Bài học lớn từ thư tuyệt mệnh của một đứa trẻ

Google News

“… Con không muốn làm người phá rối trong gia đình… Đừng tìm con nữa. Khi mọi người tìm thấy con đã đi rồi. Vĩnh biệt”.

Những dòng chữ nguệch ngoạc của cô bé học lớp 5 (xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, Hậu Giang) được tìm thấy trong ngăn bàn, sau khi thi thể em được tìm thấy trên sông, chuyện vừa xảy ra mới đây đã  khiến nhiều người bàng hoàng đau xót. 

 Lá thư do em Trinh để lại.

Nỗi buồn đắng ngắt

Kết quả khám nghiệm của cơ quan công an cho thấy, em Trinh tử vong do ngạt nước. Cộng với lá thư để lại với nội dung muốn vĩnh biệt cuộc đời cho thấy tâm trạng của một đứa trẻ mới 11 tuổi đầu nhưng đã có những suy nghĩ rất tuyệt vọng.

Thông tin ban đầu cho biết, trước đó em bị mẹ mắng vì không làm bài tập nhưng đọc những dòng chữ của em lại thấy chất chứa nhiều điều xót xa: “Nếu không có con thì cả nhà sẽ hạnh phúc êm ấm rất nhiều. Con không muốn làm kẻ phá rối trong gia đình…”. Ngay cả lúc nói những lời vĩnh biệt, em vẫn đau đáu về đứa em nhỏ “cho con nói lời vĩnh biệt út Thật. Con không nhìn thấy út Thật lớn lên rồi”. 

Chắc em phải tổn thương lắm, phải cô đơn và đau khổ lắm khi viết những dòng chữ này. Đây có lẽ không phải lần đầu tiên mọi người nghe thấy một đứa trẻ tự tử vì bị bố mẹ la mắng hoặc bị ngược đãi, bị người thân, bạn bè, thầy cô… nghi ngờ, xa lánh. Đọc những dòng chữ này, nhiều người trong chúng ta và ngay cả chính cha mẹ em cũng không thể tin được rằng một đứa trẻ làm sao có thể và làm sao “dám” làm cái việc dại dột ấy. Nhưng nếu nhìn lại gần đây, có thể thấy số trẻ em tự tử vì bị đánh mắng, sỉ nhục, vì không ai hiểu mình đáng để chúng ta gióng lên hồi chuông báo động.  

Bất kể người làm cha, làm mẹ nào cũng muốn con mình trở thành người tốt, có ích cho gia đình và xã hội. Chính vì vậy những kỳ vọng của họ với con cái được đặt lên vai đứa trẻ ngay từ khi còn thơ bé. Điểm kém, thích chơi hơn học, thích được làm theo cách của mình là những điều nhiều ông bố, bà mẹ không cho phép được có ở con mình. “Chỉ có việc học thôi mà cũng không nên hồn. Điểm kém thì đừng trách tao ác”, “Sao con người ta học giỏi mà con mình ngu thế”, “thật xấu hổ, nhục nhã vì suốt ngày để tao bị nói là không biết dạy con”,… Nhiều câu nói đầy trách móc như thế hàng ngày gieo vào đầu con trẻ khiến chúng thấy mình thật xấu xa, tệ hại và không có giá trị. 

Hành vi tự tử của em Trinh được các nhà tâm lý cho rằng đó là hệ quả của sự trầm cảm. Việc dẫn đến hành vi dại dột này không chỉ từ việc bị mẹ mắng. Theo TS Nguyễn Hồi Loan, Trường Đại học KHXH&NV có thể em đã bị mắng mỏ, bị coi thường trong một thời gian dài dẫn đến trầm cảm mà gia đình và nhà trường không biết. Bên cạnh đó, ở tuổi 11 em đã bước vào giai đoạn dậy thì với nhiều biến đổi về tâm sinh lý, dễ đẩy cao cảm xúc tiêu cực, khiến em có quyết định dại dột trên. 

Cô đơn ngay trong chính nhà mình

Những nghiên cứu về hành vi lệch chuẩn của trẻ vị thành niên cho thấy, việc trẻ tự tử là do rối nhiễu hành vi, do sự dồn nén cảm xúc tiêu cực từ những ứng xử của người xung quanh mình. 

 Đừng để trẻ em cô đơn ngay trong chính ngôi nhà mình.

Nhiều lời nói của cha mẹ thường gây cho trẻ những tổn thương lớn. Trong khi nhiều người nghĩ rằng trẻ con chỉ biết ăn, học, mắng là để cho con mình tốt hơn chứ không phải để chúng “chống đối”, “làm mình làm mẩy” và “bày đặt” đe dọa bố mẹ như kiểu em Tr. “Cá không ăn muối cá ươn/ Con cãi cha mẹ trăm đường con hư. Con tôi mà có suy nghĩ kiểu bức xúc thì tự tử như thế thì thà không có nó còn hơn”. Chị Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ trên một diễn đàn mạng. 

Thực tế có nhiều người cho rằng con mình được dạy dỗ và quan tâm chăm sóc chu đáo. Vì thế chúng phải có trách nhiệm thực hiện những điều bố mẹ mong muốn để trở thành người tốt. Tuy nhiên, nhiều cha mẹ không biết rằng mỗi đứa trẻ đều là những cá thể cần được hiểu và được tôn trọng. Phần lớn cha mẹ không nắm bắt được những suy nghĩ của con, chỉ khi có chuyện mới té ngửa mình không biết gì về con cả. Tâm sự của cô bé Mai Ly (tên nhân vật đã được thay đổi), 14 tuổi ở Thanh Xuân, Hà Nội đã trải lòng về “nỗi cô đơn” của em với Tổng đài tư vấn miễn phí cho trẻ em 18001567 sẽ khiến chúng ta phải giật mình: “Có lẽ con nên chết đi để không còn phải là “của nợ”. Mẹ con bảo mày là của nợ, vì mày mà tao phải gắn bó với một kẻ chẳng ra gì... Còn bố bảo con là sản phẩm của sự sai lầm, khiến ông phải chung sống với “kẻ thù” đáng sợ… Con quá cô đơn, buồn chán… Con chẳng thiết sống nữa, cô ơi!”. 

Sinh ra trong một gia đình không mấy hạnh phúc, suốt cả một tuổi thơ, điều Ly sợ nhất là khi có cả bố lẫn mẹ ở nhà. Nếu những đứa trẻ khác mong muốn cả nhà sum vầy vào bữa tối và yên tâm ngon giấc trong tình yêu thương của cha mẹ, thì với Ly buổi tối là lúc bố mẹ em thường cãi cọ, chửi mắng nhau. Nỗi sợ hãi lớn dần theo năm tháng, nhất là khi tên của em thường xuyên được nhắc tới trong các cuộc khẩu chiến. Sự ức chế, sợ hãi cứ len lỏi vào tâm hồn cô bé mới lớn, hay nhút nhát, không quen chia sẻ cùng ai càng khiến Ly hoang mang.

“Con thấy nhiều người nói con cái là của để dành, là niềm vui của cha mẹ. Vậy thì con đúng là đứa mang lại niềm bất hạnh cho bố mẹ mình. Đáng lẽ con không nên được sinh ra” – Ly nức nở. Em tâm sự, trước khi bấm máy gọi đến tổng đài, em đã nghĩ rằng sẽ gọi một ai đó không biết đến mình để nói lên nỗi lòng, như một cách đánh dấu mình đã tồn tại trên cõi đời này...

Cuộc sống hiện đại với guồng quay đến chóng mặt, cuốn nhiều phụ huynh lao vào công việc, không còn thời gian để ngó ngàng con cái. Song cũng có nhiều người quan tâm đến con cái theo chiều hướng thái quá, áp đặt, mệnh lệnh, trừng phạt nghiêm khắc với mong muốn “như thế mới nên người”. Cả hai cách này đều khiến trẻ thấy mình cô đơn, lạc lõng trong chính gia đình mình. Có những đứa trẻ trở nên khó gần, ngang bướng, thậm chí có nhiều hành vi lệch chuẩn dễ bị những thói xấu tác động hoặc có những hành vi sai lầm đáng tiếc. Câu chuyện của bé Tr và nhiều câu chuyện đáng buồn khác sẽ là một sự cảnh tỉnh các bậc cha mẹ cần hiểu con mình và có những phương pháp đúng đắn trong việc nuôi dạy con.

TIN BÀI LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Theo Đại Đoàn Kết

Bình luận(0)