Mẹ lên nhà chị chơi đúng vào dịp diễn ra World cup. Nhìn chị lúi húi chuẩn bị thức ăn khuya cho anh xem bóng đá, mẹ lắc đầu thở dài: “Chiều quá, nó lại sinh hư đấy con à, cứ nhìn bố mày ở nhà thì biết”. Chị cười trừ bảo: “Chỉ một tháng thôi mà mẹ”. Chị hiểu, mẹ đang lo lắng chị sẽ theo “vết xe đổ” của mẹ về khoản chiều chồng quá giới hạn…
Từ lúc chuẩn bị cưới, mẹ đã dặn dò: “Đừng chiều chuộng chồng quá, cơm bưng nước rót thành quen, sau này sẽ khổ đấy”. Có lẽ mẹ quá thấm thía từ cuộc hôn nhân của mình, bố chị giờ đã nghỉ hưu nhưng chưa từng động tay động chân đến bất kỳ việc gì trong nhà. Đến giờ ăn mà cơm chưa dọn ra là ông mặt nặng mày nhẹ, ăn xong mà mẹ chưa kịp rót nước, lấy tăm thì thể nào ông cũng càm ràm. Mẹ kể, lúc mới cưới nhau, biết mẹ chồng rất yêu con trai nên mẹ không dám nhờ bố việc gì kể cả bổ củi, gánh nước… Bố quen được bà nội chiều rồi đến vợ nên giờ chẳng biết làm gì ngoài việc cơ quan. Tất tần tật mọi việc trong nhà từ nhỏ đến lớn đều một tay mẹ lo liệu.
|
Ảnh minh họa. |
Thời con gái, chị thấy ấm ức cho mẹ lắm, tự nhủ, sau này lấy chồng sẽ không bao giờ chiều chuộng quá đáng như vậy. Nhưng rồi, khi lập gia đình, dường như tình yêu dành cho anh cùng tính cách cam chịu chị thừa hưởng từ mẹ đã làm chị quên mất ý nghĩ năm xưa. Nhiều lúc, chị giật mình không biết mình có chiều chồng quá không?
Dù bận việc đến cỡ nào, chị cũng cố gắng chu tất bữa cơm gia đình đầy đủ các món. Bởi mỗi lần, nghĩ đến chuyện anh phải “cơm hàng cháo chợ” là chị thấy áy náy, xót xa. Đối với chị, chồng bước ra khỏi nhà là phải tươm tất từ đầu đến chân, áo quần không được nhăn nhúm, đầu tóc gọn gàng, giày đánh láng bóng. Thế nên nhiều người đến chơi nhà đã phì cười khi thấy chị chăm chú đánh xi giày cho chồng, họ bảo việc đó anh tự làm được mà. Hình như dần dần, anh nghiễm nhiên xem những việc đó là bổn phận của chị. Sáng nào cũng vậy, anh ngồi khểnh đọc báo, đợi vợ hỏi muốn ăn gì thì trả lời. Ăn xong, cắp cặp đi luôn, chẳng để ý chị vừa dọn bát đũa vừa cho hai đứa con ăn để kịp giờ học…
Đến mùa World cup thì khỏi phải nói, chị phải hỏi trước anh thích ăn món gì, uống sữa loại gì để chuẩn bị trước cả tháng. Nhiều đêm, chị giật mình tỉnh giấc, thấy anh chưa ăn khuya là vội vàng mắt nhắm mắt mở dậy làm thức ăn cho chồng. Mà chuyện ăn uống của anh không hề đơn giản, chẳng phải cứ gói mì tôm hay bát phở ăn liền là xong. Nếu anh thích ăn phở, chị phải mua xương về hầm từ tối, gà luộc xé nhỏ sẵn, gia vị đầy đủ, khuya anh ăn chỉ việc hâm nóng nước dùng chan vào bát phở xếp sẵn. Anh muốn nhâm nhi bia với bò khô thì tự tay chị mua thịt bò về làm chứ không dám mua đồ làm sẵn, sợ không hợp vệ sinh. Chị còn phải đau đầu nghĩ ra đủ thứ để đổi món cho chồng đỡ ngán suốt một tháng lăn theo cùng trái bóng. Bởi thế ai phờ phạc vì thức khuya xem bóng còn chồng chị cứ phây phây ra vì được vợ chăm quá kỹ…
Điều mẹ nhắc nhở cũng làm chị có chút suy nghĩ nhưng cảm giác hạnh phúc khi ai đó khen về khoản chăm chồng và nhìn chồng vui vẻ, khỏe mạnh khiến chị quên đi những vất vả.
Giờ đây, chị mới hiểu cho mẹ, vì sao trong ngần ấy năm bố mẹ vẫn bình yên bên nhau dù chị thấy mẹ phải chịu nhiều thiệt thòi…