Choáng vì con bé tí đã ngang ngược

Google News

Bé sỗ sàng quát bác hàng xóm: “Mày không biết thì đừng có đụng vào, vỡ hết chậu hoa của bố tao giờ”...

5 tuổi, con mắng người lớn như hát hay

Khi nhắc đến nhà anh chị Hoàng – Lan (Q. Phú Nhuận, TP. HCM) không hàng xóm nào là không lắc đầu, lè lưỡi vì độ cong cớn của bé Mai (5 tuổi) - con anh chị. Theo những người hàng xóm gần nhà anh chị kể rằng “hễ ai mà đụng đến con bé, khiến nó bực mình là thôi, chỉ có nước muối mặt mà về nhà”.

Dò hỏi mãi thì những người hàng xóm này mới tiết lộ lý do khiến bé Mai không kiêng nể, lễ phép với ai là do chính cách giáo dục của cha mẹ bé. Họ cho biết trước đây, bé Mai rất ngoan, lại có vẻ ngoài xinh xắn, trắng trẻo nên ai cũng muốn bế bồng, cưng nựng. Nhưng khi bé càng lớn, từ lúc tập nói bi bô đến lúc nói sõi thì ai ai cũng giật mình vì độ chanh chua, thản nhiên chống tay quát người khác không chớp mắt.

“Có lần tận mắt chứng kiến mẹ con bé cười sằng sặc khi con bé cầm chiếc giầy ném vào bố rồi chỉ tay vào mặt mà mắng rằng “đồ ăn hại, chỉ giỏi đi gái là không ai bằng” tôi không khỏi giật mình. Nhớ lại trước đây, khi con bé vừa tập nói, mẹ nó đã dạy nói những câu rất khó nghe kiểu như: “con kia, bà đánh mày chết giờ”, “đồ ngu si”, “óc bằng quả nho hay làm bằng đất thế”… thì tôi hiểu tại sao con bé lại có kiểu mắng người như hát hay thế” – chị Hạnh, một người hàng xóm cho biết.

 Ảnh minh họa.

Choáng váng hơn là câu chuyện bé chống nạnh, đứng trước cửa nhà vanh vách “ca” nguyên cả bài chửi mất gà do mẹ dạy khi bị cậu bé hàng xóm lấy mất cái chong chóng. Hay bé sỗ sàng quát bác hàng xóm: “Mày không biết thì đừng có đụng vào, vỡ hết chậu hoa của bố tao giờ, đồ má”.

Được biết, đã có rất nhiều người góp ý với anh chị về cách dạy bé nhưng anh chị chỉ cười trừ và cho rằng: “Lớn lên tự khắc nó điều chỉnh, giờ nó đã biết gì đâu, nói cho hay ấy mà”. Góp ý mãi không được, dần dần những người hàng xóm tốt bụng đều cho con tránh xa vì sợ sẽ nhiễm phải thói xấu của bé Mai.

Con ngang ngược do cha mẹ

Chuyện của bé Thảo con anh Hùng, chị Hiền (Gia Lâm – Hà Nội) cũng không kém phần khiến người xung quanh phải choáng váng. Dù chỉ mới chuyển nhà đến đây chưa lâu nhưng cả con ngõ, có những người bé Thảo còn chưa quen mặt cũng phải tá hỏa khi nghe bé cứ nói một câu là chửi thề, được lúc lại xông vào đánh bạn hoặc cấu véo những người không làm bé vừa ý...

Không những thế, con bé sẵn sàng xông vào cướp đồ chơi của các bạn rồi chạy về nhà giấu tịt, những lúc không được thì ngồi bệt xuống đất khóc lóc, ăn vạ, không ai dỗ dành được.

Có nhiều hôm, chị giúp việc phải đi khắp xóm để xin lỗi vì không quản được con bé, để nó mang đất ném vào nhà người ta. Cũng không thiếu những hôm con bé đánh bạn u đầu rồi còn về mách với bố mẹ rằng bị bạn nọ, bạn kia trêu trọc.

Thấy con có lối hành xử không hay, anh chị Hùng – Hiền không những không uốn nắn lại con mà còn vào hùa dạy con những chiêu mới để trị bạn. Có lần chị giúp việc thấy sẽ không hay nếu dạy con theo kiểu của anh chị nên đã góp ý thì ngay lập tức chị Hiền tỏ thái độ bà chủ, lên mặt: “Chị biết gì mà nói, lo làm việc đi”. Bé Thảo vì thấy mẹ ngày nào cũng mắng bác giúp việc nên học theo rất nhanh. Lúc nào không muốn ăn cơm, thì bé cứ há miệng rồi phun khắp nhà, khắp người chị giúp việc. Chị giúp việc phê bình thì bé nghênh mặt lên quát: “Biết gì mà nói, làm việc đi”.

Những lúc như thế, anh chị vẫn vô tư cười, cho rằng con xử sự như thế không vấn đề gì. Chưa bao giờ anh chị nhắc nhở con về việc đúng sai qua từng sự việc cụ thể. Cũng chính vì lối dạy con không giống ai mà nhiều khi anh chị cũng phải méo mặt, bất lực đứng trân trân nhìn con chạy loạn trong nhà, miệng gào thét, tay ném đồ đạc từ tầng trên xuống tầng dưới.

Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ con giống như một tờ giấy trắng, nếu để trẻ tiếp xúc nhiều với môi trường không lành mạnh, đúng đắn thì chắc chắc ít nhiều gì trẻ cũng bị ảnh hưởng. Nếu cha mẹ là người không quan trọng việc uốn nắn con, giữ con khỏi những thói hư tật xấu thì bé sẽ ngày càng khó điều chỉnh lại được lối sống, suy nghĩ, hành động cũng như thái độ ứng xử với mọi người.

Các chuyên gia cũng khuyên cha mẹ nên tạo dựng cho con môi trường tốt để trẻ phát triển lành mạnh, tránh xa những lối suy nghĩ lệch lạc, phân biệt với những người xung quanh. Bằng những câu chuyện thực tế, cha mẹ có thể trò chuyện trực tiếp với con, sau đó hỏi con về cảm nhận của trẻ trong vấn đề đó (ví dụ như tình huống chửi bậy, giật đồ chơi của bạn…) rồi khéo léo phân tích cho con hiểu hành động nào là tốt hành động nào là xấu và khuyên con những việc nên và không nên làm.

TIN BÀI LIÊN QUAN:








ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Theo Afamily

Bình luận(0)