Đó là nhận định của Tiến sĩ Tang Siew Mun, lãnh đạo Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại Viện ISEAS-Yusof Ishak, trong bài viết đăng trên trang mạng TODAY Online của Singapore ngày 5/9/2016.
|
Các nhà lãnh đạo tại Lễ khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28 và 29 tại thủ đô Vientiane ngày 6/9/2016. Ảnh sunstar.com.ph |
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 28 và 29 cũng như các hội nghị liên quan đã khai mạc tại Vientiane ngày 6/9/2016. Đây là lần đầu tiên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á chức hai hội nghị cấp cao liên tiếp, khi ASEAN tìm cách sắp xếp hợp lý phương pháp làm việc, chia tay với sắp xếp truyền thống của các cuộc thảo luận trong nội bộ khu vực vào đầu năm và các cuộc thảo luận rộng hơn với các đối tác đối thoại vào nửa cuối năm.
Sự kiện kéo dài bốn ngày này sẽ có các cuộc họp chính thức và không chính thức cấp cao kéo dài với các bên liên quan và các đối tác đối thoại khác nhau. Nhưng một trong những điểm nhấn là Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc, kỷ niệm 25 năm quan hệ đối thoại song phương.
Theo Tiến sĩ Tang Siew Mun, trong điều kiện bình thường, Hội nghị cấp cao Vientiane lần này sẽ là một cơ hội nữa cho Bắc Kinh quảng bá chính sách ngoại giao quyến rũ, nhưng hai sự kiện trong vài tháng qua có thể ngăn cản kế hoạch của Trung Quốc.
Tình trạng chia rẽ giữa ASEAN và Trung Quốc đã bộc lộ một cách đầy đủ qua cuộc họp đặc biệt cấp bộ trưởng ngoại giao ASEAN-Trung Quốc tại Côn Minh vào tháng 6/2016, nơi Trung Quốc ngăn chặn thành công một thỏa thuận tuyên bố của ASEAN đã được phát hành vào lúc kết thúc cuộc họp. Sự can thiệp của Trung Quốc lại có thể được nhìn thấy một lần nữa tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) tháng trước, với việc hội nghị này khá chật vật trong việc đưa ra Thông cáo chung.
Trong khi mẫu số chung của hai "sự cố" nói trên là Biển Đông vẫn còn lơ lửng tại Hội nghị Cấp cao ở Vietiane lần này, nhưng nó sẽ không gây cho Trung Quốc nhiều bối rối trong thời gian này vì ba lý do.
Thứ nhất, Trung Quốc đã tìm cách hạ nhiệt vấn đề này bằng cách đồng ý đạt được Thỏa thuận khung của Bộ qui tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) vào giữa năm 2017. Đây là một động thái chiến thuật nhằm làm xoa dịu bức xúc gia tăng của một số nước thành viên ASEAN cũng như chặn trước cáo buộc Trung Quốc cố tình trì hoãn quá trình đàm phán về COC.
Thứ hai, các nước thành viên ASEAN sẽ tiếp tục chờ đợi tín hiệu từ Manila về Biển Đông. Đàm phán song phương giữa Philippines với Trung Quốc, sau phán quyết ngày 12/7 của Tòa Trọng tài ở La Haye bác bỏ hầu hết các yêu sách chủ quyền tham lam phi lý của Bắc Kinh đối với Biển Đông, giúp giảm bớt áp lực đối với ASEAN phải có một lập trường cứng rắn hơn về các tranh chấp hàng hải.
Thứ ba, cả ASEAN lẫn Trung Quốc đều đồng ý rằng quan hệ song phương là rộng lớn hơn so với tranh chấp ở Biển Đông. Với thương mại song phương lên tới 345 tỷ USD trong năm 2015, hai bên có nhiều thứ để mất nếu quan hệ song phương bị xấu đi một cách nghiêm trọng.
Những yếu tố này cho thấy mức độ “an toàn” của Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần này, nhưng đây sẽ là một cơ hội bỏ lỡ đối với ASEAN, nếu chiều theo kịch bản Trung Quốc. Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc kỷ niệm 25 năm quan hệ đối thoại song phương là một cơ hội hiếm có để ASEAN gây sự chú ý của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và truyền đạt quan điểm thẳng thắn với các nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Tranh chấp ở Biển Đông đã vượt quá yêu sách hàng hải. Đây là mối quan tâm khu vực trên nhiều cấp độ, bao gồm cả quyền tự do hàng hải và hàng không, tuân thủ luật pháp quốc tế và giữ gìn sự thiêng liêng của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác mà các nước ASEAN, Trung Quốc và 21 quốc gia khác đã cam kết sẽ giải quyết hòa bình các cuộc xung đột.
Đối với ASEAN, vấn đề quan trọng nhất là đối phó với âm mưu chia rẽ của Trung Quốc liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông. Trong bài phát biểu nhân dịp Quốc khánh Singapore mới đây, Thủ tướng Lý Hiển Long nhận xét: “Nếu Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á không thể đối phó với một vấn đề lớn ảnh hưởng đến các thành viên của hiệp hội ở ngay trước ngưỡng cửa, về lâu dài, sẽ không có ai coi trọng ASEAN nữa”.
|
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long: “Nếu Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á không thể đối phó với một vấn đề lớn ảnh hưởng đến các thành viên ở ngay trước ngưỡng cửa, về lâu dài sẽ không có ai coi trọng ASEAN nữa”. Ảnh TODAY Online |
Về ngắn hạn, chiến lược chia rẽ ASEAN của Bắc Kinh sẽ thu được một số lợi ích, nhưng xét về trung và dài hạn, nó sẽ làm tổn hại đến lợi ích quốc gia của Trung Quốc.
Bắc Kinh phải nhận ra rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ hoàn toàn thành công trong việc “bịt miệng” ASEAN. Các cuộc thảo luận bị gạt khỏi "cái bàn ASEAN” bởi quy tắc đồng thuận vẫn sẽ diễn ra tại các diễn đàn khác. Về mặt chiến lược, hành động của Bắc Kinh trên thực tế đang đẩy một số quốc gia thành viên ASEAN xa rời Trung Quốc và ngả về phía Mỹ.
Tiến sĩ Tang Siew Mun kết luận: ASEAN đoàn kết không phải là một mặt trận chống Trung Quốc và cũng không phải là một công cụ thân Mỹ. Một ASEAN đoàn kết sẽ ở vào vị thế mạnh để đẩy lùi áp lực địa chính trị từ phía các cường quốc lớn. Rốt cuộc, các nước thành viên ASEAN rồi cũng sẽ nhận thức được rằng sự thống nhất của hiệp hội cho phép tiếng nói của 10 quốc gia Đông Nam Á “được lắng nghe trong một thế giới vốn bị chi phối bởi các cường quốc lớn mạnh hơn và to tiếng hơn”.