Trong quá trình sử dụng xe, chắc hẳn có đôi lần bác tài phải "toát mồ hôi" khi xe ôtô khó nổ máy hoặc không thể khởi động được. Đặc biệt, tình trạng này thường xảy ra vào mùa đông, sau khi xe "lội nước" hay thời gian dài không sử dụng xe.
Việc nắm rõ các nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này sẽ giúp các bác tài chủ động hơn trong việc khắc phục sự cố và giảm thiểu tình trạng xe hỏng hóc nặng hơn. Sau đây là một số nguyên nhân chính khiến cho xe ôtô khó nổ máy.
|
Xe ô tô thường khó nổ máy vào mùa đông, sau khi đi mưa hay sau thời gian dài không sử dụng |
Hệ thống đề xe bị lỗi
Ôtô khó nổ máy có thể do hệ thống đề của xe đang gặp trục trặc, bởi sau một thời gian sử dụng, các bộ phận như bánh răng hay ổ trục sẽ bị hao mòn và hỏng hóc. Dấu hiệu cho thấy hệ thống đề xe bị lỗi là khi khởi động sẽ phát ra những âm thanh lách tách. Ngoài ra, bạn cũng có thể so sánh độ sáng của đèn pha khi vặn chìa khóa ở nút off/on, nếu đèn pha mờ đi khi ở chế độ "on" thì cần phải sửa chữa hệ thống đề xe ngay.
Ắc quy xe yếu/hỏng
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng xe ôtô khó nổ máy/không khởi động được là ắc quy ôtô yếu hoặc bị hỏng. Trong quá trình sử dụng, nếu chủ xe không biết cách tiết kiệm điện năng thì ắc quy sẽ bị yếu dần.
Khi tắt động cơ, bạn nên kiểm tra xem các thiết bị điện đã ngắt hay chưa để ắc quy không bị hao tốn điện. Khi đỗ xe, bác tài cũng nên nhớ tắt đèn pha để tiết kiệm điện.
Nếu xe ôtô khó nổ máy vì ắc quy yếu, người lái không nên cố gắng khởi động xe nhiều lần để tiết kiệm điện năng cho ắc quy. Hãy sử dụng bộ kích hoặc sạc nạp điện để ắc quy có thể hoạt động lại bình thường.
|
Ắc quy yếu hoặc bị hỏng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng xe ô tô khó khởi động. |
Tránh để ắc quy trong tình trạng cạn kiệt thường xuyên vì lâu dần chúng sẽ bị hỏng hóc và khiến cho xe không thể khởi động. Do đó, nếu như không hay dùng xe, bạn vẫn nên kiểm tra và nạp điện cho ắc quy kịp thời để tăng tuổi thọ cho bộ phận quan trọng này.
Ngoài kiểm tra điện năng của ắc quy, theo kinh nghiệm thì bạn cũng nên để ý các đầu cực nối của ắc quy vì có thể các đầu nối này cũng bị hao mòn làm khả năng dẫn điện kém đi.
Trong trường hợp bình ắc quy đã được nạp đầy năng lượng mà ôtô vẫn khó nổ máy, bạn hãy bật đèn pha để nhận biết tình hình. Nếu đèn pha tắt khi xe vẫn đang khởi động thì có thể các dây cáp nối của ắc quy đang có vấn đề. Còn nếu đèn pha sáng nhưng xe vẫn khó nổ máy thì lúc này vấn đề có thể nằm ở khóa điện, công tắc, cầu chì, bộ đề hoặc rơ-le...
Bình nhiên liệu cạn
Khi xe hết nhiên liệu, động cơ không đủ nguồn lực để nổ máy nên rất khó hoạt động như bình thường. Chính vì vậy, bạn nên thường xuyên kiểm tra để kịp thời đổ nhiên liệu cho xe. Nếu có thói quen để xe cạn nhiên liệu mới đổ thì bạn nên bỏ ngay, vì lâu dần sẽ khiến cho động cơ nhanh xuống cấp, hỏng hóc và ảnh hưởng đến khả năng vận hành của xe. Tốt nhất, nên đổ nhiên liệu cho xế cưng khi thấy kim báo chưa chạm vạch đỏ.
Bugi có vấn đề
|
Bugi trục trặc sẽ ảnh hưởng đến quá trình đánh tia lửa điện, đốt cháy nhiên liệu trong động cơ. |
Đối với xe sử dụng động cơ xăng, nếu gặp tình trạng ôtô khó nổ máy, phần lớn nguyên nhân liên quan đến bugi, bộ phận đánh lửa và dây cao áp. Trong quá trình sử dụng ô tô, bugi sẽ dính nhiều muội than và dây cao áp bị hao mòn khiến việc cung cấp tia lửa điện vào buồng đốt không đủ, làm cho động cơ khó khởi động.
Vì thế, khi thấy xe chạy ì và hiện tượng khó nổ máy thường xuyên diễn ra thì bạn cần kiểm tra bugi bởi tia lửa điện đóng vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng đến quá trình đốt cháy nhiên liệu của xe.
|
Cần số để chưa đúng vị trí cũng khiến cho xe khó nổ máy. |
Cách kiểm tra bugi không quá phức tạp, bạn tháo bugi ra và để nó cạnh miếng kim loại và quay động cơ. Nếu bugi vẫn phát ra tia lửa điện thì chỉ cần sửa chữa, còn nếu không thì phải thay bugi mới.
Rơ-le/bơm xăng gặp trục trặc
Bạn nên chú ý quan sát đồng hồ áp suất nhiên liệu để nắm được tình hình nạp nhiên liệu của động cơ. Bởi nếu rơ-le hoặc bơm xăng gặp trục trặc sẽ khiến cho động cơ không nhận đủ nhiên liệu để hoạt động, dẫn đến tình trạng khó nổ máy.
Ngoài ra, theo tư vấn kỹ thuật ô tô, nếu như hệ thống đề quay nhưng không khớp với vòng quay của bánh đà thì do nam châm điện của rơ-le bị yếu, hoặc có thể răng bánh hỏng, cũng không loại trừ trường hợp hệ truyền động của xe đang có vấn đề.
Cần gạt số chưa đúng vị trí
Trong trường hợp xe số tự động, nếu người lái không để cần số về vị trí P hoặc cài số và không đạp côn đối với xe số sàn thì cũng gặp phải hiện tượng ôtô khó nổ máy. Nếu xe được trang bị tính năng khởi động bằng nút bấm, chưa đạp phanh thì xe cũng khó khởi động.
Hệ thống phun nhiên liệu bị tắc
Hệ thống phun nhiên liệu bao gồm kim phun, bộ lọc bị tắc nghẽn do cặn bẩn thì nhiên liệu sẽ không đến được động cơ, dẫn đến xe khó khởi động. Chính vì thế, bạn nên kiểm tra bộ lọc nhiên liệu thường xuyên để đảm bảo quá trình nhiên liệu nạp vào khoang động cơ diễn ra thuận lợi.