Các cuộc tấn công phối hợp giữa đánh bom liều chết và bắn súng ở thủ đô Jakarta của Indonesia hôm 14/1 đã làm ít nhất 7 người chết và 26 người bị thương. Ngay lập tức, nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công Indonesia táo tợn và đẫm máu này.
|
Các cuộc tấn công khủng bố ở Jakarta rất giống các cuộc tấn công đẫm máu hồi năm ngoái ở Paris. |
Đáng chú ý là các cuộc
tấn công khủng bố ở Jakarta rất giống các cuộc tấn công đẫm máu hồi năm ngoái ở Paris.
Nhà phân tích địa chính trị Tony Cartalucci ở Bangkok nhấn mạnh rằng thảm kịch Jakarta đã làm dấy lên mối lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tại khu vực Đông Nam Á.
Trong bài viết đăng trên trang mạng New Eastern Outlook, nhà phân tích Cartalucci nhận định: "Mô hình tấn công Jakarta trùng khớp với các cuộc tấn công khủng bố Paris năm ngoái, nơi những kẻ khủng bố vốn bị các cơ quan tình báo phương Tây theo dõi nhiều năm qua. Các phần tử khủng bố đã huy động một số lượng lớn vũ khí tại Bỉ và phối hợp thực hiện vụ giết người hàng loạt hầu như không có sự ngăn chặn trước các cuộc tấn công”.
Phát ngôn viên của Cảnh sát Quốc gia Indonesia, Thiếu tướng Anton Charliyan thừa nhận rằng cảnh sát đã nhận được thông tin vào cuối tháng mười về khả năng xảy ra một cuộc tấn công khủng bố của IS ở Indonesia. Tháng trước (12/2015), cảnh sát chống khủng bố đã bắt giữ 9 nghi can khủng bố ở Indonesia.
Theo Cảnh sát trưởng Jakarta - Thiếu tướng Tito Karnavian, những kẻ tấn công ở Jakarta có liên kết với phiến quân IS và kẻ đứng đầu nhóm khủng bố ở Indonesia là Bahrum Naim từng tham chiến ở Syria.
Thiếu tướng Anton Charliyan nói với báo Jakarta Post: "Chúng tôi đã xác định được tất cả những kẻ tấn công. Chúng tôi có thể nói rằng những kẻ tấn công này đã được liên kết với nhóm ISIS (Nhà nước Hồi giáo)”.
|
Cảnh sát Jakarta bao vây tiêu diệt các phần tử khủng bố.
|
Bình luận về các vụ tấn công khủng bố ở Jakarta, Tư lệnh Bộ chỉ huy Trung tâm (CENTCOM) của Mỹ, tướng Lloyd Austin nói với các phóng viên rằng bằng cách thực hiện một cuộc tấn công khủng bố ở khu vực Đông Nam Á, nhóm Nhà nước Hồi giáo đang cố gắng để chuyển hướng sự chú ý khỏi những thất bại ở Syria và Iraq.
Theo nhà phân tích John Watts - cố vấn cao cấp của Noetic Group ở Washington DC, rõ ràng Daesh đang tìm cách gia tăng dấu ấn toàn cầu. Chắc chắn, nhóm Hồi giáo cực đoan này đang tìm kiếm những vùng đất mới để củng cố cơ sở ủng hộ. Trong bài viết đăng trên tạp chí The National Interest, cố vấn John Watts viết: “Indonesia không chỉ có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới, mà còn là đất nước của những người Hồi giáo khoan dung và ôn hòa ... Đa số dân chúng Indonesia không ủng hộ tư tưởng cực đoan. Do đó, họ biến thành mục tiêu của những kẻ cực đoan và bè phái trên thế giới".
Từ lâu, Indonesia đã phải gồng mình chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan, đáng kể nhất là nhóm xuyên quốc gia Jemaah Islamiyah (JI) liên kết với al-Qaeda và Taliban. Nhóm Jemaah Islamiyah mưu toan thiết lập một đế chế Hồi giáo ở Đông Nam Á.
Cố vấn John Watts lưu ý rằng bất kể cuộc tấn công gần đây ở Jakarta do phiến quân Hồi giáo hay một nhóm khủng bố trong nước, đây là dấu hiệu cho thấy các nhóm Hồi giáo cực đoan đang hoạt động mạnh ở Indonesia.
Tuy nhiên, nhà phân tích Cartalucci tin rằng vụ tấn công khủng bố ở Indoonesia chỉ là một phần của câu chuyện. Theo ông, cần phải chú ý đến một loạt các sự kiện đi kèm các cuộc tấn công khủng bố trong khu vực Đông Nam Á.
Hồi tháng 8/2015, nhóm cực đoan “Sói xám” của Thổ Nhĩ Kỳ đã dính líu vào vụ đánh bom ở Bangkok (Thái Lan) dẫn đến cái chết của nhiều khách du lịch chủ yếu là người Trung Quốc. Vụ tấn công khủng bố ở Bangkok là một phần của chiến dịch khủng bố toàn cầu của tổ chức “Sói xám” và người Uyghur ly khai ở khu vực Tân Cương, Trung Quốc. Đáng chú ý, khu vực này lại là một phần quan trọng của dự án “Con đường tơ lụa mới” mà Bắc Kinh khởi xướng. Cũng giống như Thái Lan, Indonesia cũng đang tìm cách xây dựng quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc. Mới đây, Jakarta đã ký kết một thỏa thuận với Bắc Kinh để xây dựng tuyến đường sắt cao tốc trị giá 5,5 tỷ USD ở Indonesia.
Sau khi liên kết chặt chẽ với Trung Quốc, Thái Lan và Indonesia đã phải hứng chịu các tấn công khủng bố. Phải chăng đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên? Nhà phân tích Cartalucci không nghĩ như vậy.