Những lưu ý cần thiết khi chở trẻ nhỏ bằng ôtô

Google News

Ngoài việc cho các cháu ngồi trong lòng, trước vô lăng, các bậc cha mẹ còn thường mắc phải một số sai lầm khi chở trẻ nhỏ bằng ôtô cần hết sức chú ý.

 
Vào ngày 3/12/2021 vừa qua, tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đã xảy ra một vụ tai nạn hi hữu khiến cháu bé 14 tháng tuổi bị vỡ tim, phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Được biết, vụ tai nạn xảy ra khi người nhà cho cháu bé ngồi trong lòng lái xe ôtô để đi dạo. Sau đó, người nhà cháu bé đã vô tình đạp nhầm chân ga và chân phanh khiến chiếc xe đâm thẳng vào bờ tường. Hậu quả của vụ tai nạn là cháu bé bị va đập mạnh, lồng ngực ép vào vô lăng dẫn đến chèn ép tim cấp, vỡ thành thất phải vị trí 1/3 dưới. Rất may, nhờ sự tận tình cứu chữa của các bác sĩ tại bệnh viện Sản Nhi Nghệ An nên cháu bé đã được cứu sống.
Nhung luu y can thiet khi cho tre nho bang oto
 Khi chở theo các cháu nhỏ, phụ huynh cần phải lưu ý sử dụng ghế ngồi có dây đai an toàn phù hợp với độ tuổi để cố định trẻ em vào chỗ ngồi.
Đây là một trong những vụ việc rất đáng tiếc xảy ra với trẻ nhỏ, xuất phát từ sự chủ quan và chiều chuộng các cháu của người lớn khi di chuyển bằng ôtô. Ngoài việc cho trẻ nhỏ ngồi trước vô lăng ôtô, các bậc cha mẹ còn thường mắc phải một số sai lầm khác khi chở trẻ nhỏ bằng ôtô. Sau đây là những lưu ý mà các lái xe cần phải cẩn trọng khi có trẻ nhỏ trên xe.
Cho trẻ em ngồi hàng ghế phía sau và sử dụng ghế phù hợp
Khi chở theo các cháu nhỏ, phụ huynh cần phải lưu ý sử dụng ghế ngồi có dây đai an toàn phù hợp với độ tuổi để cố định trẻ em vào chỗ ngồi nhằm giảm thiểu nguy hiểm khi có va chạm xảy ra. Hiện một số nước trên thế giới có quy định trẻ em chưa đủ 12 tuổi hoặc cao dưới 1,35 m cũng nên ngồi phía sau và thắt dây an toàn để tránh trường hợp bị văng về phía trước do dây đai an toàn ở hàng ghế trước không đủ để giữ cơ thể.
Nhung luu y can thiet khi cho tre nho bang oto-Hinh-2
 Khi xe di chuyển, người lái nên khoá các cửa kính trên xe, không cho phép trẻ em tự động hạ kính để thò tay hoặc thò đầu ra ngoài.
Không cho trẻ mở cửa kính và thò người ra ngoài
Khi xe di chuyển, người lái nên khoá các cửa kính trên xe, không cho phép trẻ em tự động hạ kính để thò tay hoặc thò đầu ra ngoài. Trong trường hợp đường chật hoặc tránh xe khẩn cấp, bộ phận cơ thể thò ra ngoài xe có thể sẽ bị va chạm với các phương tiện khác. Ngoài ra, việc thò tay, thò người ra ngoài có thể khiến trẻ em bị văng ra khỏi xe nếu va chạm xảy ra.
Không cho trẻ thò đầu ra ngoài cửa sổ trời khi xe di chuyển
Một số bậc phụ huynh tại Việt Nam thường có thói quen chiều con bằng cách mở cửa sổ trời ôtô để trẻ em thò đầu ra ngoài hóng gió. Đây cũng là một hành vi rất nguy hiểm vì trẻ nhỏ có thể va chạm với những chướng ngại trên cao mà lái xe không nhìn thấy.
Nhung luu y can thiet khi cho tre nho bang oto-Hinh-3
 Một số bậc phụ huynh tại Việt Nam thường có thói quen chiều con bằng cách mở cửa sổ trời để trẻ em thò đầu ra ngoài hóng gió, rất nguy hiểm.
Ngoài ra, nếu xe đang di chuyển mà phanh gấp thì trẻ em thò người ra ngoài cửa sổ trời có thể bị văng về phía trước theo quán tính dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Không cho trẻ ngồi phía trước vô-lăng
Như đã nói ở trên, trẻ em phải ngồi ở hàng ghế sau hoặc ngồi trên ghế an toàn phù hợp với lứa tuổi. Do đó, việc cho trẻ nhỏ ngồi trên lòng lái xe cũng là một điều không được phép làm. Nếu tai nạn xảy ra, trẻ em ngồi trên lòng sẽ không được dây đai an toàn níu giữ mà lao thẳng vào vô lăng rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, nếu túi khí nổ thì trẻ em có thể bị thương nặng vì khoảng cách quá gần.
Nhung luu y can thiet khi cho tre nho bang oto-Hinh-4
Không được phép để trẻ em ngồi trong lòng người lái khi xe di chuyển.
Không chỉ có vậy, việc để trẻ em ngồi trên lòng ngay phía trước vô-lăng sẽ khiến người lái xe phân tâm, điều khiển xe khó khăn và rất dễ gây ra những tai nạn đáng tiếc.
Không cho trẻ em nghịch các nút bấm, cần gạt trên xe
Với một số trẻ hiếu động, các bậc phụ huynh thường cho phép trẻ em nghịch nút bấm trên xe để giải trí. Thế nhưng, điều này rất nguy hiểm vì tạo thói quen chủ động nghịch ngợm ngay cả khi không có người lớn trên xe và rất có thể sẽ xảy ra những tình huống đáng tiếc như trẻ thả phanh tay, sang số, đạp ga hoặc tự mở cửa ra ngoài.
Để bảo đảm an toàn cho trẻ em khi đi ôtô, các bậc phụ huynh cần phải tuân thủ các nguyên tắc an toàn như sử dụng ghế trẻ em cũng như luôn phải giáo dục các cháu về việc không được nghịch ngợm trên xe. Mọi sự chủ quan và chiều trẻ em thái quá đều có thể dẫn đến những hậu quả không mong muốn.
Thảo Nguyễn

>> xem thêm

Bình luận(0)