Theo bài viết, phán quyết mang tính ràng buộc của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đã giáng một đòn nghiêm trọng nhằm vào yêu sách của Trung Quốc đối với hầu hết Biển Đông, một khu vực có tuyến đường biển nhộn nhịp nhất thế giới. Như dự đoán, phán quyết PCA đã bị Bộ Ngoại giao Trung Quốc bác bỏ ngay lập tức - nhưng đã khiến Bắc Kinh rơi vào thế cực kỳ khó khăn, khi nước này phải cân bằng giữa sự tức giận của người dân theo chủ nghĩa dân tộc và cộng đồng quốc tế vốn hy vọng Trung Quốc tự kiềm chế.
"Điều nguy hiểm ở đây là sự nghi ngờ về hình ảnh của Trung Quốc và tương lai của Trung Quốc? – Trung Quốc sẽ là kiểu dân tộc, quốc gia nào? Và Trung Quốc sẽ bị các nước láng giềng cũng như người dân của mình đánh giá như thế nào?", Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, Daniel Russel nói với CNBC.
|
Phản ứng trước phán quyết PCA, ngày 13/7, Trung Quốc ngang nhiên đem hai máy bay dân sự hạ cánh xuống các đường băng xây dựng trái phép trên Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi ở Quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh NEWS.CN |
Trong con mắt của người Trung Quốc, một phần lớn diện tích Biển Đông thuộc về họ - được hỗ trợ bởi những gì Bắc Kinh tuyên bố là tài liệu lịch sử ủng hộ chủ quyền của họ ở đó. Phán quyết của PCA đã vô hiệu những yêu sách này.
"Người Trung Quốc sẽ không vui”, James Keith, một cựu Đại sứ Mỹ tại Malaysia và từng là Giám đốc Hội đồng An ninh Quốc gia về Trung Quốc cho biết. Vì vậy, hiện nay, thế giới đang theo dõi sát sao Trung Quốc sẽ có hành động gì tiếp theo.
Phương tiện truyền thông
Các chuyên gia cho rằng, có khả năng trong ngắn hạn, giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ sử dụng những bình luận táo bạo và trong một số trường hợp mang tính “thù địch” để chứng minh sức mạnh của nước này và làm giảm bớt sự lo lắng trong dân chúng, những người có thể bắt đầu đặt câu hỏi về khả năng của Trung Quốc trong việc duy trì ảnh hưởng tại một thời điểm khi mà nước này thực sự đang đối phó với nền kinh tế trong nước ngày càng chậm lại.
"Trung Quốc sẽ phản ứng ở những mức độ khác nhau đối với phán quyết của PCA, từ tuyên truyền thô thiển đến rất tinh vi", Wim Muller thuộc Chương trình Luật Quốc tế tại Viện chính sách Chatham House ở London (Anh) bình luận.
Phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc trong ba tuần qua đã tìm cách định hướng các cuộc đàm luận liên quan đến tranh chấp Biển Đông, đăng những bài viết và video nhằm bác bỏ phán quyết PCA, gọi nó là vô nghĩa hay là phần của một âm mưu chống lại Trung Quốc. "Báo chí chính thức (Trung Quốc) sẽ tập trung vào câu chuyện cũ, trong đó cho rằng một tòa án bị Mỹ và phương Tây chi phối, gian lận chống Trung Quốc và do đó không có bất kỳ tính pháp lý nào", ông Muller nói thêm.
Quân sự
Đối đầu quân sự ở Biển Đông, đặc biệt là trong khu vực xung quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng trái phép, tiếp tục là một mối đe dọa ngày càng tăng. Hải quân Mỹ và tàu chiến của Trung Quốc đều tuần tra khu vực, và các nhà chiến lược chính trị nhấn mạnh rằng nguy cơ của một cuộc xung đột ngoài ý muốn đang tăng lên.
Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân ngày 13/7 tuyên bố Bắc Kinh có quyền thiết lập một Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Tuy nhiên ông Lưu Chấn Dân cũng nhấn mạnh điều này sẽ phụ thuộc vào mức độ "đe dọa" mà Bắc Kinh phải đối mặt.
Cùng ngày, Tân Hoa xã đưa tin, hai máy bay dân sự của Trung Quốc đã hạ cánh xuống 2 sân bay mới trên Đá Vành Khăn và Đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam ở Biển Đông. Chuyên gia quân sự Li Jie tại Bắc Kinh nói rằng, Trung Quốc đã chuẩn bị một loạt lựa chọn quân sự để đáp trả phán quyết của PCA. Chuyên gia này cảnh báo, nhiều loại vũ khí tiên tiến sẽ có mặt tại Biển Đông sau phán quyết của Tòa. Ông Li cũng nói rằng, một lựa chọn quân sự khác là Trung Quốc tăng tốc xây đảo nhân tạo ở Trường Sa, cải tạo trên quy mô lớn ở bãi cạn Scarborough, tiến hành các cuộc tập trận hải quân chung ở vùng biển tranh chấp, cũng như thử nghiệm các loại vũ khí hiện đại.
Khi căng thẳng trở nên tồi tệ, Washington sẽ tiếp tục mở rộng sự hiện diện của họ trong vùng biển châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của cam kết ngoại giao và tôn trọng luật pháp quốc tế.
"Tôi thực sự tin rằng Trung Quốc đang phải đối mặt với một số vấn đề quan trọng liên quan đến tương lai và ý định của họ. Mỹ, các nước láng giềng của Trung Quốc và thế giới, muốn thấy một quốc gia láng giềng có trách nhiệm và tuân thủ luật pháp quốc tế, nước tôn trọng các cam kết của mình theo hiệp ước, và nước sẽ làm việc với các quốc gia láng giềng của mình - lớn và nhỏ - để thúc đẩy ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Tôi thực sự không tin rằng Trung Quốc tìm kiếm đối đầu quân sự", ông Russel nhấn mạnh.
Kinh tế
Bên cạnh những mối đe dọa quân sự tiềm năng, có suy đoán ngày càng tăng xung quanh việc liệu Trung Quốc sẽ trả đũa các đối tác quốc tế bằng cách không cho họ những lợi ích kinh tế mà họ nhận được từ việc kinh doanh tại Trung Quốc hay không.
Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia nói với CNBC cho biết nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sẽ không cho phép sự kiện địa chính trị đặc biệt trên cản trở các mục tiêu kinh tế của mình. Chuyên gia Muller nhận xét: "Trong khi phán quyết đang gây lúng túng cho Trung Quốc, những tính toán ở trong nước như thực trạng của nền kinh tế là quan trọng hơn đối với Bắc Kinh".
Về phần mình, Duncan Wrigley, chuyên gia nghiên cứu chính sách vĩ mô của Trung Quốc, thuộc Ngân hàng NSBO, cũng đồng ý rằng: "Nếu người Trung Quốc sử dụng chính sách kinh tế để phản đối phán quyết này của PCA, điều này sẽ rất kỳ lạ, tôi không nghĩ rằng họ sẽ làm điều đó bởi vì nó sẽ không có hiệu quả”.
Đại sứ Keith đã chỉ ra rằng có hai hội nghị quốc tế quan trọng sắp diễn ra vào mùa thu này mà Trung Quốc không muốn gây nguy hiểm. Đầu tiên là Hội nghị G20 do Trung Quốc đăng cai tổ chức tại Hàng Châu, nơi Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến sẽ tham dự. Trong tháng 10 tới, IMF được cho là sẽ chính thức bổ sung đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc vào giỏ các đồng tiền dự trữ của thế giới. "Người Trung Quốc không muốn phản ứng thái quá, bởi vì nó sẽ làm suy yếu các mục tiêu kinh tế của họ", ông Keith khẳng định.
Shan Huang, một phóng viên đã làm việc tại Trung Quốc, nói với CNBC rằng nước này hy vọng cuộc họp G20 sẽ thành công và muốn tránh những căng thẳng trở nên trầm trọng thêm trong khi sự phục hồi kinh tế toàn cầu đang đối mặt với những “cơn gió ngược” mạnh mẽ như: bất ổn xung quanh sự kiện “Brexit” của Anh và sự suy giảm về giá cả hàng hóa.