Nguy cơ xung đột sau cải cách quân đội Trung Quốc

Google News

(Kiến Thức) - Kế hoạch cải cách quân đội Trung Quốc làm tăng nguy cơ xung đột với các nước láng giềng và Mỹ, theo cộng sự viên cao cấp của CSIS  Joseph A. Bosco.

Tham vọng lớn
Nhanh chóng thực thi kế hoạch cải cách quân đội Trung Quốc là điều ban lãnh đạo Trung Quốc thúc đẩy, ngay từ những ngày đầu  năm 2016.
Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang đẩy nhanh tiến độ chế tạo tàu sân bay thứ hai và thứ ba, dự kiến sẽ bố trí tại Biển Đông. Cùng với đó, Trung Quốc thực hiện bay thử nghiệm ra đường băng mà nước này xây dựng bất hợp pháp trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Tham vọng của PLA trong chiến lược lớn nhằm thực hiện "giấc mơ Trung Hoa” đã lộ rõ, không chỉ đơn thuần là nâng cao khả năng tác chiến của ba binh chủng, bắt kịp quân đội Tây Âu và Mỹ như giới phân tích quân sự Trung Quốc khẳng định.
Nguy co xung dot sau cai cach quan doi Trung Quoc
Cải tổ quân đội đang trở thành phép thử lớn trong quá trình thâu tóm quyền lực của Chủ tịch nước Tập Cận Bình. 
Cải tổ quân đội đang trở thành phép thử lớn trong quá trình thâu tóm quyền lực của Chủ tịch nước Tập Cận Bình và khiến cho căng thẳng, bất ổn trong khu vực gia tăng.
Khi chỉ huy cấp thấp được trao thêm quyền
Chuyên gia Joseph A. Bosco huộc Trung tâm vì Lợi ích Quốc gia Mỹ (CNI) và là cộng sự viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (CSIS) nhận định: kế hoạch cải tổ quân đội Trung Quốc làm gia tăng nguy cơ xung đột với các nước láng giềng và với Mỹ, đặc biệt khi các biện pháp cải tổ này trao thêm quyền cho các chỉ huy cấp thấp hơn.
Ông Bosco cho rằng thúc đẩy thực thi kế hoạch cải tổ, PLA đang trao thêm quyền cho các tư lệnh địa phương và điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ tái diễn những sự cố từng xảy ra va chạm giữa Mỹ và Trung Quốc, cả trên không và trên biển. Ban lãnh đạo PLA sẽ dễ bề chối bỏ trách nhiệm bằng cách đổ thừa cho cấp dưới, khi va chạm xảy ra.
Chiến lược viên tổ chức New Amerian Foundation (chuyên về các vấn đề quốc gia) Peter Singer  đưa ra lời cảnh báo về nguy cơ xảy ra Thế chiến 3 giữa Mỹ với Trung Quốc. Theo ông Singer, “viễn cảnh chiến tranh đen tối” Trung-Mỹ đang ở rất gần. Ông Peter Singer cho rằng  nguy cơ xảy ra Thế chiến III xuất phát từ sự bất ổn trong chính sách của Tổng thống Obama với Trung Quốc.
Mỹ đã vô tình "giúp đỡ một quốc gia hiếu chiến phát triển năng lực quân sự, mà chính Mỹ là người phải trả giá", cựu Đô đốc hải quân Mỹ James Lyons bình luận.
PLA chưa đủ khả năng triển khai sức mạnh trên toàn cầu
Tuy nhiên, dù cải cách sâu rộng, PLA chưa có khả năng triển khai sức mạnh tại khu vực khác của thế giới. Thế chiến III giữa Trung Quốc và Mỹ là không xảy ra, ít nhất cho đến năm 2020. Đó là nhận định chung của nhiều nhà phân tích quốc tế. Mặc dù còn có những vấn đề riêng, nhưng quân đội Mỹ, vẫn là đội quân có hiệu quả cao hơn so với các nước khác về khả năng giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hiện đại.
Cách tiếp cận của Washington đối với Trung Quốc là mang tính hai mặt. Một mặt, Mỹ muốn duy trì hợp tác với Bắc Kinh, đảm bảo nước này tôn trọng các hệ thống và quy chuẩn quốc tế để từ đó trở thành “một cường quốc có trách nhiệm”. Mặt khác, Mỹ triển khai các lực lượng quân sự nhằm đảm bảo khả năng đối phó với các hành vi “ngông cuồng” của Trung Quốc trong khu vực.                 
Minh Hoa

Bình luận(0)