Đó là nhận định của nhà phân tích Josh Cohen, cựu quan chức USAID quản lý các dự án cải cách kinh tế ở Liên Xô cũ, trong bài viết dành cho hãng tin Reuters.
|
Có đến 5 lý do khiến chính quyền Mỹ của Tổng thống Donald Trump cần hàn gắn quan hệ với nước Nga của Tổng thống Vladimir Putin. Ảnh ghép: Slate |
Theo nhà phân tích Josh Cohen, có đến 5 lý do khiến chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cần hàn gắn quan hệ với Nga.
Thứ nhất, với hơn 14.000 vũ khí hạt nhân mà hai nước đang sở hữu, Nga và Mỹ có khả năng tiêu diệt lẫn nhau nhiều lần, đó là chưa kể phần còn lại của thế giới bị vạ lây. Cả hai bên đều đang hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân để làm cho chúng trở nên nguy hiểm hơn và nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân vô tình đang gia tăng.
Nếu thực sự theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Donald Trump cần tập trung vào việc giảm thiểu nguy cơ chiến tranh hạt nhân Mỹ-Nga. Điều này chỉ có thể xảy ra nếu Washington đàm phán với Moscow.
Thứ hai, cả Mỹ lẫn Nga đều muốn chống khủng bố toàn cầu. Cuộc đánh bom liều chết gần đây trong tàu điện ngầm ở St Petersburg và vụ đánh bom một hộp đêm tại Istanbul cho thấy một số lượng lớn những người nói tiếng Nga ở các nước Liên Xô cũ đã trở nên cực đoan hơn. Khoảng 5.000 đến 7.000 công dân Liên Xô cũ đã chiến đấu với dưới ngọn cờ của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo, trong đó có 2.400 người đến từ Liên bang Nga.
Thứ ba, Mỹ cần Nga giúp có thể giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng khác nhau tại các điểm nóng khu vực. Ví dụ, ở Syria, do mối quan hệ của Nga với chế độ Assad, không thể có một giải pháp nào chấm dứt cuộc nội chiến nếu không có sự trợ giúp của Nga.
Nga đã tăng cường các liên kết kinh tế với Bình Nhưỡng và là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc có thể giúp đỡ hoặc cản trở bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ gây sức ép đối với CHDCND Triều Tiên về kinh tế hoặc chính trị.
Tuy nhiên, thật không may, Moscow đã chặn một bản dự thảo của Washington trong Hội đồng Bảo an LHQ lên án vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên - một lần nữa chứng tỏ khả năng Nga có thể ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của Mỹ.
Thứ tư, Washington và Moscow chia sẻ lợi ích chung trong việc giảm nguy cơ một cuộc đối đầu quân sự giữa Nga và NATO ở châu Âu. Tuy nhiên, hầu hết các kênh liên lạc Nga-Mỹ đang bị gián đoạn kể từ khi Liên bang Nga sáp nhập Bán đảo Crimea, làm tăng nguy cơ một sự cố nhỏ giữa hai bên có thể vượt qua phạm vi kiểm soát.
Cuối cùng, Mỹ sẽ là bên bị thiệt hại nếu bị Nga và Trung Quốc liên thủ chống lại. Trong thời Chiến tranh Lạnh, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã theo đuổi cái gọi là "Ngoại giao Tam giác", trong đó Washington tìm cách phát triển quan hệ tốt hơn với cả Bắc Kinh lẫn Moscow, tranh để cho hai gã khổng lồ cộng sản này bắt tay nhau chống Mỹ.
Sự suy thoái hiện tại trong quan hệ Mỹ-Nga có thể khiến Moscow ngả vào vòng tay của Bắc Kinh và làm cho Mỹ trở nên dư thừa trong “tam giác chiến lược” mới. Với việc Trung Quốc sẽ trở thành đối thủ địa chính trị hàng đầu của Mỹ trong những năm tới, Washington cần cố gắng cải thiện quan hệ Nga-Mỹ.
Cuộc điều tra đang diễn ra về sự can dự của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua đã khiến cho Tổng thống Donald Trump khó có thể theo đuổi mối quan hệ tốt đẹp hơn với Moscow, ngay cả khi ông mong muốn. Một số người cho rằng quan điểm cứng rắn của Tổng thống Trump đối với Tổng thống Syria Bashar al-Assad phần nào là do bộ máy chính quyền Mỹ chống lại việc ông thiết lập quan hệ gần gũi hơn với Nga.
Ngay cả khi Tổng thống Donald Trump có thể vượt qua những trở ngại này ở Washington, vẫn không có gì bảo đảm rằng ông có thể đồng ý với Tổng thống Nga Vladimir Putin về nhiều vấn đề gai góc còn tồn đọng. Từ phòng thủ tên lửa, Syria cho đến Ukraine, quan điểm của Nga và Mỹ còn cách biệt quá xa, khó có thể bắc cầu hòa giải.