Công nghiệp ôtô đang dài cổ ngóng cơ chế

Google News

(Kiến Thức) - Các doanh nghiệp sản xuất ôtô tiếp tục dài cổ ngóng chờ cơ chế cụ thể nhằm hiện thực hóa mong muốn phát triển ngành công nghiệp ôtô.

Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ vừa diễn ra tại Hà Nội, đại diện các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đã rất bức xúc trước sự chậm trễ đưa ra những cơ chế cụ thể để phát triển ngành công nghiệp ô tô từ phía các cơ quan hữu trách.
Bức xúc này xuất phát từ việc vào năm 2018, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN về Việt Nam sẽ là 0%, tạo lợi thế cho xe từ ASEAN tràn vào Việt Nam. Tuy nhiên, “để ra một mẫu xe mới cho thị trường, nhà sản xuất phải chuẩn bị từ cách đó 3 năm”, ông Yoshihisa Maruta, Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam, đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) nói.
Ông Yoshihisa Maruta cho biết thêm, các chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất nhằm phát triển ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam vẫn chưa có. Vì vậy, các doanh nghiệp ô tô vẫn chưa thể đưa ra quyết định sống còn trong việc tiếp tục đầu tư cho lắp ráp hay chuyển dần sang nhập khẩu toàn bộ vào năm 2018.
Cong nghiep oto dang dai co ngong co che
Năm 2018, thuế suất thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN về Việt Nam sẽ là 0% 
Trao đổi với phóng viên, ông Minoru Kato, Tổng giám đốc Công ty Honda Việt Nam cũng cho hay, thuế nhập khẩu về 0% vào năm 2018 không phải là vấn đề của năm 2018, mà đã là vấn đề hiện nay. “Nếu tình hình hiện nay không có thay đổi, các nhà sản xuất trong nước buộc phải chuyển sang nhập khẩu, thay vì sản xuất trong nước, vì nhập khẩu từ Thái Lan hay Indonesia về rẻ hơn hẳn. Dĩ nhiên, đó là kịch bản xấu nhất”, ông Kato nói.
Không chỉ lắp ráp ô tô, muốn có vệ tinh cấp 1 cung cấp phụ tùng, linh kiện cho doanh nghiệp lắp ráp ô tô cần thời gian chuẩn bị khoảng 3 năm. Với thực tế nhà sản xuất, lắp ráp ô tô còn chưa biết mình sẽ đầu tư tiếp tục ra sao, thì các doanh nghiệp sản xuất phụ tùng lại càng mông lung hơn.
Trong một diễn biến khác, Chính phủ lại vừa yêu cầu Bộ Công thương bổ sung các ý kiến đóng góp của Bộ Tài chính để hoàn thiện cơ chế, chính sách thực hiện Chiến lược và Quy hoạch Phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam để đệ trình trước ngày 15/6/2015.
Cong nghiep oto dang dai co ngong co che-Hinh-2
 Chủng loại xe ô tô tải và xe trên 10 chỗ ngồi có mức bảo hộ thấp hơn nhiều lại có tỷ lệ nội địa hóa cao và tỷ lệ nhập khẩu thấp hơn. 
Lý do là bởi ngày 28/5, Bộ Công thương có Văn bản 5253/BCT-CNNg trình Chính phủ các đề xuất cơ chế, chính sách cho ngành công nghiệp ô tô. Tuy nhiên, cũng trong ngày 28/5, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai có ký Văn bản 7049/BTC-CST đóng góp ý kiến cho việc thực hiện Chiến lược và Quy hoạch Phát triển ngành công nghiệp ô tô.
Theo đánh giá của Bộ Tài chính, chính sách bảo hộ thông qua thuế nhập khẩu trong giai đoạn qua cho thấy nghịch lý là, với chủng loại xe được bảo hộ cao như xe chở người dưới 9 chỗ ngồi thì tỷ lệ nội địa hoá rất thấp, lượng xe nhập khẩu vẫn cao. Cụ thể, giai đoạn 2006-2010, tăng trưởng bình quân nhập khẩu xe đạt 20,64%/năm về lượng và 23,92% về giá trị, cao gần gấp đôi so với tăng trưởng bình quân sản lượng xe sản xuất trong nước cùng giai đoạn là 11,36%/năm.
Đáng nói là, chủng loại xe ô tô tải và xe trên 10 chỗ ngồi có mức bảo hộ thấp hơn nhiều lại có tỷ lệ nội địa hóa cao và tỷ lệ nhập khẩu thấp hơn. Cụ thể, nhập khẩu ô tô tải có tốc độ tăng trưởng không đáng kể, chỉ 2,9% và nhập khẩu ô tô trên 10 chỗ giảm mạnh với tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2006-2010 là -13,08%.
Cong nghiep oto dang dai co ngong co che-Hinh-3
Ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô hầu như chỉ dừng lại ở mức sản xuất, cung ứng chi tiết, linh kiện giản đơn. 
Đối với chính sách thuế cho linh kiện, phụ tùng, Bộ Tài chính cũng cho rằng, đã không mang lại kết quả như mong muốn là tăng tỷ lệ nội địa hóa. Cụ thể, việc chấp nhận đủ điều kiện tiêu chuẩn lắp ráp ô tô với các doanh nghiệp khá dễ dàng, điều kiện để áp dụng cách tính thuế nhập khẩu cho bộ linh kiện ô tô chưa đủ để tạo sức ép cho doanh nghiệp nỗ lực tăng tỷ lệ nội địa hóa những chi tiết quan trọng. 
Điều đó dẫn đến việc các doanh nghiệp tận dụng sự ưu đãi của Nhà nước để nhập khẩu và lắp ráp giản đơn, không chú trọng mở rộng đầu tư theo hướng nâng cao tỷ lệ nội địa hóa hoặc chuyển giao công nghệ.
“Ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô hầu như chỉ dừng lại ở mức sản xuất, cung ứng chi tiết, linh kiện giản đơn. Các chi tiết phức tạp chưa đáp ứng nhu cầu về số lượng, chất lượng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước”, Thứ trưởng Vũ Thị Mai nói và cho hay, điều đó đồng nghĩa với việc công nghiệp hỗ trợ cho ngành ô tô chưa thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, cản trở việc phát triển công nghiệp ô tô trong nước thời gian qua.
Báo Đầu tư

>> xem thêm

Bình luận(0)