Lái ô tô khi trời mưa luôn tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn. Do đó, các tài xế thường chia sẻ với nhau những bí quyết để đảm bảo an toàn khi lái xe trong trời mưa. Một trong những bí quyết được cái tài xế truyền tai nhau chính là xì bớt hơi của lốp ô tô khi lái xe trời mưa. Mục đích của việc làm này là để tăng độ bám đường của lốp ô tô. Vậy việc làm này có thực sự cần thiết không?
Theo ông Mochammad Fachrul Rozi, kỹ sư hỗ trợ khách hàng của hãng lốp Michelin Indonesia, người lái ô tô không cần phải xì bớt lốp cho xe khi gặp trời mưa. Ông Rozi cho biết, nếu lốp ở trạng thái bình thường, toàn bộ bề mặt lốp sẽ tiếp xúc với mặt đường. Nếu bị non hơi, khu vực trung tâm của ta lông lốp sẽ bị nâng khỏi mặt đường, tạo khoảng trống. Điều này khiến lốp không thể phân tán hết nước mưa bên dưới, từ đó giảm độ bám đường.
Cũng theo ông Rozi, những đường rãnh trên lốp được thiết kế đặc biệt để phân tán nước trên mặt đường khi trời mưa. Do đó, người dùng ô tô nên bơm lốp theo đúng áp suất khuyến nghị của các nhà sản xuất. Thông thường, thông tin về áp suất lốp phù hợp với từng điều kiện sẽ được ghi trên nhãn dán sau cửa trước hoặc trong sách hướng dẫn.
|
Người dùng nên bơm lốp theo đúng áp suất tiêu chuẩn mà nhà sản xuất khuyến nghị, ngay cả khi trời mưa to
|
"Vì không đúng theo khuyến nghị của nhà sản xuất nên các tính năng của lốp sẽ không phát huy tác dụng tối đa. Bên cạnh đó, lốp có thể nhanh bị hư hỏng vì cao su phải uốn cong thường xuyên hơn và thành lốp bị nứt vỡ", ông Rozi cho biết thêm.
Ông Rozi cho biết người lái có thể xì bớt lốp ô tô để tăng khả năng bám đường khi chạy off-road hoặc trên cát. .
Chẳng những không có tác dụng tăng độ bám đường, việc xì bớt hơi cho lốp ô tô khi trời mưa còn khiến xe của bạn có nguy cơ bị trượt nước. Đây là hiện tượng xảy ra khi nước ngăn lốp xe ô tô tiếp xúc với mặt đường, dẫn đến mất lái hoặc tai nạn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng xe bị trượt nước. Một trong số đó là lốp non hơi hay áp suất lốp thấp hơn mức tiêu chuẩn. Lốp non hơi đồng nghĩa với lực ép lốp xuống mặt đường cũng thấp hơn. Hậu quả là lốp tiếp xúc với mặt đường ít hơn so với lúc được bơm đúng áp suất, từ đó tăng nguy cơ xe bị trượt nước.
|
Lốp non hơi sẽ tăng nguy cơ xe bị trượt nước
|
Ví dụ, một chiếc ô tô có áp suất lốp chuẩn là 40 psi. Nếu áp suất lốp giảm xuống chỉ còn 25 psi, xe của bạn có thể bị trượt nước ngay từ vận tốc 45 dặm/h (khoảng 72 km/h) khi chạy trên cao tốc với mặt đường ướt. Nếu áp suất lốp là 30 psi, xe của bạn có thể bị trượt nước ở vận tốc 49 dặm/h (79 km/h). Con số tương ứng nếu áp suất lốp đạt 35 psi là 53 dặm/h (85 km/h). Nếu được bơm đúng áp suất 40 psi thì xe phải đạt đến vận tốc 57 dặm/h (91 km/h) thì mới có nguy cơ bị trượt nước.
Tất nhiên, ngoài áp suất lốp thì trọng lượng xe, ta lông lốp và cách điều khiển của người lái cũng đóng vai trò quan trọng trong việc xe bị trượt nước hay không. Dù sao thì để hạn chế nguy cơ xe bị trượt nước, bạn nên bơm lốp theo đúng áp suất khuyến nghị của nhà sản xuất.
Không chỉ lốp non hơi mà lốp bơm quá căng cũng không tốt. Mọi loại lốp đều có khu vực tiếp xúc với mặt đường. Khu vực này gọi là bề mặt tiếp xúc. Nếu bạn bơm lốp quá căng, bề mặt tiếp xúc sẽ bị thu nhỏ, kéo theo độ bám đường giảm xuống. Ngoài ra, lốp bơm quá căng cũng trở nên cứng hơn, ảnh hưởng đến cảm giác êm ái và khả năng kiểm soát xe của người lái.
Nếu nhìn vào các thông số trên lốp, bạn sẽ thấy dòng chữ "max PSI", nghĩa là "PSI tối đa", theo sau đó là một con số. Tuy nhiên, đừng nhầm tưởng đây là áp suất tối đa mà nhà sản xuất khuyến nghị. Trên thực tế, đây là áp suất tối đa mà lốp có thể chịu được. Bơm lốp theo con số này có thể khiến lốp bị quá căng. Thay vào đó, hãy tìm áp suất khuyến nghị của nhà sản xuất trên nhãn dán trong cửa trước hoặc sách hướng dẫn như đã nhắc ở trên.
Có một thực tế rằng áp suất của lốp ô tô sẽ thay đổi theo mùa. Vào mùa hè, nhiệt độ môi trường cao và lượng bức xạ nhiệt từ mặt trời lớn khiến lốp xe nóng lên rất nhanh khi ma sát với mặt đường trong quá trình di chuyển. Điều này khiến không khí bên trong lốp xe nóng lên theo và giãn nở, từ đó tăng áp suất lốp.
Trong khi đó, vào mùa đông, thời tiết lạnh và nhiệt độ thấp khiến không khí bên trong lốp ô tô co lại, làm giảm áp suất lốp. Sau một đêm lạnh, áp suất lốp thường giảm khoảng 10-12% so với thời điểm trước khi xe đỗ.
|
Sự thay đổi của áp suất lốp ô tô theo nhiệt độ |
Do đó, vào mùa hè, người dùng ô tô nên bơm lốp xe non hơn mức tiêu chuẩn để có không gian cho không khí bên trong lốp giãn nở. Ngược lại, vào mùa đông, người dùng nên bơm lốp căng hơn bình thường một chút để không khí trong lốp co lại vừa đủ khi nhiệt độ giảm và giãn nở ra khi xe di chuyển trên đường.