Kim Ki Duk - bạo liệt đến...tàn nhẫn

Google News

(Kiến Thức) - Mỗi câu chuyện mà Kim Ki Duk mang lại đều ẩn chứa sự kỳ quặc, khó hiểu, và vô cùng bạo liệt đến mức tàn nhẫn.

Không được đào tạo chính quy từ các trường điện ảnh, nhưng cái nhìn và cách làm phim khai thác sâu sắc số phận và nội tâm nhân vật của Kim Ki Duk đã giúp ông trở thành một cái tên sáng giá không chỉ trong làng điện ảnh châu Á mà còn vươn ra ngoài thế giới.
 Kim Ki Duk
Mỗi câu chuyện mà vị đạo diễn sinh năm 1960 mang lại đều ẩn chứa sự kỳ quặc, khó hiểu, và đặc biệt vô cùng bạo liệt. Kim rất giỏi khai thác tâm lý con người, nhưng cách phân tích nội tâm nhân vật của ông đôi khi vượt qua sự cảm nhận thông thường, phản ánh rõ cái thế giới quan khác lạ của Ki Duk.
Thức tỉnh tiềm năng đạo diễn từ ba bộ phim
Vị đạo diễn 54 tuổi tâm sự, năm 33 tuổi, lúc vẫn còn lông bông vẽ tranh dạo ở Paris, ông có xem chăm chú ba bộ phim The Silence Of The Lambs (Sự im lặng của bầy cừu), Les Amants Du Pont-Neuf (tựa tiếng Anh: The Lovers On The Bridge) của đạo diễn Leos Carax, và L’amant (The Lover/Người tình) từ nguyên tác của Marguerite Dumas. Và đó như động lực, một đòn khích lệ tinh thần khiến ông mạnh dạn suy nghĩ về sự nghiệp phim ảnh của mình.
Những tác phẩm thể hiện rõ sự hạ thấp và ghét đàn bà
Nói như vậy bởi nhân vật chính của Kim luôn là những cô gái điếm, những người đàn bà có số phận hẩm hiu, bị đối xử tàn nhẫn.
Phim của Kim Ki Duk luôn đặt ra những tình huống bất thường, những số phận bất thường đến nỗi giới điện ảnh Hàn Quốc có thời điểm đã gọi ông là đạo diễn tâm thần, quái thai thời đại hay gã làm phim vô dụng.
 
Ngay từ bộ phim đầu tay Crocodile (Cá sấu) sản xuất năm 1996, Kim đã thể hiện sự quái của mình. Phim kể về một gã đàn ông sống ven bờ sông Hàn ở Seoul cứu được một phụ nữ đang tìm cách tự vẫn. Nhưng sau đó gã liên tục lạm dụng và hãm hiếp người phụ nữ đáng thương cho đến một ngày họ nảy sinh tình cảm.
Bị lên án mạnh mẽ về cánh làm phim với nội dung quá bạo liệt, Kim lại như có động lực hơn để tiếp tục ra đời những tác phẩm đúng chất mình hơn.
 Một cảnh trong phim The Isle.
Năm 1999 ông gây sốc với bộ phim The Isle (Cô lái đò). Mối tình giữa một phụ nữ câm chuyên phục vụ đồ ăn thậm chí sẵn sàng phục vụ cả thân xác của mình cho dân câu cá với một người tên tội phạm giết người đầy bi thương và đau đớn. Hình ảnh chiếc lưỡi câu được đạo diễn Kim sử dụng nhiều lần để diễn tả nỗi đau thể xác và tâm hồn của hai nhân vật nam nữ chính.
 Cảnh nhân vật nam Hyun-Shik nuốt chùm lưỡi câu để tự tử trong phim "Cô lái đò"
Khán giả rùng mình khi xem cảnh nhân vật nam Hyun-Shik nuốt chùm lưỡi câu vào họng rồi dùng dây câu móc ngược lại để tự sát và đau đớn khi nhìn Hee-Jin lấy chính chum lưỡi câu đó móc vào cửa mình lôi ngược lại khi biết người yêu phản bội mình. Đến cảnh kết, chùm lưỡi câu lại tiếp tục làm thần kinh người xem căng như dây đàn khi người đàn ông lên thuyền đi vào bờ, người đàn bà ở lại ngoài hồ và đã quyết định tự sát khi móc lưỡi câu vào người rồi kéo chiếc thuyền đi. Phim đoạt giải Quạ vàng của Liên hoan phim viễn tưởng quốc tế của Bỉ, giải Netpac cho phim đáng chú ý nhất Liên hoan phim Venice.
Phim "Samaritan Girl"
Phim Samaritan Girl (Gái Điếm) thực sự là một bi kịch với câu chuyện đau lòng về hai cô bé tuổi teen (Jea-Young và Yeo-Jin), chỉ vì muốn kiếm tiền đi du lịch Châu Âu mà sẵn sàng làm gái điếm.
Phim "The Bow".
Phim The Bow (Cánh cung) kể về một ông lão đánh cá nhận nuôi một cô bé thất lạc gia đình từ năm 5 tuổi với ý định sẽ cưới cô làm vợ khi cô bé tròn 17 tuổi. Những cảnh quay hai bố con ông lão tắm cho nhau cùng những ý nghĩ loạn luận là điểm nóng của The Bow. Sau khi làm lễ thành hôn với cô gái trẻ, ông già đã tự vẫn.
Phim như muốn truyền tải ẩn ý của đạo diễn sau hành động và ước mơ tưởng chừng như vô lý về việc kết hôn với cô gái trẻ bằng tuổi con mình rằng đó không phải là mong muốn xác thịt mà nó thể hiện ước mơ của một con người cô đơn, mong muốn có một người đàn bà đúng nghĩa sớm tối bên cạnh.
Mềm mại hơn trong suy nghĩ
Một cảnh trong "Spring, Summer, Fall, Winter... And Spring" .
Đến khi Spring, Summer, Fall, Winter... And Spring (Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân) ra đời vào năm 2003 thì người ta mới nhìn thấy Kim ở một góc mềm mại hơn. Bộ phim nói lên nhân sinh quan của đạo diễn về sự vòng luân hồi nhân quả trong cuộc sống của mỗi con người và con người vẫn lặp đi lặp lại những lỗi lầm xưa cũ rồi phải trả nợ cho những hành động thiếu suy nghĩ của mình.
Đến tác phẩm tự coi là tàn nhẫn nhất
Câu chuyện đầy tính nhân văn của Pieta kể về một kẻ chuyên cho vay nặng lãi độc ác sẵn sàng biến những con nợ không trả nổi tiền thành người tàn phế. Cho tới một ngày, hắn gặp một người phụ nữ tự xưng là mẹ đẻ của hắn.
 
Sau khi nhận ra người phụ nữ này thực sự là mẹ của mình, nhân tính trong hắn như được thức tỉnh, cái ác bị đẩy lùi và hắn thấy mình “yếu” đi, không thể nào trừng phạt những người thiếu nợ một cách độc ác như trước đây được nữa.
Bộ phim mang thông điệp: đồng tiền có thể hủy hoại nhân cách con người và tạo ra những linh hồn quỷ dữ trong quan hệ giữa người với người. Mặc dù được cho là ít cảnh bạo lực hơn so với những trước đó, nhưng chính bản thân Kim lại nhận Pieta là bộ phim tàn nhẫn nhất trong các tác phẩm điện ảnh của ông từ trước tới nay.
Khác biệt từ phim ảnh tới cuộc sống
Không tuân theo bất cứ quy tắc làm phim nào bởi ông chưa hề qua một trường lớp điện ảnh trước khi bắt tay vào nghề đạo diễn. Điểm tưởng chừng như bất lợi đó lại là lợi thế khác biệt và là chất liệu làm những đứa con tinh thần của ông luôn mang màu sắc tàn nhẫn đến bạo liệt. Nó khiến khán giả rùng mình sợ hãi khi xem,có chút đau đớn xót xa khi chứng kiến những nhân vật có số phận quá khắc nghiệt, còn giới phê bình lại coi đó là những tác phẩm trần trụi tới ghê tởm.
 Đạo diễn Kim Ki Duk.
Bạo lực, máu, cái chết, tình yêu, sex, là những yếu tố không bao giờ thiếu trong tác phẩm của Kim. Một đặc điểm dễ nhận thấy nữa trong phim của Kim Ki Duk là rất ít thoại bởi theo ông, im lặng cũng là một cách đối thoại. “Sự im lặng là lời thoại đa nghĩa nhất. Và, tiếng khóc và nụ cười cũng là những lời thoại rất sâu sắc. Tôi cho rằng, ý nghĩa lời thoại khác nhau tùy chất liệu tạo nên phim là gì” – ông tâm sự trong một cuộc phỏng vấn về tác phẩm mới nhất của ông Pieta vào năm 2012.
Giải thích thêm về đặc điểm ít thoại trong phim, đạo diễn nổi tiếng Hàn Quốc cho biết: “Giao tiếp có thể được biểu đạt bằng nhiều cách khác nhau chứ không chỉ bằng lời nói. Càng sống lâu thì người ta sẽ càng ít nói, vì nói là nhược điểm lớn nhất của con người. Khóc và cười mới là những cách giao tiếp ý nghĩa nhất. Hơn nữa, tôi ít sử dụng ngôn ngữ vì sợ một bản dịch không chính xác có thể làm hỏng cả bộ phim”.
Kim Ki Duk thừa nhận phim của ông không có lời đáp mà luôn đặt ra những câu hỏi đến mức ám ảnh cho khán giả điển hình như trong các tác phẩm như The Isle, Address Unknown, Bad Guy, Samaritan Girl, 3 - Iron
Chẳng có gì ngạc nhiên khi ngoài đời, vị đạo diễn phim độc lập rất quen thuộc với fan điện ảnh Việt Nam cũng là một con người lập dị như những tác phẩm của ông. Ông không dùng điện thoại, ăn mặc tuềnh toàng tới mức khó chấp nhận. Điển hình nhất khi xuất hiện tại LHP Venice 2012, ông lê đôi giày rách, mặc bộ trang phục quần ống túm, áo sẫm màu, rộng thùng thình như một ông cửu vạn trên thảm đỏ LHP Venice 2012.
Nhưng trên tất cả, tài năng đã giúp ông tỏa sáng, Kim Ki Duk là đạo diễn phim độc lập nổi tiếng nhất châu Á với rất nhiều giải thưởng như: Gấu bạc (Đạo diễn xuất sắc) Liên hoan phim quốc tế Berlin 2004 cho phim Samaritan Girl (Gái điếm), giải Sư tử bạc (Đạo diễn xuất sắc) LHP Venice 2004 cho phim 3-Iron (Kẻ ở nhờ kỳ dị), giải Cành Cọ Vàng 2011 cho phim Arirang, giải Sư tử vàng cho Pieta, LHP Venice 2012.
Bảo Tâm (TH)

Bình luận(0)