Vấn đề Biển Đông chi phối Đối thoại Shangri-La 2015

Google News

(Kiến Thức) - Đối thoại Shangri-La 2015 sẽ thảo luận về những vấn đề cấp bách, đặc biệt là vấn đề Biển Đông và nguy cơ chạy đua vũ trang trong khu vực.

Đối thoại Shangri-La 2015 khai mạc vào ngày 29/5 và sẽ kéo dài ba ngày.
Theo Viện  Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (IISS) - cơ quan tổ chức Đối thoại Shangri-La, các đại biểu tham dự hội nghị sẽ thảo luận về những thách thức an ninh mới mà các quốc gia Đông Nam Á phải đối mặt và cuộc chạy đua vũ trang tiềm tàng trong khu vực.
Van de Bien Dong se chi phoi Doi thoai Shangri-La 2015
Vấn đề Biển Đông sẽ chi phối Đối thoại Shangri-La 2015 và bài phát biểu của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe sẽ lại thu hút sự chú ý. 
Hội nghị cũng tập trung vào quan hệ Mỹ-Trung, đặc biệt liên quan đến tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông cũng như tác động đến các nước trong khu vực.
Chỉ vài ngày trước khai mạc Đối thoại Shangri-La 2015, ngày 26/5, chính phủ Trung Quốc đã công bố Sách trắng quốc phòng tái khẳng định phương hướng quân sự chủ động.
Về mặt chiến lược, Trung Quốc muốn vô hiệu hóa các mối đe dọa tiềm năng càng nhiều càng tốt. Theo cựu Thủ tướng Australia Kevin Rudd,  Trung Quốc coi Mỹ là mối đe dọa lớn nhất.  Bắc Kinh cho rằng Mỹ muốn cô lập Trung Quốc cũng như làm suy yếu và phân hóa  nội bộ nước này.
Để chống lại mối đe dọa này, Trung Quốc đang ồ ạt hiện đại hóa hải quân. Đồng thời, Trung Quốc đã chế tạo tên lửa Dong Feng 21D có khả năng tấn công chính xác tàu sân bay trên biển.
Ngoài ra, tháng 11/2013, Trung Quốc đã công bố thiết lập Khu nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Hoa Đông và xây dựng “đảo nhân tạo” ở Biển Đông.
Phản ứng trước hành động hung hăng quyết đoán của Trung Quốc trong khu vực, Mỹ đã đề ra chiến lược quốc gia mới, mà sau đó Ngoại trưởng Hillary Clinton gọi là “xoay trục sang Châu Á”.  Để thực hiện chiến lược mới này, Mỹ tăng cường can dự về ngoại giao, kinh tế và quân sự ở Châu Á-Thái Bình Dương và tăng cường quan hệ với các đồng minh trong khu vực, đặc biệt với Nhật Bản và Philippines.
Chuyến thăm Washington  hồi tháng 4/2015 của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nêu bật tầm quan trọng của  quan hệ Mỹ-Nhật, liên quan đến một mô hình Châu Á mới.
Trong khi Mỹ đảm nhận vai trò tiên phong  trong các hoạt động chiến đấu có thể, Nhật Bản sẽ tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực hậu cần, phòng thủ tên lửa và chia sẻ thông tin tình báo.
Các nước nhỏ trong khu vực đang xích lại gần Mỹ hơn để đối phó với chính sách bành trướng của Trung Quốc. Các quan chức Hải quân Mỹ gần đây công khai bày tỏ lo ngại về hoạt động bồi đắp trái phép đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông.
Minh Châu (Theo DW)

Bình luận(0)