Ngày trước, chị dù nắm quyền “lãnh đạo” nhưng cũng kiêm “nhân viên” phục vụ của ba bố con. Đi thì chớ về đến nhà là quần áo, giày dép bố con thay ra vứt từ tầng dưới lên tầng trên. Họ ngồi góc nào là góc ấy tàn thuốc lá, bã chè, bàn cờ tướng, báo chí bừa bãi. Dù nói thế nào, chị cũng chẳng thay đổi nổi mấy bố con. Vậy là chị tay làm miệng nói, lâu dần trở thành người phụ nữ lắm điều trong nhà. Cũng vì cách sống ấy mà chị không được lòng mẹ chồng nhiều. Bao năm nay, mối quan hệ mẹ chồng- nàng dâu cứ như lửa với nước.
Giờ con dâu chị không cần “lắm điều” nhưng lại đưa mọi người vào khuôn khổ đâu vào đấy. Tuần đầu, nó quan sát nếp sinh hoạt nhà chồng, tuần sau rủ mẹ chồng đi chợ. Hôm đó, nó mua mấy cái sọt nhựa lớn về đặt ở trước cửa mỗi phòng ngủ nhẹ nhàng bảo: “Từ nay công việc giặt giũ quần áo cả nhà con sẽ đảm nhiệm thay mẹ. Vì không tiện vào phòng mỗi người thu dọn quần áo bẩn nên bố mẹ và chú út thay xong cho vào sọt hộ con”. Chỉ một yêu cầu nhỏ ấy của con dâu nhưng đã thay đổi cả thói quen vứt quần áo bẩn bừa bãi của mấy bố con. Đơn giản thế mà sao trước đây chị không nghĩ ra. Cứ thế những việc trước đây, chị nhắc nhở, la mắng thế nào bố con nó cũng chẳng thay đổi nhưng con dâu lại âm thầm làm được điều đó mà không gây ức chế, khó chịu cho người nào.
|
Ảnh minh họa. |
Đi làm thì thôi, về đến nhà là con dâu luôn miệng “mẹ ơi”. Vào bếp dù làm được hay không nó cũng “mẹ ơi, con làm thế này được chưa”, “mẹ ơi, xem hộ con cái này”, “mẹ ơi, con sắp xếp thế này được không ạ”. Rõ ràng là nó làm được, hỏi cho có lệ nhưng sao chị vẫn thấy mát lòng mỗi khi được nó xin ý kiến. Mỗi lần nó có làm hỏng việc, chị chẳng nỡ buông lời trách mắng. Khi nó mới về, chị thấy khó chịu với cái từ “mình ơi” của con dâu gọi chồng. Bởi sau mỗi từ đó là con trai chị như một con rối để cho nó sai vặt. Nào là “mình ơi, giúp em cái này”, “mình ơi, lấy hộ em cái kia”…
Nhưng sau một thời gian, chị thấy cái từ “mình ơi” ấy khiến vợ chồng chúng nó lúc nào cũng quấn quýt bên nhau, con trai sống có trách nhiệm hơn, biết chia sẻ việc nhà với vợ và mẹ. Cứ mỗi lần nghe con dâu ngọt ngào “mình ơi” với con trai, chồng chị lại nhìn vợ nháy mắt: “Đàn ông mà lúc nào vợ cũng gọi như vậy thì bảo đi vá trời cũng làm”. Cái từ “mình ơi” hóa ra có tác dụng rất đặc biệt với đàn ông, chỉ là chị không biết cách sử dụng nó.
Chị dâu trưởng gọi điện sang báo mẹ chồng ốm phải nằm viện điều trị ít lâu. Chị theo nếp cũ: “Mẹ tính đưa cho bác trưởng ít tiền thuê người chăm bà ở viện như mọi lần”. Bên kia, bác trưởng cũng đồng ý với phương án đó nên mọi chuyện liên quan đến việc nằm viện của bà nội đều được giải quyết bằng các dịch vụ từ ăn uống đến chăm sóc hàng ngày. Thế mà, con dâu chị cứ cách ngày lại hì hục nấu cháo mang vào bảo đổi món cho bà. Mỗi lần vào viện, nó “kể công” vất vả nấu cháo để ép bà ăn. Suốt một tháng trời, cả nhà cứ vì nồi cháo nó cần mẫn nấu nên thay nhau mang vào viện cho bà liên tục. Không giống như trước kia chỉ thỉnh thoảng đảo qua thăm bà chớp nhoáng rồi về lo công việc.
“Nhà chị thật có lòng với mẹ chồng, lại khéo dạy dâu hiếu thảo với bà cụ quá. Chẳng bù cho nhà tôi…”. Nghe bà cụ nằm chung phòng bệnh khen, lòng chị thoáng chút ngại ngùng. Nếu không vì nồi cháo của con dâu, chắc chị cũng chẳng có cơ hội nhận được lời khen này. “Thấy cháu dâu bảo dạo này mẹ nó hay đau đầu chóng mặt. Mẹ nó mang cái này về bồi bổ, mọi người cho nhiều quá mẹ dùng không hết”. Mẹ chồng chị vừa nói, vừa đưa lấy ra hộp sâm. Lòng chị ngèn ngẹn: “Sắp tới bác trưởng đi chăm con dâu ở cữ, mẹ về nhà con sống ít lâu nhé!” – chị vừa bóp chân cho mẹ chồng vừa mở lời. Ánh mắt bà cụ nhìn chị trìu mến, bao năm làm dâu lần đầu tiên chị cảm thấy mọi khúc mắc mẹ chồng nàng dâu trước đây biến mất. Chị thầm cảm ơn cô con dâu trẻ người mà không non dạ nhà mình.