Theo trang mạng Oriental Daily ở Hong Kong, Trung Quốc và Thái Lan đã nhất trí xúc tiến dự án Kênh đào Kra, đi qua phần hẹp nhất của bán đảo Malay ở miền nam Thái Lan.
|
Vị trí của Kênh đào Kra tương lai.
|
Đây cũng là một nỗ tiếp theo của Trung Quốc nhằm thực thi các kế hoạch đầy tham vọng “Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa mới” và “Con đường tơ lụa trên biển Thế kỷ 21” .
Thỏa thuận Quảng Châu
Tại cuộc Hội thảo nghiên cứu và hợp tác đầu tư tại Quảng Châu, Trung Quốc và Thái Lan đã ký một biên bản ghi nhớ về dự án Kênh đào Kra.
Dự án Kenh đào Kra sẽ sớm được thực thi và có thể sẽ mất 10 năm để hoàn thành với chi phí 28 tỷ USD. Theo đề xuất hiện tại, Kênh đào Kra dài 102 km, rộng 400 m và sâu 25 m, cho phép tàu tới 350 nghìn tấn qua lại thuận tiện. Để so sánh, Kênh đào Panama chỉ sâu có 15 m và chỗ rộng nhất cũng chỉ đến 304 m.
|
Kênh đào Kra còn sâu rộng hơn cả Kênh đào Panama trong ảnh.
|
Sau khi hoàn thành, đây sẽ là kênh đào nhân tạo lớn nhất châu Á. Tuyến hành trình từ Ấn Độ Dương về Đông Á đi qua Kênh đào Kra sẽ được rút ngắn hơn ít nhất 1.200 km so với tuyến đường đi qua
Eo biển Malacca.
Từ lâu, người ta đã muốn đào Kênh Kra. Năm 1677, người Pháp đã đưa ra ý kiến đào con kênh thông biển Andaman và Vịnh Thái Lan. Tuy nhiên, với trình độ kỹ thuật thời đó, ý tưởng đào Kênh Kra là không khả thi. Năm 1773, để tăng cường khả năng phòng thủ đất nước từ phía biển Andaman, Vua Thái Lan đã sai em trai nghiên cứu kế hoạch đào kênh đi qua eo đất Kra, song kế hoạch này cũng không thành hiện thực. Năm 1882, Ferdinand de Lesseps, người đã chỉ huy đào kênh Suez, đã tới thăm eo đất Kra và hứa sẽ giúp đào kênh này. Tuy nhiên, Vương quốc Anh không muốn cảng Singapore bị mất ưu thế, nên đã cùng với Thái Lan ký một hiệp ước quyết định không đào kênh qua Eo đất Kra trong năm 1897.
Đến năm 2005, Trung Quốc ngỏ ý muốn hợp tác với Thái Lan tiến hành dự án đào kênh qua Eo đất Kra với chi phí 20 tỷ USD.
Giải tỏa mối lo “nút thắt” Malacca
Theo Oriental Daily, động cơ thúc đẩy Bắc Kinh tích cực tham gia dự án Kênh đào Kra là mối lo Mỹ có thể phong tỏa Eo biển Malacca, cắt đứt nguồn cung cấp dầu cho Trung Quốc. Các nhà hoạch định chiến lược của Trung Quốc từ lâu đã bị ám ảnh bởi cái “nút thắt” mang tên Eo biển Malacca.
Kênh đào Kra sẽ cho phép các tàu vận chuyển dầu và tàu buôn đi từ Trung Đông đến Trung Quốc không phải đi qua Eo biển Malacca.
Eo biển Malacca là một tuyến đường hàng hải quan trọng và đặc biệt quan trọng đối với nguồn cung dầu mỏ cho Trung Quốc. Có đến 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đến từ Trung Đông và Châu Phi và 80% trong số này phải đi qua Eo biển Malacca có nhiều cướp biển.
|
Kênh đào Kra sẽ cho phép các tàu vận chuyển dầu và tàu buôn đi từ Trung Đông đến Trung Quốc không phải đi qua Eo biển Malacca. |
Kênh đào Kra ra đời cùng với đường bộ, đường sắt và tuyến đường ống dẫn dầu dưới lòng đất xuyên qua khu vực Isthmus sẽ làm giảm đáng kể sự phụ thuộc của Trung Quốc vào Eo biển Malacca. Không những thế, Kênh đào Kra còn có thể chuyển hướng 90% tàu thuyền qua Eo biển Malacca.
Khi Kênh đào Kra khai trương, ý nghĩa chiến lược của Eo biển Malacca sẽ bị giảm sút đáng kể. Đồng thời, Trung Quốc cũng sẽ thu được những món lợi nhuận khổng lồ từ kênh đào này.
Khống chế yết hầu nối Ấn Độ Dương với Thái Bình Dương
Giáo sư Liang Yunxiang của Trường Nghiên cứu quốc tế trực thuộc Đại học Bắc Kinh nói với Oriental Daily rằng Thỏa thuận Quảng Châu về Kênh đào Kra có ý nghĩa chính trị-chiến lược quan trọng.
Do Thái Lan không đủ sức xây dựng Kênh đào Kra, nên Trung Quốc sẽ là quốc gia đổ tiền, công nghệ, nhân lực, vật lực vào kênh đào. Điều này có nghĩa Trung Quốc sẽ là đồng sở hữu con kênh đào có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng này.
Trên cương vị chủ sở hữu của Kênh đào Kra, Trung Quốc có thể kiểm soát luồng hàng hóa vận chuyển của các quốc gia Đông Nam Á.
Kiểm soát được huyết mạch hàng hải từ Thái Bình Dương tới Ấn Độ Dương, Trung Quốc đã vô hiệu hóa việc đối thủ lớn nhất ở Châu Á là Ấn Độ kiểm soát tuyến hàng hải đi qua eo Malacca.
Nhà phân tích quân sự Huang Dong ở Macau cho biết Kênh đào Kra cũng sẽ cải thiện khả năng phản ứng của Hải quân Trung Quốc trên các vùng biển quốc tế, đặc biệt là Ấn Độ Dương.
Giáo sư Li Zhenfu của Đại học Hàng hải Đại Liên nói rằng các công ty Trung Quốc sẽ tham gia dự án này và Trung Quốc sẽ được cấp một số thẩm quyền nhất định đối với Kênh đào Kra. Thậm chí, Trung Quốc có thể từ chối tàu chiến của một số quốc gia đi qua kênh đào này.