Chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng về cấm xe giường nằm chạy đường đèo dốc quanh co tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Trọng Hoan - giảng viên cao cấp bộ môn ôtô và xe máy chuyên dụng Viện Cơ khí động lực (Đại học Bách khoa Hà Nội) - cho biết ôtô chở khách giường nằm hai tầng thường cao hơn, rộng hơn và dài hơn các xe chở khách có ghế ngồi.
Do đó, phần lớn loại xe này khi chở đủ khách thì có chiều cao trọng tâm lớn hơn so với xe khách thông thường. Vì vậy, khả năng bị lật của xe giường nằm hai tầng cao hơn xe khách bình thường.
Tuy nhiên, giới hạn lật của loại xe này đã được kiểm định và vẫn nằm trong phạm vi cho phép nên theo ông Hoan, về mặt an toàn thì ý thức của người lái quan trọng nhất chứ không phải bản thân phương tiện.
|
Xe khách giường nằm tuyến Hà Nội - Lai Châu. |
Thưa ông, về mặt thiết kế thì đâu là điểm khác biệt cần chú ý khi vận hành xe giường nằm so với xe khách bình thường?
Phần lớn xe giường nằm có chiều cao, chiều dài lớn hơn xe khách bình thường nên dễ bị lật hơn. Những xe khách ghế ngồi có kích thước tương đương xe giường nằm nhưng không có hai tầng nên khi xếp khách thì trọng tâm thấp hơn, do đó khả năng lật sẽ ít hơn.
Việc bố trí khách ở tầng hai của xe giường nằm sẽ làm trọng tâm của xe cao lên. Trọng tâm cao làm ảnh hưởng tới tính ổn định ngang, khi vào các khúc cua gấp với tốc độ cao thì khả năng lật sẽ cao hơn xe bình thường. Đó là sự khác biệt quan trọng nhất.
Thống kê của cơ quan chức năng có 70% vụ tai nạn xe giường nằm xảy ra ở đường đồng bằng, nhiều nhất là quốc lộ 1. Phải chăng độ an toàn của xe giường nằm phụ thuộc vào thao tác của lái xe, mật độ phương tiện trên đường?
Từ trước tới nay xe giường nằm vẫn được hoạt động và không phải là loại phương tiện hay lật hơn so với các loại xe khác. Nếu người lái xe có ý thức tốt sẽ đảm bảo an toàn tốt hơn. Còn lái xe ẩu, cộng với điều kiện xe giường nằm có xác suất lật cao sẽ làm khả năng bị lật nhiều hơn.
Cơ quan chức năng thống kê như trên thì điều này cho thấy ý thức của người lái là vấn đề quan trọng nhất chứ không phải do bản thân phương tiện. Nếu lái xe không tuân thủ quy định mà chạy bừa, chạy ẩu thì đường nào cũng có thể bị lật, kể cả xe con.
Nhiều xe con bị lật khi chạy ở đường đồng bằng hay đèo dốc nhưng không bị thương vong với số lượng lớn như xe khách nên dư luận ít quan tâm.
Đường đồi núi thường nhỏ, hẹp, nhiều khúc cua với độ dốc lớn nên những thao tác bất cẩn của người lái rất dễ gây nên tai nạn.
Chẳng hạn, nếu xe giường nằm xuống dốc với tốc độ cao, gặp xe ngược chiều thì rất khó xử lý khi tránh nhau vì đường hẹp, không còn chỗ tránh như đường rộng ở đồng bằng.
Có ý kiến cho rằng do xe giường nằm cồng kềnh nên cần quy định tốc độ được lưu thông thấp hơn xe khách bình thường?
Về tốc độ chạy xe tối đa theo quy định thì khi kiểm định mà thấy xe đảm bảo, các tiêu chí đều đạt thì cho phép khai thác với tốc độ như nhau.
Quan trọng là cách xử lý của người lái. Nếu hạn chế tốc độ tối đa 80 km/giờ thì không có nghĩa lúc nào xe cũng chạy được với tốc độ 80 km/giờ, mà tùy vào điều kiện lưu thông ở đoạn đường đó. Nếu đặt ra tốc độ riêng cho xe giường nằm thì phức tạp thêm về quản lý.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo xem xét cấm xe giường nằm chạy đường đèo dốc quanh co. Theo ông, điều kiện đường miền núi có đảm bảo cho xe giường nằm hoạt động?
Nói xe giường nằm chạy từ Hà Nội lên các tỉnh miền núi có đảm bảo với điều kiện đường sá hay không cũng khó. Vấn đề là xe to, cao, trọng tâm cao mà chạy trên đường nhỏ, ngoằn ngoèo, độ dốc cao thì độ nguy hiểm sẽ cao hơn so với xe bé hơn.
Cùng một tuyến đường đó, xe con chạy không vấn đề gì nhưng nếu chạy xe 30 chỗ vào những khúc cua quanh co, tầm nhìn khuất thấy nguy hiểm hơn và chạy xe lớn hơn sẽ thấy nguy hiểm hơn nữa. Còn nói xe giường nằm chạy đường miền núi có đảm bảo an toàn hay không cũng khó.
Vì cứ bò chầm chậm qua những đoạn đường đó chắc cũng không xảy ra vấn đề gì. Xe giường nằm cao hơn, to hơn và trọng tâm cao hơn chắc chắn sẽ tiềm ẩn những rủi ro nhiều hơn khi hoạt động. Nhưng nói nguy hiểm đến đâu chỉ về mặt cảm tính.
Để xác định vào một đường hẹp, cua gấp chạy tốc độ bao nhiêu là an toàn cần phải đo đạc, tính toán cụ thể.
Cũng như nhiều người khác, ông cho rằng mức độ an toàn phụ thuộc nhiều nhất vào người lái. Ông có thể lý giải rõ hơn?
Xe giường nằm gặp nhiều nguy hiểm khi hoạt động hơn xe khác thì mọi người đều nhìn thấy. Nhưng an toàn đến mức độ nào thì phụ thuộc rất nhiều vào người lái. Nếu không quản lý được người lái thì không giải quyết được gốc rễ.
Nếu nói đồng ý cho ông chạy ở đường đèo dốc nhưng chạy chậm thì cũng không có ai ngồi trên đường giám sát người lái để ngăn họ chạy nhanh.
Trong khi đó lái xe hiện nay ý thức không phải ai cũng giống ai. Nói Nhà nước phải quản lý được hết cũng rất khó khi vấn đề an toàn phụ thuộc vào bản thân từng lái xe chấp hành đến đâu.
Có nhiều vụ tai nạn xảy ra ở đường đèo dốc được nhận định do xe mất phanh. Trong khi đó, các xe khách đời mới thiết kế hiện đại hơn. Ông đánh giá thế nào?
Tai nạn xảy ra trên đường dốc chủ yếu do thao tác của lái xe. Nếu xuống đường dốc dài mà lái xe chạy với tốc độ cao khi phanh rất dễ lật vì xe to cao.
Thứ hai, có tình trạng lái xe muốn chạy nhanh, tiết kiệm nhiên liệu khi xuống dốc nên để số cao và rà phanh. Bởi để số cao, chạy nhanh thì lúc đó khả năng phanh hỗ trợ bằng động cơ gần như không có nên họ phải rà phanh liên tục.
Nếu dốc dài thì phanh sẽ nóng lên làm giảm ma sát, giảm khả năng phanh. Nếu giữ như thế lâu dẫn đến hiện tượng phanh không còn hiệu lực nữa mặc dù hệ thống phanh không hỏng. Lúc đó dù có phanh xe vẫn trôi vì má phanh nóng quá, thiếu ma sát.
Nói mất phanh ở trên đèo chủ yếu vì lý do đó. Bởi vì bây giờ hệ thống phanh của xe rất hiện đại, có nhiều cơ chế an toàn, rất hiếm khi mất phanh theo kiểu hỏng hệ thống phanh mà là mất hiệu lực phanh do cách sử dụng.
Nếu để số thấp thì khi xuống hết đoạn dốc lại phải tăng ga nên tốn xăng. Nhiều lái xe vừa muốn chạy nhanh vừa muốn tiết kiệm nhiên liệu nên để số cao cho xe trôi nhanh và rà phanh để giữ tốc độ. Việc này làm phanh trơ, mất hiệu lực do ma sát không còn hoặc còn rất ít.
Điều này lái xe bằng E không phải là không biết mà họ quá rành điều đó, nhưng do muốn chạy nhanh và chủ quan nên vẫn làm. Tôi đi xe khách thấy nhiều tài xế vẫn sử dụng cách này.
Ông NGUYỄN VĂN QUYỀN (phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN): Nghiên cứu thận trọng
Về việc nên hay không nên cho xe giường nằm hoạt động, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã giao các cơ quan thuộc bộ nghiên cứu đề xuất. Đây là vấn đề liên quan đến người dân, tác động trực tiếp đến doanh nghiệp vận tải. Vì vậy, các cơ quan liên quan sẽ nghiên cứu thận trọng việc này nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho doanh nghiệp, không gây lãng phí cho xã hội và đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân đi lại. Do đó trong thời gian tới, Tổng cục Đường bộ sẽ nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm đề xuất Bộ Giao thông vận tải.
NGỌC ẨN ghi