Hồi sắp cưới, chồng hay kể mẹ rất khó tính, luôn giữ nếp nhà theo truyền thống xưa. Chồng nói ba mất đã hơn chục năm, mình mẹ thân cò lặn lội cực khổ nuôi mấy chị em của chồng khôn lớn.
Vì vậy vợ phải ráng vì chồng mà chiều mẹ cho yên cửa yên nhà. Đám cưới xong, mẹ nói ở chơi với hai vợ chồng vài tháng. Tới bữa cơm, mẹ vừa chỉ vẽ bếp núc cho con dâu vừa tranh thủ giáo huấn: làm vợ là phải an phận thủ thường, chuyện gì cũng phải nhường chồng một bước, phải quán xuyến việc nhà toàn vẹn, chăm sóc chồng chu đáo, để chồng lau nhà rửa chén là vợ hư… Mẹ còn dặn con trai: “Dạy vợ là dạy từ thuở bơ vơ mới về. Con phải ra uy, đừng dễ dãi để nó được đằng chân lân đằng đầu”. Con trai cười hề hề xoa dịu: “Thời buổi này đâu còn cảnh “chồng chúa vợ tôi” mẹ ơi. Ai cũng đi làm cực như nhau nên quyền hành ngang nhau, việc nhà thì cùng làm. Vậy mới công bằng chứ mẹ”. Mẹ nổi giận, trách con trai chưa chi đã nghe lời vợ mà cãi mẹ.
|
Ảnh minh họa. |
Sau lần đó, chồng thà để vợ buồn còn hơn làm mẹ giận. Chồng định đổi xe mới, đã bàn nát nước với vợ về nhãn hiệu, kiểu dáng, màu sơn… Mấy bữa sau, chồng vờ xẵng giọng: “Mai em đưa anh 50 triệu”. Vợ hỏi để làm gì, chồng giả bộ quát nạt: “Anh muốn đổi xe mới. Cần hỏi ý em sao?”. Nhìn mẹ chồng cười tủm tỉm, ra vẻ hài lòng, chồng thì đang đóng vai ông chồng gia trưởng, vợ không biết nên khóc hay cười. Vợ đang lau nhà, nghe chồng ra lệnh: “Làm xong thì ủi cho anh mấy bộ đồ”. Vợ vừa bước vào phòng, chồng nhanh tay đóng cửa phòng lại. Vừa lôi bàn ủi ra, chồng vừa lớn tiếng: “Ủi đồ nhanh lên. Đó đó, ủi cái tay áo kỹ chút coi”. Vợ nằm thẳng cẳng trên giường, nghe chồng tự biên tự diễn, vừa buồn cười vừa thương. Xong việc, chồng đến bên vợ thầm thì: “Mệt không em, xoay lưng lại để anh mát xa cho”. Nếu không có màn… giấu mặt này, vợ sẽ tủi thân lắm.
Ngày mẹ về quê, vợ đã quen nếp cũ, tan sở là hộc tốc chạy về nhà. Vào bếp, vợ ngạc nhiên khi thấy chồng đang cắm cúi xào rau. Chồng tươi cười bảo vợ “đi tắm nhanh lên, cơm sắp xong rồi”. Vợ cảm động vòng tay ôm chồng: ‘Phải chi ngày nào anh cũng ngoan thế này, em hạnh phúc biết bao”. Chồng giãy nảy: “Anh chỉ chiều em khi mẹ không ở đây. Mẹ lên, mọi việc cứ theo…truyền thống”.
Trưa nay, chồng báo tin mai mẹ lại lên chơi. Vợ bần thần cả buổi chiều. Những ngày làm dâu khổ ải lại bắt đầu. Sao chồng không giải thích để mẹ hiểu, vợ cũng nhiều việc, cũng bôn ba kiếm tiền, cũng cày mỗi ngày hơn tám tiếng như chồng. Vậy tại sao mọi việc vợ phải nghe chồng chỉ huy, không được có ý kiến, càng không được nhờ chồng phụ việc nhà. Nếu chồng dùng lý lẽ mềm dẻo giải thích, vợ tin mưa dầm thấm sâu, rồi mẹ sẽ hiểu và thông cảm. Còn hơn là hiện giờ, phải đóng kịch để dối gạt mẹ. Có thể chồng đóng hai vai rất khéo, nhưng vợ thì không thể diễn tiếp được nữa rồi.