cá cho chồng. Anh ấy cần tẩm bổ vì phải làm việc cực nhọc trên công trường.
Ảnh minh họa. 
Quân, chồng tôi là kỹ sư xây dựng nhưng khi đó anh phải chấp nhận làm công nhân vì xin việc chỗ nào người ta cũng đòi lý lịch tốt trong khi anh sinh ra trong gia đình sỹ quan chế độ cũ.
Do ăn uống thiếu thốn, tôi sinh bé Na chỉ có 2,2 kg. Nhìn cháu ngoại như con mèo hen, cha tôi an ủi: “Không sao đâu con, ra ngoài rồi nuôi nó lớn mấy hồi”. Đến lúc ấy cha mới biết do tôi ăn uống quá thiếu thốn nên đứa bé nhẹ cân. Chỉ có điều, cha không hề biết tôi đã nhịn miệng cho chồng.
Rồi cuộc sống cũng đỡ vất vả hơn. Bé Na lớn một chút, tôi gởi nhà trẻ và đi làm. Công việc của Quân ổn định hơn vì anh vốn có tài. Chúng tôi thuê căn nhà rộng rãi hơn, cuộc sống thoải mái hơn. Có lần Quân bảo tôi: “Công nhận em giỏi thiệt. Nếu không có em thu vén thì chắc bây giờ mình vẫn khó khăn. Mấy người bạn ra trường cùng khóa với anh giờ vẫn lông bông, công việc còn chưa có, nói gì đến vợ con, nhà cửa…”.
Tôi thầm cảm ơn anh đã đánh giá đúng công sức và sự hi sinh của tôi cho gia đình. Tôi nghĩ đó chính là chất kéo kết dính tình nghĩa của chúng tôi mãi mãi.
Rồi tôi sinh đứa con thứ hai. Anh bỗng nảy ra ý định: “Thôi, em cứ ở nhà nghỉ cho khỏe, chăm sóc con để anh yên tâm ra ngoài kiếm tiền”. Thoạt đầu tôi không chịu vì tôi sợ nếu chỉ để một mình anh lo kinh tế thì sẽ vất vả. Nhưng anh khăng khăng: “Anh lo được, em cứ ở nhà. Khi nào lo không nổi, anh sẽ nói với em”.
Cuối cùng rồi tôi cũng phải xin nghỉ việc ở nhà trông con. Niềm vui của tôi là buổi sáng đưa đứa lớn đi học rồi ghé ngang chợ mua thức ăn, sau đó về nhà dọn dẹp, cơm nước, chăm đứa nhỏ… Đôi khi tôi cũng buồn nhưng nghĩ đây cũng là công việc, đồng thời còn là sự hi sinh vì chồng, vì con…
Thế nhưng tôi đã sai lầm. Những bữa trưa anh về nhà ăn cơm thưa dần. Rồi đến những buổi chiều, bàn ăn chỉ có 3 mẹ con. Tôi nhìn những món ăn mình chăm chút làm mà trào nước mắt. Tôi đã làm những thứ đó với hi vọng khi anh ngồi vào bàn ăn sẽ thấy ngon miệng, thấy được tình yêu thương tôi dành cho anh…
Thế nhưng anh chẳng bao giờ nhận ra điều đó. Lên bàn ăn, anh lơ đễnh rồi nhanh chóng buông đũa. Anh cũng không chuyện trò, trêu đùa với con. Có lần tôi hỏi thì anh bảo do công việc ở công ty nhiều quá, lúc này anh đã là phó giám đốc nên rất nhiều áp lực.
Tôi muốn chia sẻ với anh, ít ra thì cũng là chuyện trò, thăm hỏi, động viên… nhưng mỗi lần tôi hỏi han thì anh lại gạt đi: “Chuyện của anh, em biết gì mà hỏi? Thôi, đi lo cho mấy đứa nhỏ đi, nó làm ồn ào, anh mệt quá”. Tôi lẳng lặng quay ra ôm con. Anh đã quên rằng, tôi và anh học cùng lớp, cùng trường. Ngành xây dựng của anh thì có gì xa lạ với tôi? Thậm chí ngày đi học, tôi còn học giỏi hơn anh...
Rồi điều gì phải đến đã đến. Anh có bồ nhí bên ngoài. Ban đầu anh còn giấu giếm nhưng sau đó công khai thừa nhận: “Đàn ông nào cũng vậy, miễn là anh đem tiền về đầy đủ cho em, cần gì em phải làm lớn chuyện kia chứ?”. Khi một người đàn ông đã dứt tình thì họ thật tàn nhẫn, phũ phàng. Họ luôn thấy việc làm của mình là có lý và cho rằng lỗi lầm thuộc về đối phương.
Chồng tôi cũng vậy. Anh đổ thừa tôi không biết chăm sóc bản thân, không nói năng dịu nhẹ; không quan tâm chồng làm gì, nghĩ gì… Anh còn rất nhiều lý do khác, trong đó có lý do tôi không biết chiều chuộng anh trong chuyện chăn gối… Khi nhớ lại những điều anh đã nói, tôi không thể nào ngăn được mình đừng khóc. Lời nói tuy nhẹ nhàng nhưng đó chính là một cách giết người tinh vi, tàn nhẫn nhất…
Chưa hết, anh còn công khai đi lại với người phụ nữ ấy đến những chỗ quen biết trước đây của chúng tôi. Chẳng biết cô ta nói gì mà những người quen khi gặp tôi đều nói rằng, tôi quá ngu dại khi bỏ Quân. Trời ơi, tôi bỏ anh khi nào? Chỉ có anh tham sang phụ khó, tham vàng bỏ ngãi, mê đắm sắc dục mà ruồng bỏ vợ con chớ tôi bỏ anh khi nào?
Điều đó như giọt nước tràn ly. Tôi nghĩ mình quá ngu dại khi cứ sợ làm mất danh dự của chồng nên cứ im lặng. Tôi nhất định phải làm cho ra lẽ. Tôi đến thẳng công ty gặp anh và cô gái đó. Thế nhưng anh đã cho bảo vệ mời tôi về. Tôi không về mà ngồi lì ở cổng công ty. Cuối cùng anh phải xuất hiện.
Câu đầu tiên, anh nói với tôi là: “Về viết đơn ly hôn đi”. Khi nói điều này, vẻ mặt anh đanh lại trông rất dữ dằn. Tôi bỗng luống cuống: “Em chỉ muốn gặp anh và cô ta để nói chuyện phải quấy…”. Anh ghé sát tai tôi: “Tôi chán cô lắm rồi. Về đi, đừng để cho tôi thấy cái bản mặt hắc ám của cô nữa”.
Tôi nhìn sững anh. Rồi nước mắt cứ tuôn chảy. Những chuyện anh làm, những lời nói cay độc phũ phàng của anh đúng là một kiểu giết người không gươm đao. Nó chọc thẳng vào trái tim tôi, làm cho nó rỉ máu. Mười mấy năm vợ chồng, khi anh nói bỏ là bỏ…
Khi một người đàn ông đã muốn ra đi thì không gì có thể níu kéo. Tôi đã níu kéo trong vô vọng nhưng cuối cùng cũng phải buông tay. Tôi nói với người phụ nữ kia: “Các người là một lũ giết người. Rồi đây các người sẽ bị quả báo”.
Khi nói những điều này, tôi chỉ nghĩ đơn thuần theo lý luận nhân- quả mà người đời thường nói. Tôi đâu biết điều ấy đã linh ứng. Trong một lần họ đi với nhau, tai nạn đã xảy ra. Cô ta phải cưa mất một chân, mù một con mắt. Quân còn nặng hơn. Anh bị chấn thương sọ não, giờ cứ ngơ ngơ, ngẩn ngẩn…
Thoạt đầu tôi nghĩ đáng đời những kẻ giết người. Thế nhưng sau đó tôi thấy họ thật đáng thương. Có lần tôi gặp Quân đi lang thang ngoài đường. Tôi đã âm thầm đi theo anh cho đến khi thấy anh giở nắp thùng rác ven đường. Có lẽ anh đói và nghĩ đó là nồi cơm và anh giở nắp như những ngày hai đứa còn nghèo túng. Mỗi trưa đi làm về anh hay giở lồng bàn xem hôm nay được vợ cho ăn gì…
Tôi phải thú thật là mình rất mềm lòng. Tôi đưa anh về nhà. Hai đứa nhỏ thấy cha thì vừa ngạc nhiên, vừa đau xót. Bé Na rụt rè bảo tôi: “Mình cho ba ở lại đây nha mẹ”.
Tôi không trả lời con bởi lúc đó thương giận trong tôi đang trào lên. Hơn nữa, giờ đây tôi đã muốn có một cuộc sống khác. Những gì anh làm thì anh phải chịu trách nhiệm chứ sao lại bắt tôi phải gánh vác?
Khi phản bội tôi đi theo người khác, anh đâu nghĩ mình có ngày này… Nhận anh về chẳng khác nào tôi phải gánh lấy hậu quả tội “giết người” của anh và người tình của anh sao?
Theo Người Lao Động

Bình luận(0)